Bất đồng dư nợ 350.000 tỷ đồng trong bất động sản
Hà Nội còn ế tồn 40.000 căn hộ, TP.HCM còn tồn 20.000 căn, nếu chỉ tính mức giá bèo nhất "nằm mơ không thấy" là 1 tỷ đồng mỗi căn, thì số vốn nằm bất động trong BĐS là 60.000 tỷ đồng tương đương 3 tỷ USD đang "nằm chết".
Con số được chuyên gia Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính đưa ra tại Hội thảo về vốn cho thị trường BĐS tổ chức ngày 11/9. Nêu con số của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia thống kê dư nợ BĐS trong hệ thống ngân hàng lên đến 348.000 tỷ đồng, ông Ánh tỏ ra nghi ngờ con số công bố của các ngân hàng, dư nợ cho vay BĐS chỉ 154.000 tỷ đồng.
"Hóa ra con số dư nợ cho vay BĐS gần 350.000 tỷ đồng trùng khít với tổng của 2 con số gồm dư nợ cho vay kinh doanh BĐS và dư nợ cho vay xây dựng", chuyên gia Vũ Đình Ánh nêu phát hiện.
"Cả Bộ Xây dựng, NHNN rất khó và rất bí vì không có số liệu. Chúng ta nói về tồn kho, bí đầu ta nhưng lại phải nhờ một công ty nước ngoài thống kê hộ", ông nói.
Theo ông Ánh, Hà Nội còn ế tồn 40.000 căn hộ, TP.HCM còn tồn 20.000 căn, nếu chỉ tính mức giá bèo nhất là 1 tỷ đồng mỗi căn, thì số vốn nằm bất động trong BĐS là 60.000 tỷ đồng tương đương 3 tỷ USD đang "nằm chết".
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tổng dư nợ gần 350.000 tỷ mà cộng cả cho vay kinh doanh BĐS và xây dựng, trong đó cộng cả dư nợ hoạt động như giải phóng mặt bằng cho các công trình cầu đường, cho vay xây dựng cầu đường, những BĐS quy mô ko phải như hàng hóa...
"Trong báo cáo chính thức của NHNN với ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở là dư nợ vào khoảng 180.000 tỷ, trong đó có cả đền bù giải phỏng đất đai, người dân vay xây dựng nhà để ở, KCN thì chưa phải là nhiều và quan điểm tôi cho là đúng là chúng ta phải tiếp tục đổ vốn vào đây".
"Dần dần chúng ta cũng phải thực hiện việc cho vay, giảm lãi suất, tăng dòng tiền ra. Năm ngoái tốc độ tăng trưởng tín dụng được 11-12%, năm nay đặt mục tiêu 15-17%, mà 8 tháng rồi mới đạt 1,4% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trong nền kinh tế rất thấp, đặc biệt cho vay BĐS rất thấp nên ko hợp lý. Ở một giai đoạn nào đó cần chống lạm phát thì điều chỉnh giảm nhưng mà việc này không thể diễn ra mãi được, vì như thế nền kinh tế sẽ suy thoái, không ổn", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, trước tình hình thị trường bi đát như hiện nay, giải pháp căn hộ 30m2 sẽ giúp DN tự cứu mình.
"DN hãy tự cứu mình, đừng ngồi chờ NH hay NN cứu bởi vì mục đích của NH là đặt lợi nhuận của mình lên cao nhất. Nhà nước còn mải cứu các tập đoàn lớn, cứu NH không để cho NH nào đổ vỡ, còn DN BĐS thì có thể bị đổ vỡ", ông hài hước
Do đó DN chúng ta phải chấp nhận lỗ để tồn tại bằng cách giảm giá bán, thậm chí bán cả dự án, công ty bởi vì hàng tồn kho chất như núi. Nhờ làm căn hộ nhỏ mà DN chúng tôi bán được 90%, nếu làm căn hộ to chắc chúng tôi đã tự tử cách đây 2 năm rồi.
Đề nghị làm nhà ở theo phương thức thương mại với diện tích 30m2, dành cho 2 người đặt tên là nhà bình dân. Nếu Nhà nước cho phép, DN sẽ có căn hộ bán giá 10 - 12 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ có 300-400 triệu đồng, DN chắc chắn làm được và như vậy Nhà nước cũng không cần hỗ trợ gì cho DNtừ lãi vay đến thuế má, chỉ cần cho chúng tôi làm nhà ở xã hội theo phương thức thương mại, tôi bảo đảm rằng rất nhiều DN hiện nay rất khó khăn sẽ tham gia. Đó là cách cứu DN qua khỏi thời điểm hiện nay và đồng thời giúp người dân sẽ có nhà.
Theo vị giám đốc công ty Đất Lành, mô hình căn hộ 30m2 ở Bình Dương hiện phát huy rất tốt, hiện nay địa phương này đang đầu tư xây dựng 5000 căn hộ, đây là bài học cho các thành phố lớn. Bán rẻ nên có tên là nhà ở xã hội, nhưng bán cho tất cả mọi người có nhu cầu không phân biệt đối tượng.
Hương Giang
infonet
|