Thứ Sáu, 17/08/2012 15:33

VSG: Bó tay với khoản nợ trên 420 tỷ đồng

Liên tiếp thua lỗ, vốn chủ sở hữu của CTCP Container phía Nam (Viconship Sài Gòn - VSG) chỉ còn 11,141 tỷ đồng, tức là xấp xỉ 10% vốn điều lệ.

Nợ nần chồng chất, đầu ra sụt giảm và tài sản bị mất giá, tương lai nào đang chờ VSG?

Kinh doanh thua lỗ

6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu của VSG đạt 44,426 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lên tới 47,27 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí lãi vay 11,351 tỷ đồng trong tổng số 18,217 tỷ đồng chi phí tài chính, 2,342 tỷ đồng chi phí quản lý DN. Chính vì thế, Công ty đã phải ghi nhận con số lỗ 23,545 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm.

Sau 12 quý liên tiếp có lợi nhuận ròng âm, vốn chủ sở hữu của VSG đã sụt giảm về mức hơn 11 tỷ đồng. Thực tế, nếu không nhờ khoản hoàn nhập chênh lệch tỷ giá hối đoái gần 7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn xấp xỉ 4 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2012, năm nay, VSG dự kiến có thể lỗ hơn 59 tỷ đồng.

Tài sản mất giá

Con số vốn chủ sở hữu hơn 11 tỷ đồng là kết quả của việc tính toán chênh lệch giữa tổng tài sản và các nghĩa vụ phải trả của VSG thời điểm 30/6/2012. Các khoản nợ đều rõ ràng, nhưng tài sản của Công ty thực chất còn bao nhiêu lại là một vấn đề khác.

Thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2012 của VSG cho thấy, 381 tỷ đồng trên tổng số 457 tỷ đồng tổng giá trị tài sản của Công ty là tài sản cố định hữu hình. Trong đó, phương tiện vận tải truyền dẫn lên tới 364 tỷ đồng. Đây chủ yếu là giá trị của 3 tàu biển (VSG Dream, VSG Pride, VSG Glory) đã được mua trong giai đoạn 2007 - 2008, là giai đoạn đỉnh cao của giá tàu biển, với nguyên giá đầu tư 488 tỷ đồng, đã khấu hao xấp xỉ 140 tỷ đồng.

Hiện tại, giá tàu biển giảm rất mạnh, chỉ còn khoảng 50% so với giá thời kỳ đỉnh cao nếu thực hiện mua mới. Đối với tàu đã qua thời gian sử dụng, mức giá này còn sụt giảm mạnh hơn. Do đó, nếu đánh giá lại tài sản của VSG theo giá thị trường, vốn chủ sở hữu của Công ty có thể giảm hơn 100 tỷ đồng so với con số đang hạch toán.

Áp lực nợ nần

Báo cáo kiểm toán năm 2011 của VSG được thực hiện bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn (A&C) có đoạn viết: “Năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2011, VSG tiếp tục bị lỗ. Ngoài ra, tại ngày 31/12/2011, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn là 75,165 tỷ đồng. Những yếu tố này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2012, vấn đề này được đưa ra bàn bạc. ĐHCĐ đã thống nhất thông qua phương án tái cơ cấu tài chính và tăng vốn điều lệ Công ty. Theo đó, sau khi Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritimebank) thực hiện xong việc mua một phần hoặc toàn bộ khoản nợ vay của Maritimebank - Chi nhánh TP. HCM, Công ty sẽ thực hiện phương án tăng vốn điều lệ từ mức hiện tại (110,44 tỷ đồng) lên 220 - 250 tỷ đồng. Toàn bộ phần phát hành tăng thêm sẽ do DATC và Maritimebank thực hiện, bằng cách chuyển một phần nợ thành vốn góp.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa ghi nhận được bất kỳ động thái nào xung quanh câu chuyện này. Trong khi đó, áp lực trả nợ của VSG ngày một lớn. Cụ thể, năm 2007, Công ty có khoản vay 8,42 triệu USD để mua tàu VSG Dream (1), 6,3 triệu USD để mua tàu VSG Pride (2) và năm 2008 có khoản vay 10 triệu USD để mua tàu VSG Glory (3). Các khoản vay này đều có kỳ hạn 96 tháng, trả nợ 30 kỳ, với mỗi kỳ trả 210.000 USD cho hợp đồng (1), 280.667 USD cho hợp đồng (2) và 266.640 USD cho hợp đồng (3). Lãi suất hợp đồng (1) là Sibor + 2,3%/năm, không thấp hơn 6%/năm; hợp đồng (2) và (3) lãi suất 8,18%/năm cho 6 tháng đầu, các tháng tiếp theo bằng lãi suất huy động USD của Maritimebank + 2,3%/năm. Tất cả các khoản vay này đều là của Maritimebank.

