Chớ vội tin chỉ tiêu ĐHCĐ thông qua
Với quyết tâm không để vỡ kế hoạch đã “chém gió” trước mùa ĐHCĐ, nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm doanh thu và lợi nhuận cả năm ngay sau khi có kết quả kinh doanh quý II, dù chỉ tiêu này đã được ĐHCĐ thông qua trước đó.
Mạnh tay cắt giảm
Báo cáo kết quả kinh doanh 7 tháng năm 2012 của CTCP Tập đoàn FPT (FPT) cho thấy doanh nghiệp này đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 13.238 tỷ đồng (giảm 4,5%) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.349 tỷ đồng (tăng 0,1%). Việc FPT không có được kết quả kinh doanh như kỳ vọng là do sự sụt giảm của 3 lĩnh vực: phần mềm, tích hợp hệ thống và phân phối sản phẩm.
Theo thống kê, lợi nhuận của 3 mảng kinh doanh này giảm lần lượt là 17%, 5% và 14% so với cùng kỳ do việc cắt giảm chi tiêu công và cầu trong nước giảm. Với kết quả này, HĐQT của FPT đã quyết định điều chỉnh giảm doanh thu từ 31.000 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 26.000 tỷ đồng (tương đương mức giảm gần 16%).
Tương tự, lợi nhuận trước thuế cũng điều chỉnh giảm từ 3.000 tỷ đồng xuống còn 2.547 tỷ đồng (giảm 15%). Đây là con số tăng trưởng thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2005 đến nay. Việc FPT điều chỉnh mục tiêu là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế khi kế hoạch trước đó được xây dựng với tham vọng quá lớn đã vô tình tạo nên áp lực cho ban lãnh đạo.
Trong hoàn cảnh tương tự, CTCP Savico (SVC) vừa công bố giảm chỉ tiêu doanh thu từ 7.000 tỷ đồng xuống còn 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 120 tỷ đồng xuống chỉ còn 60 tỷ đồng, cổ tức từ 15% xuống còn 10-12%. Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Chủ tịch HĐQT của SVC, thừa nhận việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhằm giảm áp lực cho các đơn vị thành viên, tránh việc chạy đua theo chỉ tiêu.
Doanh nghiệp có tỷ lệ điều chỉnh giảm kế hoạch năm “kinh hoàng” nhất là CTCP Đầu tư PV2 (PV2). Theo BCTC quý II, lũy kế 6 tháng đầu năm PV2 mới chỉ hoàn thành… 5% kế hoạch doanh thu và… 1,59% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2012. Với kết quả kinh doanh quá thấp này, HĐQT của PV2 vừa có quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu từ 202 tỷ đồng xuống chỉ còn chưa đầy 20 tỷ đồng (giảm hơn 90%), lợi nhuận trước thuế từ 39 tỷ đồng xuống còn 2,2 tỷ đồng (giảm gần 95%).
Bên cạnh việc cắt giảm chỉ tiêu, PV2 còn khiến cho cổ đông và NĐT hết sức bức xúc khi cùng lúc trình ra phương án chi trả cổ tức năm 2011. Thay vì trả bằng tiền mặt như đã công bố, PV2 sẽ trả cổ tức bằng CP với tỷ lệ 7%.
Theo BCTC quý II của CTCP Chiếu xạ An Phú (APC), lũy kế 6 tháng đầu năm 2012 với doanh thu thuần chỉ đạt 49 tỷ đồng (giảm 23%), lợi nhuận sau thuế hợp nhất vỏn vẹn 6,4 tỷ đồng (bằng 35% cùng kỳ năm 2011). Với kết quả ngoài ý muốn này, HĐQT của APC quyết định cắt giảm 30% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2012.
Cụ thể, tổng doanh thu và lãi ròng theo kế hoạch điều chỉnh chỉ còn 107 tỷ đồng và 20,7 tỷ đồng. Mức điều chỉnh này tương ứng 10% và 30% so với mức 119 tỷ và 29,8 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2012. Cùng với kế hoạch điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh, HĐQT của APC còn có quyết định miễn nhiệm chức vụ tổng giám đốc. Trong một thông báo mới đây, HĐQT của APC đã miễn nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Vương Đình Khoát, Tổng giám đốc kể từ ngày 7-9 do không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ĐHCĐ đề ra.
NĐT nắm phần thua thiệt
Quyết định cách chức Tổng giám đốc của APC vì lý do không hoàn thành kế hoạch ĐHCĐ giao được giới đầu tư hết sức quan tâm. Phần lớn các ý kiến cho rằng đây là quyết định táo bạo nhưng mang lại niềm tin cho cổ đông và NĐT, chứng tỏ HĐQT của APC đang có những bước đi đúng và thể hiện đúng vai trò và quyền hạn của HĐQT.
Thế nhưng, thị trường lại có quá ít doanh nghiệp quyết liệt với hành động này. Thậm chí, doanh nghiệp còn có xu hướng “hạ độ cao” khi mới chỉ đi được nửa thời gian thay vì tìm ra giải pháp khắc phục tình hình ở những tháng còn lại. Trong khi đó, những năm trước động thái cắt giảm chỉ tiêu thường được thực hiện sau khi có kết quả kinh doanh quý III và những tháng cuối năm.
Theo phân tích của một chuyên gia, ngoài những lý do chủ quan, thị trường đang tồn tại hiện tượng doanh nghiệp niêm yết một khi cảm thấy khó hoàn thành mục tiêu đã tự động “gạt” bớt chỉ tiêu ĐHCĐ đã thông qua trước đó.
Thông thường, NĐT đầu tư vào doanh nghiệp với mức giá được kỳ vọng tương ứng với mức lợi nhuận ĐHCĐ thông qua, nên việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính và giá trị CP. Chính vì lý do đó, CP của doanh nghiệp thường bị tụt giảm ngay khi thông tin được công bố và NĐT là người nắm phần thua thiệt.
Dù biết vậy nhưng có không nhiều trường hợp NĐT phản ứng quyết liệt với HĐQT của doanh nghiệp. Ngay cả khi có cơ hội được chất vấn tại ĐHCĐ, NĐT cũng hiếm khi nêu vấn đề này ra. Sự hờ hững của NĐT càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vô tư “chấm phá” kế hoạch nhằm làm đẹp BCTC.
Hải Hồ
sài gòn đầu tư tài chính
|