Chứng khoán Tuần 24 - 28/09: Điều gì đã đẩy thanh khoản tụt dốc?
Khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm mạnh 45% so với tuần trước, trên HNX cũng giảm đến 36%. KDC là cổ phiếu ngược dòng ”đình đám” nhất nhờ vượt kế hoạch mùa Trung thu.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 24 - 28.09.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 0.73% xuống mức 392.57 điểm; trong khi HNX-Index giảm mạnh 2.19% xuống 55.47 điểm. VS 100 giảm 1.59% đang ở 58.77 điểm và VN30 giảm nhẹ 0.23% đứng tại 456.48 điểm.
VS-Micro Cap giảm điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 3.60%. Tiếp đến là VS-Small Cap giảm 3.08%, VS-Mid Cap giảm 2.35% và VS-Large Cap giảm ít nhất với 0.79%.
Tâm lý thận trọng gia tăng cùng với việc thiếu đi lực cầu từ các quỹ ETF đã khiến thanh khoản trên cả hai sàn sụt giảm mạnh. Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh giảm mạnh 44.8% so với tuần trước. Trong khi đó trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh sụt giảm 35.9%.
Giao dịch thoả thuận diễn ra sôi động trong 2 phiên giao dịch cuối tuần ở hai cổ phiếu: STB với hơn 11.5 triệu đợn vị và MPC với 3.5 triệu đơn vị.
Tâm lý bi quan gia tăng trở lại tiếp tục đẩy các chỉ số thụt lùi trong tuần giao dịch qua, do:
(i) Áp lực chốt lời gia tăng mạnh cùng với việc mất đi động lực từ giao dịch của các quỹ ETF đã khiến nhóm cổ phiếu bluechip ”khó thở” hơn rất nhiều và thị trường mất đi lực đỡ.
(ii) Thông tin CPI tháng 9 được công bố với mức tăng mạnh 2.2%, tức đã tăng 6.48% so với cùng kỳ năm 2011 khiến giới đầu tư trở nên e ngại.
(iii) Thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh bởi thông tin ”hình sự” khi Cơ quan công an đã chính thức công bố quyết định khởi tố các cựu thành viên cấp cao của HĐQT Ngân hàng ACB.
Thị trường xuất hiện một số phiên giao dịch tăng điểm trong tuần chủ yếu do tác động tích cực của bộ đôi EIB và ACB. Giao dịch tại EIB và ACB đã thu hút sự chú ý của thị trường khi xuất hiện những phiên ngược dòng, bất chấp việc khối ngoại đang đẩy mạnh bán ra.
Bên cạnh đó là sự hồi sinh của dòng tiền đầu cơ sau một thời gian ”ngủ đông”, giúp một vài cổ phiếu đầu cơ tăng điểm.
Tuy nhiên, với (1) động lực tăng trưởng thấp do thiếu vắng thông tin hỗ trợ, (2) tâm lý bi quan gia tăng, và (3) mất đi lực cầu kích thích từ khối ngoại, những điểm tích cực trên đã không thể thúc đẩy thị trường. Điều này được thể hiện rõ qua việc sụt giảm mạnh của thanh khoản trên cả hai sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại đã trở lại bán ròng mạnh sau khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF qua đi. Lực bán ròng tập trung mạnh vào nhiều bluechip và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Tổng giá trị bán ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 304.8 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất ở MPC với 3.5 triệu cổ phiếu tương ứng 141 tỷ đồng chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuật. Tiếp theo là VIC với 59 tỷ đồng, EIB với 33.7 tỷ đồng và STB 31.8 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất PGD với 8.4 tỷ đồng, DPM với 8.3 tỷ đồng và SBT với 6.5 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ với giá trị mua ròng chỉ đạt 9.8 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất PVS với gần 9 tỷ đồng và LAS với 2.8 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VND với 5.8 tỷ đồng và VCG với 5 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 27/09 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK bán ròng nhẹ 0.3 triệu đơn vị, tương ứng 6.5 tỷ đồng.
Giao dịch mua – bán trong tuần qua của các CTCK diễn ra khá dè dặt có thể do (1) động lực tăng trưởng cho thị trường vẫn chưa xuất hiện, và (2) ảnh hưởng của các thông tin “hình sự”.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm vẫn chiếm ưu thế trong tuần giao dịch qua khi có đến 18/24 ngành giảm điểm. SX Tôn thép giảm điểm mạnh nhất với 6.15%, tiếp theo là Bảo hiểm giảm 4.78%, và Bất động sản giảm 3.64%.
Những ngành nóng đều giảm điểm mạnh với Chứng khoán, Xây dựng, Khai khoáng, Ngân hàng giảm lần lượt 3.13%, 3.05%, 2.46% và 1.86%.
SX Thực phẩm-Đồ uống là ngành tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 3.29%, tiếp theo là Thương mại tăng 3.14% và SX Cơ khí tăng 2.75%.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE: OGC giảm 13.73%, HAG giảm 13.19%, SJS giảm 11.97% và HPG giảm 11.47%; trên HNX: WSS giảm 17.02% và HDO giảm 15.71%.
OGC giảm mạnh 13.73% có thể xuất phát từ việc: (1) áp lực bán gia tăng sau khi hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ ETF qua đi, (2) thông tin miễn nhiệm bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Tổng giám đốc của OGC đã có ảnh hưởng nhất định đến giới đầu tư.
HAG giảm mạnh 13.19% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc HAG giảm mạnh do ảnh hưởng từ áp lực bán gia tăng sau khi hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ ETF hoàn tất.
SJS giảm 11.97%. Việc SJS giảm mạnh có thể do: (1) áp lực bán gia tăng sau khi hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ ETF, (2) hoạt động bán ra của Thành viên HĐQT Nguyễn Phú Cường. Theo đó ông Cường đã đăng ký bán bán 2,342,800 cp, tương đương 2.34% cổ phần của công ty để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 24/09 đến 23/10.
HPG giảm 11.97%. Rất có thể việc HPG giảm mạnh là do: (1) áp lực bán gia tăng sau khi hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ ETF, (2) ảnh hưởng từ thông tin HPG đã nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phần CTCP Thép Hòa Phát mà công ty của Bầu Kiên đang thế chấp tại ACB và thanh toán đầy đủ tổng số tiền là 264 tỷ đồng.
WSS giảm mạnh 17.02% có thể do tâm lý giới đầu tư bị ảnh hưởng sau thông tin WSS bị Sở GDCK Hà Nội cảnh cáo do vi phạm quy định của HNX.
HDO giảm 15.71% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc HDO giảm mạnh do ảnh hưởng chung từ xu hướng thị trường và hoạt động đầu cơ.
Trong khi đó, thông tin đáng chú ý vào cuối tuần là nhà đầu tư JUN TAKAGI, cổ đông lớn của HDO đã mua thêm gần 400,000 cp nâng số lượng nắm giữ lên 870,000 cp và qua đó, tỷ lệ sở hữu cũng tăng từ 5.05% lên 9.33%.
Các cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý trong tuần qua chỉ có duy nhất KDC tăng 10.67%. Việc giá cổ phiếu KDC tăng mạnh có thể đến từ kỳ vọng KQKD quý 3 khả quan khi công ty này cho biết đã vượt 15% sản lượng tiêu thụ bánh Trung thu so với kế hoạch 2,100 tấn đã đề ra.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|