10 năm thi hành Luật Đất đai: “Công” và “tội”
Tình trạng đầu cơ đất đai đẩy giá đất tăng cao tác động không nhỏ đến ổn định kinh tế vĩ mô trong khi chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho nhiều đối tượng. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, tham nhũng, khiến nhân dân bất bình…
Vừa hoàn thành ngày 6/9/2012, báo cáo tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai 2003 và định hướng sửa đổi Luật Đất đai của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã dành nhiều dung lượng để nói về một số tồn tại, hạn chế chủ yếu và nguyên nhân hơn là những mặt được.
Bản báo cáo 56 trang này là một trong những tài liệu của hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dày đến vài nghìn trang được Chính phủ chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 11 bắt đầu vào ngày 12/9 tới đây.
7 năm, thu hồi 50.906 ha đất vi phạm
Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá chính sách pháp luật đất đai từng bước được hoàn thiện, nâng cao ý thức pháp luật về đất đai của xã hội, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được nhà nước bảo đảm thực hiện đã làm cho người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai, yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng hiệu quả sử dụng.
Với thị trường bất động sản, đánh giá đưa ra là đã tạo lập được cơ chế hoạt động, phát triển tương đối đồng bộ, đưa đất đai trờ thành nguồn nội lực, nguồn vốn để phát triển đất nước.
Với đánh giá công tác quản lý đất đai đã có nhiều chuyển biến, báo cáo cho rằng một tiến bộ nổi bật chính là kết quả thu hồi đất do vi phạm pháp luật. Cụ thể, trong gần 7 năm, các địa phương đã quyết định thu hồi 50.906 ha của 1.481 tổ chức và 598 hộ gia đình, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai.
Cũng trong thời gian này, theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành thì tổng diện tích đất đã thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế là 728 nghìn ha, trong đó có 536 nghìn ha đất nông nghiệp của 826.012 hộ gia đình, cá nhân.
Giá đất có nơi hàng tỷ đồng/m2
Bên cạnh “nhiều thành tựu quan trọng”, báo cáo tổng kết cũng nêu 8 tồn tại, hạn chế chủ yếu qua thi hành Luật Đất đai.
Như, nguồn lực về đất đai chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy hoạch sử dụng đất chất lượng chưa cao.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, các quy định của pháp luật chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai và chưa giải quyết hài hòa về lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ, nhất là điều kiện thực hiện các quyền. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm.
Đây, có thể nói là “tội” được nhắc đến nhiều nhất ở nhiều diễn đàn, không hẳn chỉ từ sự lỏng lẻo của luật mà còn ở khâu thực thi.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phương Hữu Việt trong phiên họp chiều 7/9 để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã đặt vấn đề, phải chăng vừa rồi luật trao quyền quá lớn cho Chính phủ và địa phương nhưng chế tài quá ít nên làm tăng tham nhũng, lạm quyền?
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cũng nêu một thực tế rất bức xúc là đất nông nghiệp chuyển sang mục đích thương mại chỉ cần làm chút hạ tầng thì giá lên cao vút, nhà đầu tư hưởng lợi lớn còn nhà nước thu được chẳng đáng bao nhiêu.
Các con số cụ thể về tài chính đất đai ở bản báo cáo cho biết, nguồn thu từ đất đai cho ngân sách tăng từ 5,5 nghìn tỷ đồng năm 2002 lên 67 nghìn tỷ đồng năm 2010.
Báo cáo cũng nhìn nhận, việc quản lý nhà nước về giá đất chưa theo sát thị trường, bảng công bố giá tại các địa phương chỉ bằng 30 - 60% giá thị trường. Mức giá cao nhất trong bảng giá đất của Hà Nội và Tp.HCM là 81 triệu đồng/m2 (cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ) trong khi giá đất chuyển nhượng cao nhất thực tế trên thị trường cao hơn 400 triệu đồng/m2, cá biệt có nơi hàng tỷ đồng/m2, vẫn theo báo cáo.
Chênh lệch “khủng” này dẫn đến khi áp dụng bảng giá đất để tính toán nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất đai đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước nhưng nếu khu dùng để tính toán giá bồi thường người bị thu hồi đất lại không đồng ý, dẫn đến khiếu kiện và ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.
Nhắc lại con số gần 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai đề cập đến một trong nhiều nguyên nhân là chính sách pháp luật về đất đai thay đổi thường xuyên, thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật về dân sự, pháp luật về khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng khó phân định thẩm quyền giải quyết, chất lượng giải quyết chưa cao đối với một số trường hợp của công dân dẫn đến tình trạng khiếu nại không có điểm dừng, không rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào.
Thật khó có thê nói đầy đủ hơn về “công” và “tội’ của Luật Đất đai hiện hành được thể hiện qua 56 trang báo cáo tổng kết, song có lẽ chỉ với những vấn đề nêu trên cũng đã đủ lý giải vì sao Quốc hội đã không thể tiếp tục cho Chính phủ lùi thời hạn sửa luật đất đai thêm nữa.
Nguyên Vũ
tbktvn
|