TRI giải thể, cổ đông được nhận 2,300 đồng/cp
Khi giải thể, cổ đông CTCP Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco (TRI) sẽ được nhận 2,300 đồng/cp. Theo dự kiến, TRI hoạt động đến hết tháng 8. Đầu tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn sẽ do Tribeco Bình Dương tiếp nhận.
Sáng ngày 24/08, CTCP Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco (TRI) đã tổ chức đại hội bất thường và các cổ đông đã nhất trí việc giải thể công ty.
Tại đại hội, HĐQT cho biết doanh thu thuần 7 tháng đầu năm 2012 của công ty đạt 389 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 9% nên lợi nhuận gộp giảm 49%, còn 33.7 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận gộp trên quá ít ỏi so với 115.5 tỷ đồng chi phí bán hàng của công ty. Do đó, trong kỳ, TRI báo lỗ gần 100 tỷ đồng.
Đại diện TRI cho biết thêm, phần tài sản ngoại bảng trong bảng cân đối kế toán của công ty có khoản mục khách hàng nợ bao bì 112 tỷ đồng và TRI ghi nhận khoản này có thể thu hồi được. Nhưng trên thực tế, đây chính là các vỏ chai thủy tinh của các loại nước giải khát được phân phối rộng khắp cả nước và khả năng thu hồi lại được tất cả là rất thấp. Do vậy, nếu khoản này không có khả năng thu hồi thì khoản lỗ trong kỳ của TRI có thể lớn hơn con số 100 tỷ đồng đã công bố.
Được biết, cuối năm 2011, TRI lỗ 92.45 tỷ đồng. 7 tháng đầu năm 2012 lỗ tiếp gần 100 tỷ đồng. Như vậy, lỗ lũy kế đến cuối tháng 7 lên đến 412 tỷ đồng khiến cho vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.
Cũng trong bảng cân đối kế toán của công ty thể hiện rõ, tính đến cuối tháng 7/2012, khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn của TRI chiếm 20.98 tỷ đồng, trong đó bao gồm 259,500 cổ phiếu CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC) với giá trị 17.48 tỷ đồng và 50,000 cp Sabeco với giá trị 3.5 tỷ đồng.
Dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư ngắn hạn này là 12.8 tỷ đồng. Khoản vay ngắn hạn của TRI không có thay đổi gì so với cuối năm 2011 với 7 tỷ đồng vay từ HSBC, gần 55.5 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Thương mại Chinatrust và 25 tỷ đồng vay từ KDC. Tổng các khoản vay và nợ ngắn hạn này chiếm 27% nợ phải trả của công ty. Ngoài ra, do vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng nên nợ phải trả của TRI gấp 1.6 lần tổng nguồn vốn 199.5 tỷ đồng.
Với tình hình tài chính nêu trên, HĐQT nhận thấy nếu tiếp tục hoạt động, công ty sẽ càng thua lỗ. Do đó, HĐQT đã quyết định giải thể công ty. Theo dự kiến, TRI sẽ hoạt động đến hết tháng 8. Đầu tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn sẽ do Tribeco Bình Dương tiếp nhận.
HĐQT Tribeco nhất trí ban thanh lý công ty bao gồm ông Tsai Ho Feng – đại diện cổ đông Uni-President và ông Kelly Wong – đại diện của KDC.
|
Khi giải thể, giá trị chia cho cổ đông là 2,300 đồng/cp, tính theo giá bình quân 60 ngày giao dịch gần nhất +20%.
Với mục đích sở hữu thương hiệu Tribeco và tiếp tục kinh doanh ngành nước giải khát tại Việt Nam, Công ty TNHH Tribeco Bình Dương đã đồng ý nhận các quyền lợi và nghĩa vụ của TRI sau khi công ty này giải thể.
Cụ thể, TRI sẽ chuyển toàn bộ quyền lợi, bao gồm công nợ phải thu, tài sản, công cụ, thương hiệu… và toàn bộ nghĩa vụ, bao gồm tất cả các khoản nợ phải trả (Thuế, ngân hàng, công nhân viên, nhà C, cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ…) cho Công ty TNHH Tribeco Bình Dương.
Sau đại hội, TRI sẽ làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển nhượng các quyền lợi và nghĩa vụ trên cho Tribeco Bình Dương, bao gồm cả việc thu mua lại tất cả cổ phiếu của các cổ đông nhỏ.
Minh Hằng (Vietstock)
FFN
|