Chứng khoán Tuần 17 - 21/09: ETF giúp xoa dịu “nỗi đau”
Hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF giúp xoa dịu ảnh hưởng từ những thông tin tiêu cực công bố trong tuần qua.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 17 - 21.09.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 0.85% xuống mức 395.48 điểm; trong khi HNX-Index giảm mạnh 4.25% xuống 56.71 điểm. VS 100 giảm 2.24% đang ở 59.72 điểm và VN30 giảm 1.37% đứng tại 457.53 điểm.
VS-Micro Cap giảm điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 3.60%. Tiếp đến là VS-Small Cap giảm 3.08%, VS-Mid Cap giảm 2.35% và VS-Large Cap giảm ít nhất với 0.79%.
Tác động từ giao dịch của các quỹ ETF đã giúp thanh khoản tăng mạnh trên HOSE khi tổng khối lượng khớp lệnh tăng hơn 13.3% so với tuần trước. Trong khi đó trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh sụt giảm nhẹ 3.1%.
Giao dịch thoả thuận diễn ra sôi động trong 2 phiên giao dịch cuối tuần ở ba cổ phiếu: STB với 46.6 triệu đợn vị, EIB (12.8 triệu đơn vị) và ACB (hơn 34 triệu đơn vị).
Cả hai chỉ số đều thụt lùi trong tuần qua trước áp lực bán ra gia tăng mạnh, hoạt động bán tháo cũng đã xuất hiện ở một vài phiên. Nguyên nhân là do thị trường hoang mang, lo lắng trước những thông tin tiêu cực được công bố trong tuần qua. Theo đó:
(1) Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án và bổ sung khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Kiên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ Luật Hình sự, và khởi tố bị can, tạm giam đối với hai đồng phạm là Trần Ngọc Thanh – Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến – Kế toán trưởng của CTCP đầu tư ACB Hà Nội.
(2) Chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá và hai Phó Chủ tịch đã từ nhiệm khỏi HĐQT vì lý do sức khỏe và cá nhân. Tuy nhiên, ACB cho biết thêm các thành viên này có có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện việc nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào một ngân hàng khác.
(3) Phó chủ tịch HĐQT của EIB, Ông Phạm Trung Cang cũng đã từ nhiệm khỏi HĐQT vì lý do cá nhân, nhưng nhiều khả năng do liên quan đến trách nhiệm điều hành của ông Cang khi còn làm việc tại ACB.
(4) CPI tháng 9 của Hà Nội bất ngờ tăng đến 2.47% so với tháng 8, trong khi TPHCM cũng tăng mạnh 1.21%. Mức tăng mạnh của CPI tháng 9 được lý giải là do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu gần đây và yếu tố thời vụ.
Chỉ số chính hai sàn ở một số phiên biến động trái chiều bắt nguồn từ giao dịch tích cực một vài cổ phiếu bluechip mà dẫn đầu là BVH. Đà tích cực này là nhờ hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư của các quỹ ETF.
Phiên giao dịch cuối tuần (21/09) là ngày cuối cùng để các quỹ ETF Market Vectors Vietnam và FTSE Vietnam Index chốt danh mục. Giao dịch của các quỹ ETF này được đẩy mạnh giúp hàng loạt mã bluechip tăng trần. Thị trường bật tăng mạnh mẽ cả về điểm số cũng như thanh khoản.
Nhà đầu tư nước ngoài: Hoạt động của các quỹ ETF diễn ra mạnh mẽ trong tuần qua nhằm hoàn thành việc cơ cấu danh mục vào cuối ngày 21/09. Điều này tiếp tục có những ảnh hưởng tích cực đến thị trường, giúp giải toả tâm lý giới đầu tư lo trước những ảnh hưởng của thông tin tiêu cực.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 207.3 tỷ đồng, mạnh nhất ở BVH với 87.3 tỷ đồng, tiếp theo là STB với 70.3 tỷ đồng, VCB với 61.4 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất VIC với 64.3 tỷ đồng, DPM với 51.4 tỷ đồng và EIB với 43.6 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mở rộng mua ròng với giá trị mua ròng đạt 75.6 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất PVS với 35.3 tỷ đồng và VCG với 15.6 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VND với 5.6 tỷ đồng và HDO với 2.2 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 20/09 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK mua ròng mạnh gần 5.3 triệu đơn vị, tương ứng 63.3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giao dịch mua ròng tập trung chủ yếu trong phiên giao dịch ngày Thứ Hai (17/09) với hơn 5.2 triệu đơn vị, tương ứng với 75.9 tỷ đồng.
Giao dịch những phiên còn lại trong tuần diễn ra khá dè dặt có thể do ảnh hưởng từ thông tin từ nhiệm của các thành viên chủ chốt trong HĐQT ACB và EIB được công bố.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế trong tuần giao dịch qua khi có đến 23/24 ngành giảm điểm. Những ngành nóng đều giảm điểm mạnh với Khai khoáng, Chứng khoán, Xây dựng, Ngân hàng giảm lần lượt 6.17%, 5.12%, 4.48% và 2.90%; Bất động sản, giảm nhẹ nhất với 0.12%.
Bảo hiểm là ngành duy nhất tăng điểm với mức tăng 14.06% nhờ giao dịch tích cực của BVH.
Các cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý trong tuần qua trên trên HOSE: BVH tăng 20.14%, SRC tăng 9.16% và C21 tăng 8.06%; trên HNX: CVN tăng 26.76%.
BVH tăng 20.14% có thể xuất phát từ (1) giao dịch của Quỹ ETF Market Vectors Vietnam khi BVH được gia tăng tỷ trọng thêm 2.15% trong danh mục, (2) Giao dịch “ăn theo” thông tin cơ cấu danh mục này.
SRC tăng mạnh 9.16% khi không có thông tin nào mới về tình hoạt động trong tuần qua. Nhiều khả năng SRC tăng do kết quả 6 tháng đầu năm 2012 khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 11.2 tỷ đồng, thay cho số lỗ 6.3 tỷ đồng cùng kỳ. Ngoài ra, giời đầu tư cũng đang kỳ vọng lợi nhuận của SRC sẽ đột biến từ mảnh đất vàng hiện tại của công ty.
C21 tăng 8.06%. Giao dịch tích cực của C21 có thể xuất phát từ: (1) việc C21 tạm ứng 10% cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 3/10, (2) Ông Nguyễn Mạnh Hào - Phó Tổng giám đốc đăng ký mua thêm 200,000 cp, nhằm tăng số lượng sở hữu lên 733,709 cp (4%).
CVN tăng 26.76% khi không có thông tin nào mới về tình hoạt động. Rất có thể hoạt động đầu cơ đã diễn ra ở cổ phiếu này.
Kết quả hoạt động của CVN trong 6 tháng đầu năm hết sức ảm đạm với doanh thu chưa đến 2 tỷ đồng, giảm gần 3.5 tỷ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận chỉ đạt 51 triệu đồng.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE: TTF giảm 16%, PTL giảm 13.79%; trên HNX: FLC giảm 17.81%.
TTF giảm mạnh 16% có thể xuất phát từ việc lợi nhuận ròng hợp nhất sau soát xét trong 6 tháng đầu năm 2012 giảm mạnh 66% so với trước soát xét, từ 10.4 tỷ đồng chỉ còn lại 3.5 tỷ đồng. Ngoài ra, giao dịch cũng bị ảnh hưởng mạnh trước thông tin Quỹ Bảo Việt muốn thoái hết 5.17 triệu cổ phần tại TTF.
PTL giảm mạnh 13.79%. PTL liên tục giảm mạnh trong thời gian qua có thể xuất phát từ vấn đề thanh khoản của công ty đang gặp nhiều khó khăn. Điều này được thể hiện qua việc: (1) PTL thông báo dời cổ tức 2011 sang tháng 6/2013 vì thiếu tiền, (2) Khất lần tiền mua căn hộ của khách.
FLC giảm 13.79% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc FLC giảm mạnh do ảnh hưởng chung của xu hướng thị trường và đây cũng là mã chịu sự chi phối của dòng tiền đầu cơ.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|