Xăng dầu được phép tăng tới 1.400 đồng/lít
Mức tăng kịch trần của giá xăng được phép hôm 1/8 là trên 1.400 đồng/lít thay vì 900 đồng/lít. Không chỉ khác nhau về thời gian điều chỉnh, lần này, thị trường còn chứng kiến sự khác nhau về mức tăng giá giữa các DN.
Giới hạn của giá xăng dầu: 1.200-1.400 đồng/lít
Có lẽ, thông tin này còn sốc hơn so với việc các doanh nghiệp đã đồng loạt tăng 900 đồng/lít xăng- mức tưởng đã rất cao.
Như thông cáo của Bộ Tài chính ban hành, do giá cơ sở bình quân 30 ngày đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành nên các doanh nghiệp được quyền tăng giá.
Dù người dân cảm thấy giá xăng dầu tăng dồn dập và mạnh, thoát cái đã nhảy vọt từ khoảng 800- 1.300 đồng/lít chỉ trong vòng 12 ngày, thế nhưng các mức đó vẫn còn nhẹ so với mức lỗ thực sự và so với giới hạn được tăng.
Nếu như xăng bán lẻ chỉ tăng 4,2% thì mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ theo Nghị định 84 là tới 5,31%. Tính toán của Liên Bộ Tài chính- Công Thương cho biết, bình quân 30 ngày tính từ 1/7 đến 30/7, giá cơ sở xăng A92 cao hơn tới 1.114 đồng/lít so với giá bán lẻ.
Nói cách khác, mức tăng 900 đồng/lít xăng vừa qua vẫn chưa san bằng khoảng chênh lệch này và DN vẫn tồn khoản lỗ ít nhất 214 đồng/lít.
Một yếu tố quan trọng khác mà người dân ít để ý tới, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 31/7, thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định quan điểm, các DN được phép tăng không quá 7%. Hiểu nôm na rằng, tỷ lệ 7% chính là giới hạn tối đa của đợt tăng giá xăng dầu ngày 1/8 vừa qua.
Áp dụng phép tính này, Liên bộ cho biết, mức kịch trần giá xăng được tăng hôm 1/8 sẽ lên tới 1.470 đồng/lít, cao hơn 3,8%, tương ứng 570 đồng /lít so với mức tăng hiên nay của DN.
Bóc tách tiếp phép tính đối với các mặt hàng dầu, khoảng tăng thực tế 500 đồng/lít của đại đa số DN còn thấp xa so với mức tối đa được tăng.
Đơn cử như dầu diezen, giá cơ sở cao hơn 689 đồng/lít, chênh 3,4% so với giá bán lẻ và nếu tăng 7%, mức chênh lên tới 1.421 đồng/lít. Các DN đã tăng thấp hơn tới 921 đồng/lít so với mức tối đa và 189 đồng so với mức hòa vốn.
Tỷ lệ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ cũ của dầu hỏa là 709 đồng,tương ứng 3,52% và mức kịch trần được tăng là 1.411 đồng/lít. So với thực tế, DN còn dư địa tăng tới 911 đồng/lít để chạm đỉnh giới hạn và 209 đồng/lít cơ hội để hòa vốn.
Ở dầu madut, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ là 517 đồng tương ứng tỷ lệ 2,93%. Giới hạn mà Liên Bộ cho phép tăng là 1.236 đồng/kg. Nhưng sau đó, các DN tăng thấp hơn tới 736 đồng/kg so với giá đỉnh và 17 đồng so với giá hòa vốn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu DN tăng kịch trần? Thực tế thị trường đã cho thấy, bàn tay của Nhà nước điều tiết vào các quyết định của DN vẫn hiển hiện rõ.
Điều này giống như đợt tăng giá trở lại lần thứ nhất hôm 20/7. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước vừa qua đã chia sẻ: "Khi đó, có DN đề nghị tăng 600 đồng/lít, có DN muốn tăng 500 đồng/lít nhưng Bộ Tài chính đưa ra một mức tính giá cơ sở khuyến cáo chỉ tăng 400 đồng/lít. Nếu ai tăng cao hơn thì Bộ "thổi còi".
Thực chất, "thả nổi giá" cho DN tự do định đoạt chỉ là cái tiếng bên ngoài, DN xăng dầu không phải muốn tăng bao nhiêu cũng được mà vẫn nằm trong khung giá của Liên bộ.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex lý giải: "Không tăng hết mức là một thực tế phổ biến ở thị trường xăng dầu. Ngày 30/7, DN gửi đăng ký giá là dựa trên dữ liệu giá cơ sở tính tới ngày 27/7 nên mức chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ mới chỉ là 900 đồng. Nhưng đến ngày điều chỉnh 1/8 thì mức chênh này đã cao hơn rất nhiều rồi".
Tuy nhiên, Petrolimex không tăng tới mức tối đa vì phải tuân thủ đúng mức giá đã đăng ký là 900 đồng/lít trước đó. Nếu muốn tăng hơn, Tập đoàn sẽ phải gửi lại bản đăng ký giá khác và mất thêm... 3 ngày để chờ hồi âm từ Bộ.
Tín hiệu cạnh tranh?
Hi vọng về một thị trường xăng dầu sẽ có cạnh tranh, không còn đồng giá đã bắt đầu được nhen nhóm. Ghi nhận thị trường cho thấy, các DN xăng dầu không chỉ tăng khác nhau về thời điểm mà còn khác biệt về mức giá.
Ví dụ, về thời điểm, giá xăng có 3 mốc áp dụng khác nhau. Tăng sớm nhất là xăng dầu Đồng Tháp và Petec vào lúc từ 13h. Nửa tiếng sau, công ty SaigonPetro, NamViet Oil, công ty CP hóa dầu Quân đội và PVOil mới tăng, Một tiếng sau tức 14, Tập đoàn Petrolimex và công ty vận tải thủy bộ Hải Hà mới rục rịch niêm yết giá mới.
Xét về mặt này, các DN nhỏ lại đua nhau tăng giá sớm hơn trong khi DN vốn mang tiếng là độc quyền - Petrolimex lại dền dứ tăng muộn hơn. Điều này dường như ngược với các lo ngại trước đây rằng, Petrolimex sẽ phát tín hiệu sớm nhất và chi phối thị trường khiến DN nhỏ phải lao theo.
Một nguồn tin từ giới kinh doanh xăng dầu cho hay, công ty Hải Hà có kế hoạch ban đầu tăng giá rất muộn, áp dụng vào 22h tối ngày 1/8. Nhưng sau đó, khi thấy các đối thủ tăng sớm ngay từ đầu giờ chiều nên DN này đổi ý, đẩy thời điểm tăng giá lên 14h ngang với Petrolimex.
Đặc biệt hơn, riêng với mặt hàng dầu, các DN lần này cũng điều chỉnh mỗi nơi một khác.
Ví dụ, trong khi tất cả các DN tăng dầu madut 500 đồng/kg thì công ty xăng dầu Đồng Tháp lại tăng tới 600 đồng/kg, còn Tổng công ty dầu PVOIl lại tăng khiêm tốn hơn có 350 đồng/kg.
Dầu hỏa của SaigonPetro chỉ tăng 400 đồng/lít trong khi, các DN còn lại đều tăng 500 đồng/lít.
Dầu diezen có sản lượng tiêu thụ trong sản xuất lớn nhất tưởng như sẽ đồng giá thì công ty Petec chỉ tăng 450 đồng/lít, thấp hơn 50 đồng/lít so với mặt bằng chung.
Một vị chuyên gia trong ngành chia sẻ, rõ ràng, xăng dầu đang dần dần theo thị trường và có tính cạnh tranh rõ rệt hơn. Mỗi DN đều dựa trên tình hình kinh doanh riêng và chiến lược riêng để chốt mức giá. Nổi bật nhất là các DN này đã không quá lệ thuộc vào Petrolimex đến mức như dư luận nhìn nhận.
Ngoài ra, có DN đăng ký tăng tới 1.100 đồng/lít xăng nhưng rồi vì sợ mất thị phần, không dám tăng giá xăng quá 900 đồng/lít. Điều này cũng chứng tỏ, sự cạnh tranh này đang có lợi cho người tiêu dùng.
Trước đó, trao đổi với VietnamNet, Ts Ngô Trí Long cảnh báo, khi Petrolimex còn độc quyền, xăng dầu chưa có thị phần cạnh tranh thì Nhà nước cần định giá.
Nhưng chủ trì họp tổ điều hành thị trường, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định: "Nhà nước không buông giá xăng dầu mà vẫn kiểm soát bằng các hình thức thích hợp, tùy theo từng loại hình DN. Ví dụ, DN còn thống lĩnh thị trường thì có cơ chế kiểm soát riêng, loại độc quyền có cách kiểm soát khác, còn loại đã có cạnh tranh cũng có cách kiểm soát khác".
Cập nhật từ công ty SaigonPetro ngay sau khi tăng giá, xăng vẫn lỗ 450 đồng/lít và các mặt hàng dầu lỗ trên 164 đồng/lít. Kể từ ngày 26/7 đến nay, mỗi ngày giá xăng thành phẩm đều nhích lên tới xấp xỉ 1 USD/thùng. Xu hướng này khiến các DN đang rất lúng túng, khó dự báo.
Nếu 7 ngày tới, giá xăng thế giới vẫn nhích dần đều từ vài cent đến 1 USD/thùng như vậy thì đà tăng theo nhịp 10 ngày tối đa/lần điều chỉnh của giá xăng dầu trong nước sẽ chưa dừng lại.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|