Cơ khí Ô tô Hòa Bình tiếp tục gây ức chế cho cổ đông
Tương tự năm ngoái, năm nay, các cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên của CTCP Cơ khí Ô tô Hòa Bình tiếp tục bức xúc vì cách thức tổ chức ĐHCĐ.
Ban tổ chức chỉ cung cấp cho cổ đông duy nhất báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh ghi nhận doanh thu năm 2011 là 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 triệu đồng (năm 2010, Công ty lỗ 3,3 tỷ đồng). Các báo cáo của HĐQT, Ban kiểm soát chỉ được đọc tại đại hội, khiến cho cổ đông rất khó theo dõi đối với những con số quan tâm như nợ phải trả, nợ khó đòi, lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu. Trên website của Công ty cũng không có thông tin gì.
Nhiều cổ đông yêu cầu Công ty cung cấp tài liệu đầy đủ, nhưng được trả lời rằng, “cứ liên hệ sau để được cung cấp”. Điều này khiến cổ đông bức xúc, vì cho rằng ĐHCĐ tổ chức sai trình tự, thủ tục quy định tại Luật Doanh nghiệp và đặt vấn đề, liệu có nên dừng tổ chức ĐHCĐ hay không?
Dẫu vậy, ĐHCĐ đã được tiếp tục. Phần chất vấn giúp cổ đông biết được một số vấn đề mà trước đây Công ty đã nhiều lần né tránh, chẳng hạn như việc thu hồi nợ khó đòi, trong năm 2011 Công ty đã thu hồi được 3 tỷ đồng trong số khoảng 11 tỷ đồng. Trước câu hỏi của cổ đông về tình hình lỗ lũy kế, đại diện Ban kiểm soát cho hay, số lỗ lũy kế trên 18 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 11,8 tỷ đồng, như vậy Công ty âm vốn chủ sở hữu trên 6 tỷ đồng. Đây có thể nói là thông tin đáng thất vọng nhất, dù rằng trước đó, cổ đông đã chán nản vì tình hình hoạt động của Công ty, bởi tới nay, sau 7 năm kể từ khi cổ phần hóa, các cổ đông chưa một lần được nhận cổ tức.
Thông tin lỗ lớn đã dẫn đến những thảo luận gay gắt, thậm chí chủ tọa còn đề nghị cổ đông biểu quyết, liệu có nên phá sản, giải thể hay có giải pháp nào để vực dậy Công ty? Các cổ đông bày tỏ lo lắng rằng, với tình hình hiện tại, có nhiều chủ thể có quyền làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty theo quy định của Luật Phá sản. Dẫu biết việc phá sản một DN không dễ dàng, nhưng nếu có yêu cầu mở thủ tục phá sản xảy ra, thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới Công ty.
Hiện Công ty đang hoạt động trên khu đất có diện tích 6.050 m2 tại phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất này từ lâu là kỳ vọng giúp Công ty “lột xác”, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đối tác.
Bên cạnh vấn đề âm vốn chủ sở hữu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các cổ đông còn chất vấn về việc sử dụng khu đất được gọi là 9 gian kho nằm ngoài diện tích 6.050 m2 nói trên, liệu có phải đã phân cho một số cán bộ của Công ty - trong đó có một số lãnh đạo, sử dụng làm nhà ở hay không? Theo các cổ đông, khu nhà kho này có diện tích rất lớn, cổ đông không nắm được cụ thể là bao nhiêu. Giải trình của ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Công ty cho biết, do hoạt động sản xuất bị thu hẹp, nhà kho không sử dụng đến, nên Công ty cho một số cán bộ thuê để ở. Sở dĩ Công ty không cho bên ngoài thuê là vì sợ “người thuê chiếm luôn, không chịu đi” (?).
Cổ đông cũng đề nghị Công ty làm rõ về việc có một số khoản tạm ứng lớn, tồn đọng nhiều năm mà không có đủ hồ sơ chứng từ. Tuy nhiên, Công ty không có câu trả lời thỏa đáng và rõ ràng như tổng số tiền tạm ứng là bao nhiêu, tạm ứng cho ai, làm gì và vì sao không có hồ sơ.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|