Chứng khoán Tuần 10 - 14/09: Khối ngoại, ETF và QE3
Động lực giúp chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tuần qua đều đến từ… bên ngoài.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 10 - 14.09.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng nhẹ 0.35% lên mức 398.87 điểm; trong khi HNX-Index giảm 1.92% xuống 59.23 điểm. VS 100 nhích nhẹ 0.1% đang ở 61.09 điểm và VN30 giảm 0.43% đứng tại 463.9 điểm.
VS-Large Cap là chỉ số duy nhất tăng điểm trong tuần giao dịch qua với mức tăng 0.72%. Trong khi đó, VS-Micro Cap giảm điểm mạnh 1.30%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 1.12% và VS-Mid Cap giảm 0.89%.
Thanh khoản trên cả hai sàn đã có sự cải thiện trở lại chủ yếu nhờ phiên giao dịch tích cực cuối tuần. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên HOSE tăng 19% so với tuần trước đạt 35.1 triệu đơn vị. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên cũng tăng 17% nhưng chỉ đạt 27.7 triệu đơn vị.
Thị trường có dấu hiệu hoảng loạn trong phiên giao dịch đầu tuần. Áp lực xả hàng tăng mạnh trước những thông tin liên quan đến các vụ vi phạm hình sự cùng với những thảo luận về khả năng tăng giá xăng dầu.
Áp lực xả hàng dịu bớt trong phiên giao dịch tiếp theo khi: (1) Liên bộ Tài chính – Công thương quyết định giảm thuế xăng dầu 2% và giữ nguyên giá xăng dầu. (2) UBCKNN có động thái”cứng rắn” liên quan đến hành vi bán khống. Đây được xem là những liều thuốc giúp thị trường phần nào ”cầm máu”. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn tiếp tục đeo bám khiến cho thanh khoản thị trường không có nhiều cải thiện.
Thị trường dần đảo chiều trong những phiên giao dịch tiếp theo. Động lực đảo chiều xuất phát từ sự hưng phấn của các cổ phiếu bluechip mà BVH là một trong những ”tác nhân” nổi bật. Tuy nhiên, sức lan toả của đà tăng vẫn chỉ xoay quanh nhóm cổ phiếu này trước những lo ngại về khả năng đảo chiều bất ngờ do hiện tượng ”xanh vỏ đỏ lòng”.
Thị trường chỉ thực sự mạnh mẽ trở lại đặc biệt là trong phiên giao dịch cuối tuần. Đà tăng lan rộng cùng với sự hồi phục tích cực của khối lượng giao dịch xuất phát từ:
(1) iShares ra mắt quỹ ETF có tên MSCI Frontier 100 Index Fund hoạt động dựa trên chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index. Có 7 cổ phiếu của thị trường Việt Nam vào chỉ số này, gồm VIC (tỷ trọng 0.8%), MSN (0.45%), STB (0.35%), DPM (0.31%), VCB (0.24%), CTG (0.18%) và BVH (0.08%).
Tổng tỷ trọng của thị trường Việt Nam chỉ là 2.4%, tương đương với khoảng 5.7 tỷ đồng trên thực tế không thể gây nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra sự hứng khởi về mặt tâm lý khi cho thấy TTCK Việt Nam vẫn đang tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
(2) Thông tin quan trọng hơn là gói QE3 được Fed chính thức áp dụng từ ngày 14/9 với việc mua lại chứng khoán thế chấp khoảng 40 tỷ USD/tháng. Gói kích thích này tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang lại sự hồi phục nhanh hơn cho nền kinh tế Mỹ và khiến các kênh đầu tư tăng trưởng. Nhận định của chúng tôi về chủ đề QE3 sẽ sớm được đăng tải.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại vẫn tiếp tục bỏ tiền gom vào cổ phiếu, nhưng đã bắt đầu có sự thận trọng khi giá trị mua ròng trong các phiên khá thấp. Dù sao đi nữa thì việc mua vào này cũng tạo được động lực cho thị trường khi lực mua ròng tập trung vào các cổ phiếu bluechips.
Như vậy, cùng với hai yếu tố trên, động lực giúp chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tuần qua đều đến từ… bên ngoài.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 107 tỷ đồng, mạnh nhất ở GAS với 71.5 tỷ đồng, tiếp theo là MSN với 71.3 tỷ đồng, SBT với 25.9 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất STB với 22 tỷ đồng và SAM với 15.3 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại tiếp tục duy trì lực mua ròng với giá trị mua ròng đạt 25.8 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất PVS với gần 22.4 tỷ đồng và VCG với 4.5 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VND với 6.3 tỷ đồng và PVX với gần 4.0 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 13/09 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK bán ròng nhẹ 142 nghìn đơn vị, nhưng lại mua ròng về mặt giá trị với 27.9 tỷ đồng.
Đáng chú ý giao dịch mua ròng tập trung trong phiên giao dịch ngày 13/09. Rất có thể hoạt động mua vào của các CTCK cũng “ăn theo” thông tin quỹ ETF iShares MSCI Frontier 100 Index Fund bắt đầu chính thức hoạt động.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm đã cải thiện trong tuần giao dịch qua khi có 9/24 ngành tăng điểm. Dẫn đầu mức tăng điểm là Dịch vụ Lưu trú và Giải trí với mức tăng 4.25%, tiếp theo là Bảo hiểm tăng 3.43% nhờ 3 phiên tăng trần liên tiếp về cuối tuần của BVH.
Những ngành nóng vẫn trong xu thế giảm khi Khai khoáng, Bất động sản, Xây dựng, Chứng khoán giảm lần lượt 2.81%, 2.38%, 1.24% và 1.19%. Duy chỉ Ngân hàng tăng nhẹ 0.44% chủ yếu nhờ vào giao dịch tích cực của CTG và VCB.
Các cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý trong tuần qua trên trên HOSE: SVC tăng 17.00%, NVT tăng 15% và VPK tăng 7.39%; trên HNX: không có cổ phiếu tăng điểm nổi bật.
SVC tăng 17.00% có thể xuất phát từ (1) SVC sẽ chi trả cổ tức 15% bằng tiền mặt vào ngày 26/09, (2) Kết quả kinh doanh 6 tháng 2012 tăng vượt bậc khi LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 24.7 tỷ đồng, tăng mạnh 6 lần so với cùng kỳ.
NVT tăng mạnh 15% có thể xuất phát từ kỳ vọng thông tin NVT đảm bảo công ty con (Công ty TNHH Hai Dung) có thể tiếp tục hoạt động. Theo đó, NVT đã dự thảo ký kết một số văn bản với ngân hàng Techcombank để giãn nợ khoản vay cũ và vay thêm mới nhằm duy trì hoạt động và phát triển dự án Six Senses Saigon River của công ty con.
VPK tăng 7.39%. Không có thông tin nào mới về tình hoạt động của VPK trong tuần qua. Do đó, đà tăng của VPK có thể do ảnh hưởng tích cực của thị trường trong những phiên giao dịch cuối tuần. Trợ lực cho VPK trong những phiên tăng điểm phải kể đến khối ngoại, khi họ đã mua ròng 235 nghìn cổ phiếu này trong những phiên tăng điểm.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE: PPC giảm 13.27%, GMD và PXI cùng giảm 12.50%; trên HNX không có cổ phiếu giảm điểm nổi bật.
PPC giảm mạnh 13.27%. Nguyên nhân chủ yếu có thể xuất phát từ việc PPC bị loại khỏi danh mục của FTSE Vietnam Index từ ngày 21/09.
GMD giảm mạnh 12.50%. Nguyên nhân chủ yếu có thể xuất phát từ việc GMD bị loại khỏi danh mục của FTSE Vietnam Index từ ngày 21/09.
Kết quả kinh doanh 6 tháng 2012 của GMD khá tốt khi doanh thu tăng trên 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,285.7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt trên 33 tỷ đồng, tăng 54% so cùng kỳ năm 2011.
PXI giảm mạnh 12.50%. Mức giảm mạnh của PXI có thể do lãi ròng 6 tháng 2012 sau soát xét giảm mạnh 34% chỉ đạt 5 tỷ đồng, nếu so với cùng kỳ thì giảm mạnh 77%. Doanh thu của PXI cũng chỉ đạt 402 tỷ đồng, giảm 60% so với 6 tháng đầu năm 2011.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|