Doanh nghiệp nỗ lực trả cổ tức bằng tiền
Một số DN đã và đang tiến hành chia cổ tức bằng tiền, dù không phải DN nào trong số đó cũng dư dả về tiền.
Giữ lời hứa
Trong bối cảnh TTCK ảm đạm, đa số NĐT nắm giữ cổ phiếu nếu không lỗ nhiều cũng lỗ ít, việc một số DN sẽ trả cổ tức bằng tiền khiến cổ đông cảm thấy được an ủi.
Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 6 trở lại đây, có khoảng 60 DN đã tiến hành trả cổ tức bằng tiền. So với hơn 700 DN niêm yết trên cả hai sàn, thì con số này còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà việc DN trả cổ tức bằng tiền càng trở nên ý nghĩa.
Ngoại trừ một số DN như CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG), CTCP Đá Núi Nhỏ (NNC), CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC), CTCP Thương mại - Sản xuất - May Sài Gòn (GMC) là đã tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2012, còn lại đa số DN trả cổ tức nợ từ các năm trước đó. Tỷ lệ chi trả cổ tức phổ biến là 5 - 10% vốn điều lệ. Có một số DN chi cổ tức ở tỷ lệ cao hơn như CTCP Thủy sản Bến Tre (ABT) trả cổ tức với tỷ lệ 30% vốn điều lệ, NNC trả ở tỷ lệ 23%, CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) trả 17%, CTCP Sông Đà 6.04 (S64) và CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) trả 15%...
Trên thực tế, để trả cổ tức bằng tiền, điều kiện đầu tiên là DN phải kinh doanh có lãi. Ngoài ra, đặc điểm chung của những DN trả cổ tức bằng tiền trong đợt này là có dòng tiền khá ổn định. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6/2012, ABT đạt doanh thu 357,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 61,3 tỷ đồng, lần lượt bằng 51% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận năm 2012. Xét dòng tiền, nhìn trên báo cáo tài chính bán niên soát xét, ABT vẫn còn gần 90 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Trong khi đó, số tiền ABT chi ra trả cổ tức ở thời điểm 20/8/2012 xấp xỉ 33 tỷ đồng.
Với NNC, doanh thu 6 tháng là 125 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 42,6 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2012, NNC còn 58,5 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Dòng tiền này tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm và cao hơn nhiều so với con số 19,1 tỷ đồng cần chi ra để trả cổ tức, tỷ lệ 23%, vào ngày 10/9/2012.
Nỗ lực từ DN
Ai cũng biết, dòng tiền của DN biến động, chứ không đứng yên như tại ngày chốt báo cáo tài chính. Dòng tiền này có thể tăng lên và giảm xuống, tùy vào tình hình thu chi của DN trong kỳ tiếp theo. Vì thế, dựa vào con số ở thời điểm cuối tháng 6 để đánh giá khả năng chi trả cổ tức trong tháng 8, tháng 9 của DN là chưa chính xác. Tuy nhiên, từ quan sát thực tế, nhiều chuyên gia cho biết, khi dòng tiền của DN tại thời điểm chốt báo cáo tài chính ở mức cao so với mức phải trả cổ tức, thì việc trả cổ tức dù xảy ra sau đó một thời gian, nhưng thường nằm trong tầm tay và không ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền của DN.
Ông Đặng Kiết Tường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ABT chia sẻ: “Chúng tôi có lãi mới dám trả cổ tức. Sau khi trả cổ tức, dòng tiền của ABT vẫn tốt để trang trải cho các hoạt động”.
Mặc dù vậy, nhìn vào báo cáo tài chính bán niên soát xét, có thể nhận thấy nhiều DN đang gặp khó khăn, không dễ dàng để chi tiền lúc này.
Điểm khó khăn chung nhất là hầu hết DN đều sụt giảm doanh thu, lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2012 của NNC giảm 24,2% so với 6 tháng đầu năm 2011. Trong khi đó, các chỉ tiêu tài chính kế hoạch cho năm 2012 của NNC, gồm cả tỷ lệ cổ tức, lại tương đương mức thực hiện năm 2011.
Điểm khó khăn nữa là dòng tiền của DN cuối kỳ tuy dương, thậm chí vẫn ở mức cao, nhưng thực tế đã suy giảm ít nhiều so với đầu năm. Trong đó, không ít DN như ABT, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có dòng tiền lưu chuyển trong kỳ âm. Nhờ khoản tiền đầu kỳ lớn đủ sức bù đắp, dòng tiền của các DN này mới duy trì thế ổn định.
Ngoài ra, các DN đối diện với nhiều mối lo như thuế tăng. Cuối tháng 6/2012, riêng thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước của PGD tăng 6 lần so với thời điểm đầu năm. Cũng như đa số DN khác, nỗi lo về gia tăng hàng tồn kho, gia tăng khoản phải thu khó đòi là những nỗi lo hiện hữu của PGD. Đương đầu với nhiều nỗi lo, nhưng DN này vẫn thực hiện trách nhiệm với cam kết trước cổ đông về cổ tức.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán
|