Chủ Nhật, 09/09/2012 22:33

Doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh: Cân nhắc lợi hại

Nhiều DN rục rịch điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2012. Liệu đây có phải là hành động cần thiết khi bên cạnh một số điểm lợi là những điểm hại đi kèm?

Bị điều chỉnh nhiều, các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sẽ mất dần ý nghĩa
Bị điều chỉnh nhiều, các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sẽ mất dần ý nghĩa

Đến hẹn… điều chỉnh

Trong tháng 8/2012, nhiều DN niêm yết công bố điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2012. Có thể kể ra các trường hợp: CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) điều chỉnh giảm hơn 35% kế hoạch doanh thu và giảm 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT); CTCP FPT (FPT) giảm 16,7% chỉ tiêu LNTT; CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) giảm 70% chỉ tiêu LNTT; CTCP Đầu tư PV2 (PV2) giảm 91,19% chỉ tiêu LNTT…

HĐQT PV2 tính toán, cả khi dựa trên chỉ tiêu điều chỉnh, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của PV2 cũng chỉ đạt 27,4% kế hoạch năm. Đây cũng là tình cảnh của IVS, do trong quý II/2012, doanh thu của Công ty giảm 23%, còn lợi nhuận sau thuế giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Riêng SVC cho rằng, giảm chỉ tiêu kinh doanh sẽ giúp Công ty giảm áp lực cho các đơn vị thành viên, từ đó tránh được áp lực gia tăng hàng tồn kho do chạy đua theo chỉ tiêu. Ngoài ra, giảm kế hoạch cũng giúp SVC kéo giãn tiến độ các dự án bất động sản, chuẩn bị các nguồn lực khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quá khứ, câu chuyện giảm kế hoạch kinh doanh gần như đã thành lệ, đến hẹn lại… điều chỉnh. Năm ngoái, cùng thời điểm này, nhiều DN như S99, HDC, VC1… tiến hành giảm chỉ tiêu kinh doanh. Năm trước nữa, tình trạng DN xin điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh cũng không phải hiếm.

Dù mỗi DN có những lý do khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn là biến động khó lường của kinh tế vĩ mô, dẫn đến hoạt động kinh doanh của DN khó đạt kế hoạch. Vì thế, DN xin điều chỉnh chỉ tiêu để kế hoạch kinh doanh sát với thực tiễn.

Cân nhắc lợi, hại

Như trên đã đề cập, cái lợi rõ ràng cho DN khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là DN giảm được áp lực. Trong điều kiện kinh doanh khó khăn, việc chạy đua theo chỉ tiêu là một áp lực rất lớn, nhất là khi so sánh với thực tế 6 tháng đầu năm, đa số DN mới chỉ đạt 30 - 40% kế hoạch năm đề ra.

Cái lợi khác là DN có thành tích để báo cáo với cổ đông. Những cụm từ “hoàn thành”, “đạt”, “vượt” chỉ tiêu kinh doanh luôn có giá trị nhất định mỗi khi được báo chí, cổ đông nhắc đến. Trong khi đó, nếu DN không hoàn thành được chỉ tiêu kinh doanh, thì lãnh đạo DN đó thường bị quy cho không đủ năng lực, không giỏi chèo chống…

Một lợi ích quan trọng khác để DN sốt sắng điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh là lãnh đạo DN sẽ được đảm bảo thù lao nếu hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu kinh doanh, bất kể đó là chỉ tiêu đã bị điều chỉnh giảm. Mức thù lao này không phải là nhỏ. Đơn cử, thù lao trả cho Chủ tịch HĐQT TLH năm 2011 là 45 triệu đồng/tháng. Trường hợp kết quả kinh doanh vượt kế hoạch, thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành ở đa số DN sẽ được trích thêm 2% từ lợi nhuận vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, bất lợi của việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh là cổ đông, NĐT suy giảm niềm tin vào DN. Dù DN có đưa ra lý do nào đi chăng nữa, thì không ít NĐT nhìn vào động thái này với cái nhìn ngờ vực.

Thực tế, việc đợi đến tháng 8, tháng 9 hoặc chậm hơn để điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh không mang nhiều ý nghĩa. Nó chỉ như một thông báo cho hoạt động kinh doanh đã không như dự báo, không còn trong tầm kiểm soát…, mà kết quả kinh doanh yếu kém trong những tháng trước đó đã thể hiện và ai cũng có thể cảm nhận được. Với thời gian vài tháng ngắn ngủi còn lại của năm, DN rất khó có thể thay đổi cơ cấu vốn, chiến lược hay thị trường để cải thiện tình hình.

Khi DN tiến hành giảm chỉ tiêu kinh doanh, NĐT có thể suy diễn đến một kịch bản bị động và tiêu cực hơn đang xảy ra ở DN. Ngoài ra, NĐT có thể nghi ngờ khả năng nhạy bén với thị trường, với rủi ro của lãnh đạo DN.

Chưa kể, nếu việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh trở nên phổ biến, có thể tạo ra tiền lệ xấu: DN không có trách nhiệm với chính kế hoạch kinh doanh của mình. Từ đây, NĐT không còn tin vào kế hoạch kinh doanh đã được vạch ra từ lãnh đạo DN và sẽ không coi chỉ tiêu kinh doanh là một tham khảo giá trị cho định hướng đầu tư.

Giữa lợi và hại này, có lẽ sự điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh ở DN là không cần thiết.

Ngọc Thủy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bán tài sản trả nợ: Cắn răng giảm giá tới 50% (09/09/2012)

>   Địa ốc Dầu khí trần tình việc đại hạ giá dự án (08/09/2012)

>   Tập đoàn Mai Linh lãi ròng 6 tháng hơn 2 tỷ đồng (10/09/2012)

>   HBS thay đổi địa điểm chi nhánh Hồ Chí Minh (07/09/2012)

>   ACBS thay đổi địa điểm Chi nhánh Vũng Tàu (07/09/2012)

>   SBC giải trình kết quả kinh doanh hợp nhất Q2/2012 (07/09/2012)

>   TCBS: Báo cáo tài chính bán niên 2012 (07/09/2012)

>   KBC: Phản hồi thông tin báo chí (07/09/2012)

>   DDM: Giải trình chênh lệch BCTC trước và sau soát xét (07/09/2012)

>   DLG đính chính Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2012 (07/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật