Đại phẫu" PetroVietnam: Khó và...đau
Chỉ riêng ở PVX đã có tới 15 công ty thành viên và 13 công ty liên kết. Tại nhiều đơn vị thành viên khác thuộc PVN, số lượng các công ty con, cháu tuy có thể không nhiều như ở PVX nhưng cũng chẳng thua kém bao xa... Và PVX chỉ là 1 trong số 26 đầu mối là các tổng công ty, doanh nghiệp mà PVN hoặc đang nắm giữ 100% vốn, hoặc góp vốn với tỷ lệ không dưới 35%.
Thoái vốn không dễ, quy hoạch lại mạng lưới công ty họ PV cũng không hề đơn giản. Có quá nhiều việc cần làm trong kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngày 31/3/2012, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVX) tuyên bố hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Kế hoạch này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận vào ngày 17/11/2011.
Từ xây dựng dân dụng, bất động sản…
Sẽ không có gì đáng nói nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không bỏ ra 1.100 tỷ đồng để sở hữu 110 triệu cổ phần được PVX rao bán trong lần tăng vốn điều lệ đó. Nhất là khi thương vụ này cũng giúp PVN nâng tỷ lệ nắm giữ của mình tại PVX từ 41,21% lên 53,26%. Thời điểm PVN rót thêm 1.100 tỷ đồng vào PVX cũng là lúc yêu cầu thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính đã được Chính phủ đặt ra với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Ngày 6/1/2012, tuyên bố với báo giới, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV PVN cho hay, PVN đã chính thức rút khỏi dự án Tháp Dầu khí nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, dự án Tháp Dầu khí có quy mô 600 triệu USD lại được giao cho PVX đầu tư, nơi mà PVN lại chiếm cổ phần chi phối sau lần tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng của PVX?!
Ban lãnh đạo PVN khi trả lời với báo giới đã khẳng định 1.100 tỷ đồng vốn tăng thêm cho PVX sẽ không phục vụ cho việc đầu tư bất động sản. Ông Thực nhấn mạnh, PVX sẽ là đơn vị đảm nhiệm dịch vụ xây dựng các công trình dầu khí trên bờ, trong khi một số đơn vị khác như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) hay Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PVD) sẽ đảm nhiệm các dịch vụ dầu khí trên biển, vốn vẫn được coi là lĩnh vực đặc thù.
Năm mũi nhọn mà PVN xác định là: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Cũng cần phải nói thêm rằng, mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo ngừng giao dịch ký quỹ của cổ phiếu PVX kể từ ngày 12/9/2012. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của PVX âm 334,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ âm 467,8 tỷ đồng tại Báo cáo Tài chính hợp nhất bán niên có soát xét của kiểm toán năm 2012. Ngay lập tức trong 2 phiên giao dịch ngày 10/9 và 11/9, PVX đều giảm sàn, khối lượng dư bán giá sàn mỗi phiên trên 3 triệu đơn vị. Giá đóng cửa ngày 11/9 của cổ phiếu này là 5.400 đồng/cp. Nếu chỉ là nhà đầu tư tài chính, kiếm lời từ việc mua bán cổ phiếu và kỳ vọng một chút lợi tức khi doanh nghiệp ăn nên làm ra chắc chắn sẽ đứng ngồi không yên khi khoản tiền 1.100 tỷ đồng đầu tư vào PVX chỉ sau hơn nửa năm đã bốc hơi cỡ 500 tỷ đồng.
Thông báo 309/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu PVN thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính, trong đó có xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn.
…Tới lĩnh vực tài chính
Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng có nhắc tới việc PVN sẽ không duy trì mô hình Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVF) và chỉ còn giữ lại không quá 35% vốn tại Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Hiện vốn điều lệ của PVF là 6.000 tỷ đồng và PVN đang nắm 78% tỷ lệ vốn góp tại đây. PVN cũng đang giữ 20% cổ phần tại Ngân hàng Đại Dương (
Ocean Bank
). Gần đây PVF cũng đề nghị được chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng. Theo quy định hiện hành, một pháp nhân không được sở hữu quá 20% cổ phần tại một ngân hàng và cũng không được góp vốn vào 2 ngân hàng nên nếu PVF cũng trở thành ngân hàng thì dù bán cổ phần ở PVF hay OceanBank vào lúc này, PVN cũng khó lòng thu về được hơn 4.500 tỷ đồng đã đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thời gian qua.
Câu chuyện tại PVI có vẻ đơn giản hơn bởi hiện tại PVN đang nắm 35,5% cổ phần tại đây, gần với mức yêu cầu của Chính phủ. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc PVN cho hay, do thị trường chứng khoán hiện vẫn tiếp tục ảm đạm nên việc thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính như yêu cầu của Chính phủ ở thời điểm này không phải là chuyện đơn giản.
Và đề toán khó của Chính phủ
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu, trong tháng 9 này PVN hoàn chỉnh Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn, báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt. Đề án phải báo cáo rõ tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. PVN cũng được yêu cầu phải sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp II, III và IV, thu gọn đầu mối để tổ chức hoạt động trong Tập đoàn, tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính, tránh trùng lắp, cạnh tranh nội bộ.
Chỉ riêng ở PVX đã có tới 15 công ty thành viên và 13 công ty liên kết. Tại nhiều đơn vị thành viên khác thuộc PVN, số lượng các công ty con, cháu tuy có thể không nhiều như ở PVC nhưng cũng chẳng thua kém bao xa. Và PVX chỉ là 1 trong số 26 đầu mối là các tổng công ty, doanh nghiệp mà PVN hoặc đang nắm giữ 100% vốn, hoặc góp vốn với tỷ lệ không dưới 35%.
Hiện ngoài công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, còn có một số tổng công ty, công ty thành viên của PetroVietnam đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Đó là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty Dầu (PVOil), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Công ty Nhập khẩu và phân phối than dầu khí (PV Coal) và Công ty TNHH một thành viên Phân bón Cà Mau.
Tại các đơn vị này hiện đều có hội đồng thành viên và có hai nhân sự riêng biệt đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc. Tuy nhiên, PV Oil, PVP hay BSR, Công ty TNHH một thành viên Phân bón Cà Mau lại đang có kế hoạch cổ phần hóa, nên chắc chắn việc sắp xếp nhân sự và tái cơ cấu tại các doanh nghiệp này vẫn sẽ có những vướng mắc nhất định.
Các công ty TNHH một thành viên của PV: Đó là Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), tổng công ty dầu, (PV oil) tổng công ty điện lực dầu khí (Pv power), công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy dung quất, công ty nhập khẩu và phân phối than dầu khí (Pv coal) và công ty TNHH một thành viên phân bón cà mau.
Yên Hưng
Diễn đàn Doanh Nghiệp
|