Doanh nghiệp niêm yết phập phồng theo nợ
Bình quân, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (DER) trong nửa đầu năm 2012 của 641 công ty niêm yết (ngoại trừ ngân hàng và chứng chỉ quỹ) lên tới 1.42 lần. Đáng báo động, có 7 doanh nghiệp ghi nhận hệ số này trên 20 lần, trong đó TLT cao ngất ngưỡng 664 lần.
Doanh nghiệp Xây dựng và Bất động sản dẫn đầu hệ số DER
Xét theo bình quân ngành, trong 6 tháng đầu năm 2012 có tới 5 lĩnh vực ghi nhận hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (DER) trên 2 lần. Đó là ngành xây dựng và bất động sản với 2.76 lần; hoạt động kiến trúc, kiểm tra và tư vấn kỹ thuật 2.54 lần; kim loại và các sản phẩm từ khoáng phi kim loại 2.16 lần; xây dựng 2.11 lần và bảo hiểm 2.01 lần.
Có đến 8 ngành ghi nhận hệ số DER bình quân từ 1.5 đến 1.9, gồm có hoạt động dịch vụ liên quan đến khai khoáng, vận tải đường thủy, bất động sản, khai khoáng khác, bán buôn, viễn thông, nội ngoại thất và các sản phẩm liên quan, máy móc phương tiện vận tải.
Hệ số DER bình quân ngành trong 6T/2012
|
|
Thấp nhất trong bảng thống kê là ngành trồng trọt (DER=0.36), sản phẩm dầu mỏ tinh chế và than cốc (DER=0.42), hóa chất - dược phẩm (DER=0.45%).
Những ông lớn “cõng” nợ
TLT “nổi bật” trong top 10 DN có hệ số DER khủng nhất 6T/2012
|
|
Thống kê cho thấy, TLT là công ty niêm yết có hệ số Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trong 6 tháng đầu năm 2012 thuộc hàng đáng báo động nhất trên toàn thị trường khi hệ số này đột biến lên mức 664 lần. Tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng thuộc hàng quá cỡ với 350 lần. Tổng nợ vay/ nợ phải trả của TLT bằng 0.53 lần, nợ ngắn hạn vượt 47 lần nợ dài hạn.
Được biết, kể từ quý 4/2011, vốn chủ sở hữu của TLT ngày càng vơi dần, đến nay chỉ còn 520 triệu đồng trong khi vốn điều lệ là 70 tỷ đồng. Hiện TLT đang lỗ luỹ kế hơn 100 tỷ đồng, nợ phải trả phình to mỗi ngày, cổ phiếu TLT đang nằm trong diện cảnh báo của Sở GDCK Hà Nội (HNX).
Một loạt các doanh nghiệp khác cũng đang đau đầu giải quyết bài toán về nợ có thể kể đến DDM khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bằng 67, VSG trên 40, GFC 31 lần.
Phần lớn nợ phải trả của DDM đến từ nợ vay, chiếm 80% với hơn 1,000 tỷ đồng, tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu lên tới 55 lần. Trong 6 tháng đầu năm 2012, DDM lỗ hơn 11.5 tỷ đồng, chi phí lãi vay 34 tỷ đồng; luỹ kế công ty lỗ đến gần 70 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đến nay chỉ còn chưa đến 20 tỷ đồng. DDM đang thế chấp các tàu Đông Ba, Đông Phú, Đông An, Đông Phong, Đông Thọ, Đông Du, Đông Mai, Đông Thanh cho các khoản vay ngân hàng.
Với VSG, ngoài việc thua lỗ triền miên, VSG còn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề khi nợ phải trả đã vượt 40 lần vốn chủ sở hữu. Tổng nợ vay vượt 38 lần vốn chủ sở hữu. Mới đây, HOSE cũng đã cảnh báo nhà đầu tư về khả năng VSG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 tiếp tục âm.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành vận tải biển thì DDM và VSG khó có khả năng thoát cảnh thua lỗ trong năm 2012. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận của VSG âm hơn 23 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến thời điểm hiện tại lên tới 105 tỷ đồng so với vốn điều lệ thực góp chỉ có 110 tỷ đồng. Theo thống kê, liên tục từ quý 2/2009 đến nay, doanh nghiệp này chưa biết đến mùi lợi nhuận là gì.
Ba doanh nghiệp đang có hệ số DER vượt ngưỡng 20 lần, gồm STL, DTC, VMD. Tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu của STL gần 18 lần, tổng nợ vay/nợ phải trả là 0.64 lần. Với DTC, tổng nợ vay gấp 16.7 lần vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn xấp xỉ 4.8 lần nợ dài hạn.
Đặc biệt, VMD là doanh nghiệp dược duy nhất trên sàn chứng khoán lọt vào top 10 những công ty có hệ số DER ngất ngưỡng. Tổng nợ vay hiện tại của công ty này gần 697 tỷ đồng, nợ phải trả gấp vốn chủ sở hữu 23 lần, nợ ngắn hạn vượt 17 lần nợ dài hạn.
Một công ty sẽ chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM kể từ ngày 14/09 tới cũng đang có hệ số DER cao là SDS. Nợ phải trả của công ty gấp 12 lần vốn chủ sở hữu, tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu hơn 6 lần, nợ ngắn hạn vượt trên 18 lần nợ dài hạn.
Ngoài ra, hiện có tới 16 công ty có hệ số này dao động 5 lần, như MEC, CTN, VLF….
Bộ đôi âm vốn chủ sở hữu
Đáng chú ý, bộ đôi VCH, S27 trở thành hai công ty xây dựng có hệ số DER âm vì vốn chủ sở hữu phát sinh âm. Theo đó, VCH âm gần 22 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, còn S27 cũng âm 2.5 tỷ đồng.
Đây cũng là hai gương mặt đang nằm trong diện cảnh báo của HNX do phát sinh lỗ trong năm 2011. Chưa dừng lại ở đó, S27 và VCH tiếp tục để lỗ trong 6 tháng đầu năm 2012. Cụ thể, VCH lỗ hơn 29.7 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, còn S27 cũng lỗ gần 6.3 tỷ đồng.
VCH và S27 âm vốn chủ sở hữu tính đến ngày 30/06/2012
|
|
Thông thường, các doanh nghiệp có hệ số DER càng cao thì càng gặp nhiều trở ngại trong việc trả nợ. Đặc biệt, đối với những khoản nợ phải trả lãi thì ngoài áp lực trả nợ gốc, doanh nghiệp còn phải xoay sở cho khoản chi phí trả lãi, từ đó càng gia tăng khả năng phá sản của doanh nghiệp. Hiện lãi suất đang giảm mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giả rẻ hơn, nhưng với những gánh nặng nợ nần quá lớn, cánh cửa tiếp cận với vốn vay tất yếu sẽ thu hẹp.
Bội Mẫn (Vietstock)
FFN
|