Đồng nhất màu sơn xe taxi trên cả nước: Chuyện “ngược đời”, gây lãng phí tiền tỉ
Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi nghị định 91, trong đó buộc màu sơn xe taxi phải đồng nhất trên cả nước, trừ các thành phố trực thuộc Trung ương (được phép quy định màu sơn xe taxi của doanh nghiệp trên địa bàn).
Trước thông tin này, hàng trăm doanh nghiệp taxi đang đứng ngồi không yên, bởi việc bỏ ra hàng tỉ đồng để sơn lại xe là chuyện không dễ. Không ít doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP.HCM còn cảnh báo, nếu thực hiện quy định trên coi chừng lượng taxi dù, taxi nhái còn lộng hành hơn.
Thật giả khó lường
Lý giải về việc đề xuất đồng nhất màu sơn xe taxi, một nguyên phó cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trước đây taxi chỉ quy định về logo, đèn báo mà không quy định về màu sơn (dù vẫn đăng ký màu sơn). Do đó, taxi hoạt động khá lộn xộn, nhiều xe taxi dù, nhái tự gắn logo, đèn báo, in số điện thoại để “hoá thân” thành taxi xịn. Do đó khách hàng không phân biệt được. Chưa kể việc một số hãng đăng ký màu sơn gây nhầm lẫn cho khách. Chính vì vậy, việc thống nhất màu sơn nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách đi xe và khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính, kéo giảm được tình trạng xe taxi dù, taxi nhái.
Trái ngược với quan điểm trên, theo ông Lê Huy Cường, phó tổng giám đốc hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long, việc bắt buộc tất cả các xe taxi phải có cùng một màu sơn là việc làm “ngược đời”, chỉ làm tăng thêm nguy cơ bùng phát taxi dù, taxi nhái. Ông Cường dẫn chứng, từ trước đến nay, khi hành khách phát hiện mình đi taxi dù, nhái của hãng nào thì ngay lập tức liên hệ với hãng đó để “truy đuổi”. Vậy nếu ở tỉnh đều đồng nhất một màu xe, khi phát hiện mình đi nhầm taxi nhái, khách biết phối hợp cùng hãng nào để “xử”. “Biết là cha chung không ai khóc, vậy sao lại muốn đưa quy định kiểu này vào thực hiện?”, ông Cường bức xúc.
Liên quan đến vấn nạn taxi dù, nhái, ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch hiệp hội Taxi TP.HCM còn chia sẻ, ở TP.HCM hiện có không ít doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi nhưng thực chất là “bán” logo thu tiền tháng, còn việc hoạt động như thế nào, gắn logo, đồng hồ, số điện thoại tổng đài... có đúng quy định hay không thì họ gần như không quan tâm. Ở đây, kẽ hở lớn nhất là do thủ tục đăng ký gia nhập doanh nghiệp, hợp tác xã taxi quá đơn giản, dẫn đến tình trạng ai cũng có thể có giấy phép chạy taxi với điều kiện chỉ cần đóng tiền.
Taxi dù đã dám chụp lên xe mũ taxi, dán logo doanh nghiệp dỏm, thì họ cũng sẵn sàng “tút” lại màu sơn để loè khách hàng. Ai đảm bảo taxi có màu sơn đúng quy định, đó là taxi giả hay thật?
Để doanh nghiệp tự quyết
Ông Lê Huy Cường đề nghị, để nâng chất, xây dựng thương hiệu, từ lâu đã có không ít doanh nghiệp taxi tính đến chuyện đồng nhất một màu sơn của hãng mình thay vì hai màu như hiện nay. Hiện taxi Sài Gòn Hoàng Long đang sơn lại 350 xe của mình sang màu xanh, trắng, vàng để đồng nhất 450 xe hiện có của hãng (màu taxi Sài Gòn Hoàng Long đăng ký với các sở giao thông vận tải ở nơi mình hoạt động). Trong số 450 xe của hãng Sài Gòn Hoàng Long có 100 xe đang hoạt động ở các thành phố không trực thuộc Trung ương.
“Nếu 100 xe kể trên bỏ tiền ra sơn lại, thấp nhất cũng mất hơn tỉ đồng, đó là chưa kể tiền thất thu cả tuần lễ do xe nằm gara. Xe sơn xong, nếu phải thực thi quy định đồng nhất màu taxi trên cả nước, mình đã phải đem tiền tỉ đi ném sông và lại tiếp tiếp bỏ tiền tỉ nữa ra sơn lại thì quá lãng phí”, ông Cường nói.
Tương tự, theo thống kê của ông Nguyễn Đỗ Phương, hiện hãng Mai Linh có 14.000 xe taxi, hoạt động trên 54 tỉnh thành. Theo tính toán, Mai Linh mất hơn 20 tỉ đồng để có một màu đồng nhất cả nước.
“Vì vậy, nếu quy định một màu thống nhất theo nghị định trên được thực thi, chúng tôi lấy đâu ra tiền để sơn lại 7.000 – 8.000 xe taxi Mai Linh đang hoạt động ở các tỉnh”. Ông kiến nghị, để tránh lãng phí chuyện màu xe taxi hãy để cho doanh nghiệp quyết, bởi thực tế hầu hết các hãng taxi hoạt động chuyên nghiệp trên cả nước đã có màu riêng mang thương hiệu của mình từ lâu.
ĐÀO LÊ
sài gòn tiếp thị
|