Âm thầm thâu tóm công ty chứng khoán
Bắt đầu từ ngày mai (15.9), NĐT nước ngoài được mua cổ phần, góp vốn để sở hữu 49% của CTCK VN hoặc mua, thành lập mới CTCK do NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn theo Nghị định 58 hướng dẫn Luật CK và Luật CK sửa đổi.
Thực tế trên thị trường, hoạt động thâu tóm các CTCK có yếu tố nước ngoài đã âm thầm diễn ra lâu nay.
Đơn cử như trường hợp tại CTCK Tràng An (TAS). Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2012 của Cty, ông Yang Xiao Dong (Dương Hiểu Đông) đã trở thành cổ đông lớn của Cty sau khi mua vào CP và nắm giữ 5,37% vốn hồi đầu năm 2012. Sau khi liên tục mua vào và nâng tỉ lệ sở hữu lên tới 14%. Tỉ lệ sở hữu này đã vượt cả hai cổ đông chính là CTCP Tư vấn & Đầu tư Tràng An (6,65%) và Cty Phát triển hạ tầng & Đầu tư tài chính VN (5,65%). Với tỉ lệ sở hữu lớn nhất này, tại ĐHCĐ của Cty ngày 22.4, ông Dương Hiểu Đông đã được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT, thay cho ông Lê Hồ Khôi.
Một điều đáng chú ý là hoạt động nâng tỉ lệ sở hữu của ông Dương Hiểu Đông diễn ra khi tình trạng tài chính của TAS không mấy sáng sủa. Theo đơn vị thực hiện BCTC giữa niên độ là Cty TNHH kiểm toán và định giá VN (VAE), tại thời điểm 30.6 khả năng thanh toán nhanh của Cty chỉ đạt 0,044 lần (tại thời điểm này, Cty chỉ có tiền mặt là 139 triệu đồng và trên 2 tỉ đồng tiền gửi của khách hàng nhưng chưa được tách bạch với tiền gửi của Cty). Đến 30.6, lỗ lũy kế của TAS là 69,6 tỉ đồng. Ngoài ra, còn những hạn chế (xuất phát từ phía TAS khiến đơn vị kiểm toán không đánh giá được ảnh hưởng của nó đến BCTC giữa niên độ này. “Những điều này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Cty trong kỳ hoạt động tiếp theo” - báo cáo của VAE nêu rõ.
Đáng chú ý hơn nữa là cổ đông này còn cho TAS vay một khoản tiền mặt lên tới 29,8 tỉ đồng. Đây cũng là khoản vay dài hạn duy nhất của Cty. Nếu so với VĐL của Cty là 139 tỉ đồng (trước khi tăng vốn lên 300 tỉ đồng theo phương án phát hành riêng lẻ) thì khoản vay này tương đương 21,4%.
Mới đây, TAS bị xếp vào danh sách kiểm soát đặc biệt, bị đình chỉ lưu ký. Việc liên tục nâng tỉ lệ nắm giữ và dùng tiền cá nhân để cho một Cty làm ăn thua lỗ, bị nghi ngờ hoạt động liên tục vay được các NĐT của chính Cty này đặt ra. Ông Dương Hiểu Đông đang “cứu” TAS hay có mục đích khác?
Theo một chuyên gia trong ngành, đây chỉ là một trong số khá nhiều thương vụ thâu tóm một Cty trên TTCK bằng cách tăng dần tỉ lệ sở hữu trong thời gian qua. “Các CTCK sau một thời gian mọc như nấm sau mưa sẽ có sự sàng lọc. Một bộ phận sẽ mạnh lên và chiếm lĩnh thị phần; còn một bộ phận khác sẽ ngày một yếu thế do cạnh tranh gay gắt. Hiện TTCK VN đang rất lình xình, giá các CP trên sàn được đánh giá là rất rẻ. Do đó, số tiền bỏ ra để có được một CTCK loại nhỏ và trung bình ở thời điểm này thấp hơn trước đây khá nhiều. NĐT nước ngoài khi tham gia thường có hai lựa chọn, một là đầu tư vào các CTCK làm ăn tốt hoặc thâu tóm các Cty đang “hấp hối’ để tái cơ cấu lại theo ý họ. Sự phân hóa giữa các CTCK thời gian qua đã tạo cơ hội tốt cho cả hai hình thức đầu tư trên” - chuyên gia này nói. Trên thực tế thì thời gian qua, nhiều CTCK làm ăn thua lỗ đã tìm đến nguồn vốn đầu tư từ các đối tác chiến lược nước ngoài. Số khác, thảm hơn là tính đến “bài” bán giấy phép kinh doanh cho các NĐT nước ngoài để thu hồi vốn. Với 105 CTCK (được UBCKNN đánh giá là quá nhiều) cùng với quá trình tái cơ cấu TTCK đang diễn ra thì cơ hội tham gia cho dòng vốn ngoại đang rộng cửa.
Thêm nữa, bắt đầu từ ngày mai (15.9), NĐT nước ngoài được mua cổ phần, góp vốn để sở hữu 49% của CTCK VN hoặc mua, thành lập mới CTCK do NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn theo Nghị định 58 hướng dẫn Luật CK và Luật CK sửa đổi (Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỉ lệ sở hữu của bên nước ngoài vẫn đang quy định tối đa là 49%). Theo tin từ UBCKNN, cơ quan này đã hoàn tất các thủ tục để hướng dẫn thực hiện Nghị định 58 và đã trình lên Bộ Tài chính để phê duyệt. “Vấn đề chỉ còn là quy trình thủ tục” - đại diện UBCKNN nói.
Lưu Thủy
Lao động
|