Thứ Tư, 19/09/2012 22:16

Bicico lại “dậy sóng”

TAND Tối cao đã ký văn bản số 15/2012/THA-DS yêu cầu cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TPHCM hoãn thi hành án để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm

Đại hội cổ đông bất thường Công ty CP Công nghiệp Hóa chất và Vi sinh (Bicico - do Nhà nước nắm giữ 51% vốn sở hữu) sáng 18-9 đã phải tạm hoãn do không đủ số cổ đông nắm giữ 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. “Nhóm cổ đông bên ngoài không tham dự đại hội là nguyên nhân chính dẫn đến việc phải tạm hoãn đại hội”- bà Lại Thị Nhung, Trưởng Phòng Tổ chức Bicico, cho biết.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (thứ tư từ trái sang) thăm xưởng sản xuất bao bì Bicico

Bất ổn kéo dài

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi cổ phần hóa năm 2004, Bicico có 3/5 thành viên HĐQT được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ủy quyền nắm giữ 51% vốn. Mâu thuẫn phát sinh khi một số cổ đông bên ngoài không muốn tiếp tục phát triển sản xuất mà chuyển hướng kinh doanh sang những ngành nghề khác, chủ yếu là bất động sản. Điều này được chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Quốc Tuấn ủng hộ.

Hậu quả là trong một thời gian dài, Bicico luôn mất ổn định, sản xuất đình đốn; việc làm, đời sống của hơn 500 người lao động bị đe dọa, tranh chấp lao động liên tục nổ ra. Mãi đến năm 2011, khi ông Nguyễn Quốc Tuấn nghỉ hưu, ban lãnh đạo mới của tập đoàn giao cho ông Trịnh Anh Tuấn, phó tổng giám đốc tập đoàn, đại diện 21% trên tổng số 51% vốn Nhà nước tại Bicico thì tình hình mới dần ổn định.

Tòa án bảo vệ cái sai?

Tháng 5-2011, Bicico tổ chức đại hội cổ đông bất thường để ổn định bộ máy tổ chức. Ông Trịnh Anh Tuấn được bầu giữ chức chủ tịch HĐQT. Ngay sau đó, chủ tịch HĐQT mới của Bicico đã phê duyệt kiến nghị của Tổng Giám đốc Bicico Đặng Hồng Hải nâng quỹ lương lên 40% để giải quyết khó khăn đời sống của hơn 500 công nhân. Tuy nhiên, việc này không được nhóm cổ đông bên ngoài (nắm hơn 37% vốn) đồng tình. Những người này đã khởi kiện ra Tòa Kinh tế - TAND TPHCM yêu cầu hủy nghị quyết đại hội cổ đông bất thường tháng 5-2011, phủ nhận vai trò chủ tịch HĐQT của ông Trịnh Anh Tuấn.

Điều lạ là dù việc bầu cử HĐQT tại đại hội cổ đông bất thường được thực hiện đúng theo hướng dẫn tại khoản 4 điều 29 Nghị định 102/2010/NĐ-CP (người trúng cử thành viên HĐQT được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp...) nhưng Tòa Kinh tế - TAND TPHCM vẫn bác bỏ với lập luận “Việc bầu dồn phiếu phải bảo đảm tỉ lệ 65% tổng số phiếu biểu quyết”. Từ đó, tòa đã tuyên hủy nghị quyết đại hội cổ đông bất thường của Bicico.

Khi bản án bị kháng cáo, cấp xét xử phúc thẩm cũng nhận thức sai lệch như trên. Do vậy, ngày 3-7-2012, Phó Chánh án TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa đã ký văn bản số 15/2012/THA-DS yêu cầu cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TPHCM hoãn thi hành án để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.

Xây dựng lại Bicico “trên đống đổ nát”

Lãnh đạo Bicico cho biết cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TPHCM đã có Quyết định số 43/QĐ-CTHA hoãn thi hành án để Chánh án TAND Tối cao thực hiện trình tự giám đốc thẩm. Điều này có nghĩa nghị quyết đại hội cổ đông bất thường năm 2011 của Bicico vẫn có hiệu lực và ông Trịnh Anh Tuấn vẫn là chủ tịch HĐQT công ty. Với vai trò này, ông Tuấn có thẩm quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường năm 2012 để giải quyết những vấn đề cấp bách, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

“Tuy nhiên, do nhóm cổ đông bên ngoài không tham dự đại hội nên chủ tịch HĐQT đã ra thông báo đại hội cổ đông bất thường năm 2012 được triệu tập lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành vì không đủ số cổ đông nắm giữ 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Chúng tôi sẽ tiếp tục triệu tập đại hội vào ngày 29-9 tới. Khi ấy, theo quy định, dù không đủ số lượng 65% cổ đông thì đại hội vẫn tiến hành”- ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định.

Với tư cách là cổ đông lớn nhất của Bicico, ông Tuấn cho biết quan điểm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là phải ổn định tổ chức để xây dựng lại Bicico “trên đống đổ nát”, đưa Bicico tiếp tục phát triển, sao cho bảo đảm quyền lợi chính đáng của cổ đông; bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp cho xã hội.

Bảo vệ quyền lợi người lao động

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến diễn biến tại Bicico, trước tiên là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tập thể lao động, tiếp theo là bảo vệ tài sản của Nhà nước sau cổ phần hóa. Nếu tài sản Nhà nước bị thất thoát, người lao động bị đẩy ra đường có nghĩa là việc cổ phần hóa thất bại. Điều này đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.



ĐỨC MINH

Người lao động

Các tin tức khác

>   ACB: Tháng 11 tổ chức ĐHĐCĐ bầu bổ sung 3 Thành viên HĐQT (19/09/2012)

>   Woori CBV lỗ 6 tháng hơn 1 tỷ đồng (19/09/2012)

>   LVS: 6 tháng lỗ gần 7 tỷ, nhiều vấn đề chưa được đánh giá đầy đủ (19/09/2012)

>   Mai Linh bị dọa kiện vì nợ bảo hiểm xã hội (19/09/2012)

>   HNX cảnh cáo Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (19/09/2012)

>   VAT chấm dứt hoạt động chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (19/09/2012)

>   JVC: Lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh (19/09/2012)

>   MTG: Đầu tư IMG mua thêm 520,000 cp (19/09/2012)

>   CCI: Chuyển nhượng hơn 1,100 m2 đất với giá 1.45 tỷ đồng (19/09/2012)

>   CNT: Giải trình lợi nhuận công ty mẹ quý 2 giảm 43% (19/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật