Vực dậy UPCoM?
Khi UPCoM ra đời, đã có nhiều kỳ vọng về một sàn giao dịch thay thế cho OTC để thúc đẩy giao dịch những CP chưa niêm yết nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Công bố thông tin nửa vời
Phiên giao dịch ngày 31-7, GTGD khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn UPCoM đạt gần 2,2 tỷ đồng, trong khi GTGD của VNE (một CP đầu cơ với giá chỉ 0.7-0.8) đạt gần 6,2 tỷ đồng. Như vậy GTGD của 135 CP UPCoM chỉ bằng 1/3 GTGD của 1 CP nhỏ, không chất lượng như VNE trên sàn HOSE là quá đủ để nói lên tính thanh khoản nghèo nàn và sự kém hấp dẫn của UPCoM.
Trong khi đó, nếu điểm qua một lượt các doanh nghiệp (DN) đang đăng ký giao dịch CP của mình trên UPCoM sẽ thấy không ít DN hoạt động hiệu quả. Minh chứng rõ nhất là một số CP mặc dù giá chỉ trên dưới 1.0, nhưng tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt cũng dao động từ 15-25%.
Trước đây, giao dịch trên UPCoM được thực hiện theo phương pháp thỏa thuận, tốn kém rất nhiều công sức cho cả người mua, người bán cũng như CTCK đóng vai trò môi giới.
Chẳng hạn khi CTCK vất vả tìm được người mua và người bán với cùng khối lượng khớp lệnh, thì một bên lại đột ngột đổi ý với lý do “không thích” thì giao dịch không thể thực hiện. Nhưng hiện nay, những tồn tại trên đã được khắc phục với hình thức giao dịch khớp lệnh. Hàng hóa có, cơ chế giao dịch có, nhưng tại sao vẫn chưa thu hút được NĐT?
Mấu chốt nằm ở vấn đề thông tin. Hiện những DN đang niêm yết tại UPCoM chỉ phải công bố các loại báo cáo theo năm, còn hàng quý thì rất “tùy nghi”.
Trong khi NĐT phải nắm được những thông tin này, cho dù bất kể CP tốt hay xấu mới có thể mạnh dạn giao dịch. Không thể nói rằng DN yếu, chất lượng thông tin cũng tương tự, ngược lại DN càng có vấn đề càng phải công bố thông tin nhiều hơn nữa để cổ đông bên ngoài biết đến.
Ở đây, minh bạch không phải là tiêu chí để “xác định” đẳng cấp giữa các sàn với nhau, nhưng phải tiến đến làm thế nào phục vụ nhu cầu thông tin cho NĐT một cách tốt nhất. Chính vì vậy, có CP khi mới lên UPCoM đã tốt nhưng cũng có CP lên sàn UPCoM phải trải qua một thời gian mới cho thấy được tiềm năng của mình.
Nâng tầm UPCoM
DN nếu đã hoạt động theo mô hình công ty đại chúng, gọi vốn từ nguồn lực bên ngoài phải xác định trách nhiệm của mình với các cổ đông.
Từ ngữ “niêm yết” không sử dụng đối với UPCoM mà chỉ gọi là “đăng ký giao dịch” dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết. Như vậy, việc lên UPCoM không phải quá nặng nề và quá tầm với DN, mục đích chính yếu là tạo ra một nơi để cổ đông có thể giao dịch.
Việc niêm yết và nhận thức được những lợi ích của niêm yết phụ thuộc vào suy nghĩ và một quá trình nhận thức của DN. Không thể bắt buộc hay yêu cầu DN ngay lập tức phải niêm yết ở sàn này sàn kia. Có thể thấy trường hợp của Facebook khi phát hành CP mới đây đã chọn sàn Nasdaq chứ không phải sàn NYSE được xem là chất lượng hàng đầu trên TTCK Hoa Kỳ.
Cũng cần nói thêm là cơ chế giao dịch trên sàn Nasdaq cũng có những nét giống với thị trường OTC của nước ta, trong đó vẫn có những đại gia hàng đầu về công nghệ giao dịch CP của mình tại đây như Google, Apple, Intel…
Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý cần phải tiến đến giải pháp tất cả các công ty đại chúng chưa niêm yết buộc phải đăng ký giao dịch tại UPCoM, bởi lẽ rủi ro thanh khoản cũng như thông tin trên thị trường OTC quá lớn và khó kiểm soát.
Trên thị trường OTC hiện nay không chỉ có những DN nhỏ mà còn rất nhiều công ty đại chúng lớn, vốn điều lệ hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng. Những DN (có thể xem là lớn) này hoạt động như thế nào không ai biết, các cổ đông không rành về thông tin không thể nắm được, còn người ngoài xem như mù tịt.
Trong khi đó, rủi ro về việc thua lỗ, nợ nần tại những DN này không phải không có. Như vậy, nếu buộc những công ty này phải lên UPCoM và “áp” những tiêu chuẩn về công bố thông tin chắc chắn NĐT cũng như cơ quan quản lý sẽ dễ dàng xem xét và đánh giá.
Thúc đẩy việc công bố thông tin cũng như tạo sức ép buộc các DN khi chưa hoặc không muốn niêm yết phải lên UPCoM trước mắt sẽ góp phần nâng chất lượng của sàn này. Và khi hàng hóa trên UPCoM đã được NĐT định hình nhờ thông tin, việc NĐT mạnh dạn giao dịch sẽ nhiều hơn.
Hoàng Thạch Lân
sài gòn đầu tư tài chính
|