Tương lai nào cho THV?
CTCP Tập Đoàn Thái Hòa Việt Nam là một doanh nghiệp niêm yết khá nổi tiếng trên sàn. Nổi tiếng vì vay vốn ngân hàng nhiều, lên đến 1,500 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ. Đa phần lại là vay ngắn hạn và thế chấp bằng hàng hóa.
Tính đến hết quý 1/2012, THV đang lỗ luỹ kế hơn 300 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn khoảng 2,200 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu chỉ hơn 200 tỷ đồng, còn lại gần 2,000 tỷ đồng là nợ. Nợ ở đây lại chủ yếu là nợ ngân hàng (1,500 tỷ đồng) với 70% đã quá hạn.
Có thể thấy, nguồn vốn 2,200 tỷ đồng trên của THV đang hiện diện ở tồn kho hàng hóa gần 1,000 tỷ đồng (chủ yếu phải là café), tài sản cố định gần 600 tỷ đồng, xây dựng cơ bản dở dang gần 200 tỷ đồng (có thể gộp chung là 800 tỷ đồng) và còn lại khoảng 400 tỷ đồng nợ phải thu.
Kiểm toán cuối năm 2011 vừa qua đã nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, đồng thời do không tham dự kiểm kê cuối năm nên kiểm toán cũng không xác nhận tồn kho trên 1,000 tỷ hàng hóa của THV. Nghi ngờ của kiểm toán đã đúng khi quý 2/2012, THV đã không xuất khẩu café trong khi cùng kỳ những năm trước thường xuất khoảng 800 tỷ đồng. Doanh thu quý 2/2012 chỉ có 410 triệu đồng - không đủ giá trị cho một container hàng.
Câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao THV có tồn kho lớn mà không xuất hàng?
Vụ mùa khai thác café hàng năm là mùa đông, đối với dân làm café, từ anh chủ rẫy nhỏ đến đại lý thu mua hay công ty gom hàng … không ai tin rằng có tồn kho lưu niên qua hai vụ. Bở một lẽ đương nhiên, café vụ trước phải được thanh lý trước đỉnh điểm mùa vụ mới (dịp noel) nhằm tránh thua lỗ về giá, chất lượng …
Với THV, đơn vị đi trái với quy luật này, tồn kho khổng lồ đến hơn 1,000 tỷ đã không được thanh lý trước mùa đông 2011 và quý 2/2012, tại thời điểm café giá cao.
Mối nghi ngờ về thực trạng của tồn kho này càng được nâng lên khi phương án trả nợ ngân hàng không thấy nhắc đến việc thanh lý hàng tồn kho, một phương án nhanh nhất khi café có thanh khoản tương đương với vàng.
Với những vấn đề tồn tại, tương lai THV có thể có xảy ra những kịch bản sau:
Kịch bản tuyệt vời nhất là các ngân hàng đồng ý nhận cấn nợ những dự án và vốn góp của THV. Nói cách khác, ngân hàng thu nợ bằng quyền canh tác đất bên Lào và vùng biên giới cùng với hai nhà máy café ở Tây Nguyên. Đề án này được CEO Thái Hòa đưa ra với niềm tin hiện thực cao.
Điểm tuyệt vời của đề án là ngoài việc rũ bỏ gánh nợ, THV thu được khoản lợi nhuận khổng lồ (khoảng 1,000 tỷ đồng) vì chỉ nhượng đi một phần tài sản cố định (tất nhiên là một phần của 800 tỷ đồng) và thu về khoảng 1,500 tỷ đồng. THV sẽ tung cánh lên sau thương vụ này.
Nhà đầu tư đang chờ tin vui của thương vụ này nhưng vẫn còn đó nỗi hoài nghi về tính hiện thực bởi trước nay sao chưa có tiền lệ … Ngoài việc bị khống chế tỷ lệ góp vốn, mua tài sản, ngân hàng còn chịu sự chi phối của những quy định về định giá tài sản, tính thanh khoản và tính khả thi khi sử dụng tài sản … Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn đó và chờ kết quả của thời gian.
Nếu tin vui không đến sớm và hiện thực thì THV đối diện với rủi ro ngày càng thắt chặt. THV có thể rời sàn nếu kiểm toán không tin vào khả năng tiếp tục hoạt động của đơn vị trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2012 - thời điểm đã đến gần.
Vào tháng 8 này, khi quy định mới về nợ xấu được áp dụng thì 100% nợ ngân hàng của THV sẽ được quy về nợ xấu. Lúc này đây, kho hàng hơn 1,000 tỷ đồng phải được khui. Nếu rủi ro xảy ra khi hàng trong kho không khớp nhiều với sổ sách; khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20% tồn kho và không đủ bù đắp hụt kho thì đương nhiên THV phải rời sàn vì âm vốn chủ sở hữu hay cũng có khả năng THV sẽ phải phá sản.
Một bí ẩn thú vị lúc này là số tiền khổng lồ 1,000 tỷ đồng từ ngân hàng đi về đâu và hạch toán bằng cách nào ngoài sổ sách kế toán?
Để cung ứng 1,500 tỷ đồng cho THV đã có một “hội chợ 10 ngân hàng”. Có hay không hội chợ ngân hàng ấy đã cùng tập trung vốn lưu động cho một đơn vị không hề cần vốn?
Một chu kỳ xuất khẩu café chỉ cần 10 ngày (từ ngày thanh toán cho công ty gom hàng để chuyển container ra cảng, gởi hàng tàu, nhận vận đơn (B/L), mang đến ngân hàng chiết khấu lấy tiền ngay). Với quý xuất cao nhất là 800 tỷ đồng, THV sẽ quay gần 10 vòng vốn và chỉ cần 100 tỷ đồng (khoảng 20% vốn điều lệ) là đủ.
Và hội chợ ngân hàng đã rộng tay khi nhận thế chấp động sản (kho hàng), dạng thế chấp có nhiều rủi ro trong quá khứ. Vào những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến 5 ngân hàng cùng nhận thế chấp 1 kho thủy sản tại Cần Thơ, còn kho hàng này được những nông dân phá kho và chở hàng đi để bù nợ.
Một vấn đề cũng đầy nghi vấn, hội chợ ngân hàng khi đã nhận thế chấp kho hàng sao không khui kho để thu nợ mà phải bàn đến việc thu nợ từ tài sản cố định, là những thứ được hình thành từ vốn góp ban đầu của cổ đông?
Thị trường chứng khoán đang chờ đợi và hi vọng vào một kết cục tốt với THV để giải tỏa tâm lý trĩu nặng. Một kịch bản xấu sẽ là cung nhạc trầm cho cả thị trường và là nốt nhạc buồn cho nhà đầu tư vào THV!
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
FFN
Bài viết cùng tác giả:
* Tháng Tám – TTCK trước ngã ba đường
* Tháng 7: Bức tranh thị trường chứng khoán đang rõ dần
* Cảm giác mạnh với cổ phiếu khoáng sản
* Tháng 5: Nỗi trăn trở trên sàn chứng khoán!
* Tháng Tư – Đáp án của kỳ vọng trên TTCK
* SHN có nguy cơ phá sản: Lỗ hổng cơ chế?
|