Thời điểm 30/6/2012, VSG có 80,740 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và 344 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm là 11,351 tỷ đồng. Với doanh thu kế hoạch cả năm chỉ hơn 82 tỷ đồng, khả năng Công ty trả được các khoản vay ngắn hạn là điều gần như không thể.

Nếu hoạt động kinh doanh không được cải thiện, VSG sẽ không có nguồn thu để trả nợ. Còn Maritimebank sẽ rất khó thu hồi đầy đủ vốn vay, bởi tài sản cầm cố đang bị mất giá từng ngày.

Kế toán trưởng Viconship Sài Gòn: “Chúng tôi chỉ có thể chờ đợi”

Khó khăn chồng chất khó khăn, Ban lãnh đạo Viconship Sài Gòn (VSG) đang làm gì để có thể thoát khỏi tình trạng này? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thượng Bồng, Kế toán trưởng VSG kiêm phụ trách công bố thông tin của Công ty.

Áp lực trả nợ của VSG đang rất lớn, trong khi gặp khó khăn về nguồn thu. Công ty có giải pháp nào để làm giảm nhẹ vấn đề này, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritimebank) để xin điều chỉnh tiến độ trả nợ gốc và lãi vay. Trước tình trạng khó khăn của Công ty, Maritimebank đã chấp thuận phương án điều chỉnh, tạm hoãn trả nợ cả gốc và lãi.

6 tháng đầu năm, VSG tiếp tục ghi nhận khoản lỗ hơn 23 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tình hình kinh doanh của Công ty có tiến triển gì không?

Tình hình kinh doanh của Công ty vẫn chưa được cải thiện. Đặc trưng hoạt động của Công ty là phụ thuộc vào diễn biến chung của ngành vận tải biển và ngành lại phụ thuộc vào tình hình thế giới nói chung. Khi kinh tế thế giới tốt lên, giao thương hàng hóa tăng thì cước vận tải mới tăng và giá tàu biển tăng theo. Còn hiện tại, mọi thứ vẫn rất trầm lắng. So với năm 2007, giá cước vận tải, cho thuê tàu giờ đã giảm tới 50 - 60%.

Liệu Công ty có định chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực khác?

Chúng tôi muốn chuyển sang lĩnh vực khác cũng không thể. Bởi vì, muốn kinh doanh thì phải có tiền, mà Công ty đang vay nợ nhiều, ngân hàng sẽ không cho vay tiếp. Đầu tư vào lĩnh vực vận tải biển đòi hỏi vốn lớn. Tàu biển chiếm tỷ trọng quá cao trong tài sản của Công ty, nên giờ Công ty không có hướng đi khác được.

Được biết, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) đã vào cuộc nhằm tái cơ cấu tình hình tài chính của Công ty. Kết quả thế nào, thưa ông?

Đúng là thời gian vừa qua, DATC có làm nghiên cứu để đưa ra giải pháp tài chính hỗ trợ Công ty. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là chưa có sự gặp gỡ về giá cả giữa người mua nợ là DATC và người bán nợ là Maritimebank. Vì thế, kế hoạch tái cấu trúc VSG thông qua DATC không thành công.

Như vậy, liệu Công ty có thể đảm bảo tiếp tục hoạt động trong thời gian tới?

Đến thời điểm này, chúng tôi chỉ còn biết trông chờ vào thái độ ứng xử của Ngân hàng. Nếu Ngân hàng chấp nhận giữ nợ, chúng tôi sẽ đảm bảo duy trì hoạt động bình thường, chờ đến khi tình hình chung tốt lên. Tuy nhiên, chỉ cần Ngân hàng siết nợ, thì chúng tôi không còn cách nào khác.


Uyên Phạm

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   KMR: 6 tháng chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng (17/08/2012)

>   ALP đổi tên thành Đầu tư Alphanam (17/08/2012)

>   DCT: Tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2012 (17/08/2012)

>   PXM: Giải trình lỗ 25 tỷ đồng trong Q2/2012 (17/08/2012)

>   VSH: Danh sách thành viên chủ chốt và người có liên quan (17/08/2012)

>   VSM: Quý 2 lãi sau thuế 111 triệu đồng (17/08/2012)

>   VCBS: Tỷ lệ vốn khả dụng tại 30/06 đạt 268% (17/08/2012)

>   KVS: Quý 2 lãi sau thuế 1.28 tỷ đồng (17/08/2012)

>   MBS: Báo cáo tài chính bán niên năm 2012 (17/08/2012)

>   ABS: Tỷ lệ vốn khả dụng tại 31/06 đạt 206% (17/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật