'Vườn công nghiệp' của gia đình ông chủ Sacombank
Trong lúc thị trường chứng khoán đang xôn xao với thông tin khởi tố hình sự tại CTCK SBS - Cty mà Sacombank đang sở hữu khoảng 10% cổ phần, thì ông chủ sáng lập Sacombank lại đang say sưa với một hạng mục đầu tư mới: Đầu tư vườn công nghiệp sinh thái...
Đại diện Cty cổ phần Bourbon An Hòa (phải) ký kết với nhà đầu tư tại hội thảo xúc tiến đầu tư vào Tây Ninh
|
Mặc dù không còn nắm giữ tỉ lệ sở hữu chi phối lớn so với các tổ chức khác tại Sacombank, nhưng trên TTCK, cha con ông Đặng Văn Thành vẫn đang là những người giàu nhất với giá trị cổ phiếu nắm giữ trên nghìn tỉ đồng. Gia đình này còn được biết đến với cái tên Đặng Huỳnh, lấy họ của DN Đặng Văn Thành và họ của DN Huỳnh Bích Ngọc, vợ ông, ghép lại mà thành.
Đầu tư ngoài ngành
Một cách chính xác thì chủ đầu tư Vườn Công nghiệp (VCN) Bourbon An Hoà là CTCP Đầu tư An Hoà, được thành lập vào tháng 8/2008 từ hai cổ đông chính là Tập đoàn Thành Thành Công (ThanhThanhCong) và CTCP Bourbon Tây Ninh. Chủ tịch HĐQT hiện là bà Huỳnh Bích Ngọc. Bà Ngọc đồng thời còn là CT HĐQT của các Cty mía đường như CTCP Đường Biên Hoà (BHS) và CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT). Tại các DN mía đường gắn kết theo ngành dọc này, gia đình Đặng Thành còn góp thêm các gương mặt nhân sự tham gia điều hành, quản lý và nắm giữ cổ phần là con gái - doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My, và các nhân vật thân tín khác như ông Thái Văn Chuyện đến từ Địa ốc Sài Gòn Thương Tín SCR hay ông Phạm Đình Mạnh Thu đến từ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín STB.
Sự hiện diện của gia đình Đặng Huỳnh tại các Cty mía đường được cho là đã đạt tỉ lệ 18/40 Cty mía đường trong toàn quốc. Do đó, có thể nói không ngoa thì VCN Bourbon An Hoà là sự chuyển hướng đầu tư khá đặc biệt của gia đình ngành mía đường này, khi đang từ lĩnh vực mía đường chủ chốt “nhảy thẳng” vào lĩnh vực đầu tư bất động sản công nghiệp. Ngay cả với Tập đoàn Thành Thành Công, “đầu não” của nhóm cổ đông chi phối các Cty trong ngành mía đường, thì trong danh mục đầu tư bất động sản trước đó, cũng mới chỉ đặt chân vào đầu tư bất động sản văn phòng, nhà ở, nghỉ dưỡng và du lịch. Hay với CTCP Bourbon An Hoà, thì tuy có đầu tư bất động sản nhưng dự án lớn nhất của DN này cũng mới chỉ dừng ở hạng mục xây dựng và kinh doanh tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và khách sạn.
Mô hình vườn công nghiệp Bourbon An Hòa
|
Dĩ nhiên, không thể bỏ qua những yếu tố được cho là đã và đang góp thêm thế mạnh cho gia đình họ Đặng Thành trong việc đi vào khai thác bất động sản công nghiệp. Vì ngoài hai cổ đông chính chuyên doanh ngành mía đường nói trên, VCN Bourbon An Hoà còn được sự đóng góp của CTCP Long Hậu ở những ngày đầu khai phá. Đây là đơn vị chuyên nghiệp xây dựng, khai thác khu công nghiệp, với sản phẩm chính là KCN Long Hậu có vị trí liền kề cảng Hiệp Phước, cảng Bến Lức và qua đó VCN Bourbon An Hoà cũng có thêm sự liên kết với các KCN khác trong vùng, cộng hưởng thêm lợi thế từ các KCN khác - một sự tính toán và liên kết đầu tư chặt chẽ để VCN Bourbon An Hoà không chỉ phát huy được lợi thế của vị trí dự án sẵn có mà còn được sự hậu thuẫn từ kinh nghiệm quản lý của những nhà đầu tư chuyên nghiệp, được sự hậu thuẫn về hạ tầng quanh vùng khi cần, ở những nơi và hàng hoá và cư dân của VCN Bourbon An Hòa sẽ tập kết, di chuyển để phân phối đến các tỉnh thành khác trong cả nước và nước bạn lân cận.
Rủi ro hay không?
VCN Bourbon An Hoa được xây dựng với đặc trưng là một KCN thân thiện với môi trường. Đóng tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nằm trên trục đường Xuyên Á nối TP HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đi Campuchia, mở ra những điều kiện thuận lợi giúp các nhà đầu tư dễ dàng kết nối với các vùng nguyên liệu và thị trường tiềm năng trong nước và các quốc gia lân cận trong khu vực. Đồng thời, nhờ nằm cạnh dòng sông Vàm Cỏ Đông, VCN này còn có lợi thế vận chuyển bằng đường thủy đến cảng Sài Gòn, cảng Bourbon - Bến Lức. Ngoài ra, VCN Bourbon An Hòa còn kết nối với tuyến đường sắt GMS kéo dài từ Dawei (Myanmar) - Bangkok (Thái Lan) - PhnomPenh (Campuchia) - cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh - VN) - TP HCM - Vũng Tàu (VN).
Ông Võ Tân Thành - Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc VCCI chi nhánh TP HCM nhận xét: “Cùng với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Trong những năm gần đây, với những chính sách và cam kết của chính quyền địa phương trong việc thu hút và đón đầu các làn song đầu tư cùng với sự năng động của cộng đồng DN, tỉnh Tây Ninh đã và đang nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư mới… ”.
Một đại diện của VCN BourBon An Hòa cũng cho biết với vị trí thuận lợi, với mô hình KCN xanh, thân thiện môi trường, Bourbon An Hòa chắc chắn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi những chính sách ưu đãi ưu đãi về thuế, nguồn nhân lực, tháo gỡ những vướng mắc một cách nhanh chóng và giá thuê đất vô cùng hợp lý so với nhiều KCN cùng khu vực... Do đó, ngay từ năm 2010, Bourbon An Hòa đã thu hút được 11 nhà đầu tư mới đến từ Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, VN, Singapore… với số vốn đăng ký gần 20 triệu USD và đến nay, tổng cộng VCN đã thu hút được 14 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Mới đây, Calpis (Nhật) và Vinatex cũng đã cam kết đầu tư vào VCN Bourbon-An Hòa. Theo đó, Calpis dự kiến sẽ thuê 5 héc ta đất để xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ sữa, trong khi đó Vinatex sẽ xây dựng nhà máy dệt tại đây.
Với quy mô 1.020 héc ta trong đó KCN có diện tích 760 héc ta, khu kho cảng 184 héc ta và khu dân cư 76 héc ta, được quy hoạch đồng bộ, hiện đại và đã sẵn sàng đất cho nhà đầu tư thuê xây dựng nhà xưởng sản xuất, VCN của gia đình họ Đặng đang chứng tỏ nhiều ưu thế. Quan trọng hơn cả, với tiềm năng phát triển cây công nghiệp và công nghiệp chế biến như mía, đậu phộng, khoai mì, cao su, với định hướng của tỉnh là phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở phía bắc tỉnh để gắn với vùng nguyên liệu; thu hút, phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, và các ngành công nghiệp khác ở phía nam tỉnh để tiếp cận gần hơn với thị trường trong nước và xuất khẩu, VCN Buorbon An Hòa chắc chắn sẽ có ít rủi ro hơn khi mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đến việc khai thác vùng nguyên liệu của tỉnh. Bởi đây cũng đang là ưu thế của một gia đình có vai trò chi phối ngành mía đường, có tiếng nói quan trọng đối với việc quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cụ thể là cây mía, lẫn phát huy vùng nguyên liệu hiện có của tỉnh nhà, và thậm chí ở nhiều địa bàn khác.
Rõ ràng, một chiến lược đầu tư “ngoài ngành” nhưng căn bản được khởi đi từ năng lực lõi của gia đình ngành mía cho thấy tầm nhìn xuyên suốt nhằm phát huy mọi thế mạnh của một ngành dọc. Mía đường hay VCN, trong tầm nhìn, theo đó đều sẽ là sự bổ trợ cho nhau để khẳng định dấu ấn của các doanh nhân thuộc họ Đặng Huỳnh, điều mà ông chủ trước đây của Sacombank đã từng làm được trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.
Thuận Hóa
diễn đàn doanh nghiệp
|