Thứ Tư, 15/08/2012 16:53

Tranh chấp kinh tế tại Thaco Kia Đà Nẵng: Bất ngờ thành... bị đơn

Một vụ án dân sự lạ: Ông Hồ Đắc Tuấn kiện Cty TNHH ôtô Thaco Kia Đà Nẵng, nhưng tòa án kinh tế Đà Nẵng lại đột ngột thay đổi địa vị pháp lý, biến Cty cổ phần ôtô Trường Hải (TruongHai), vốn là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” thành bị đơn, bất chấp các thủ tục, trình tự của pháp luật.

Công trình liên doanh giữa Cty Trường Hải và ông Tuấn.
Công trình liên doanh giữa Cty Trường Hải và ông Tuấn.

Liên doanh sớm nở tối tàn

Cty THHH ôtô Thaco - Kia Đã Nẵng (Thaco Đà Nẵng) thành lập tháng 8.2009, do hai thành viên góp vốn là ông Hồ Đắc Tuấn và Cty CP ôtô Trường Hải (Cty Trường Hải), mỗi bên 4,5 tỉ đồng.

Ông Tuấn làm chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), hai bên thống nhất thuê ông Mai Phước Nghê làm GĐ, kiêm người đại diện theo pháp luật của Thaco Đà Nẵng.

Sau hơn một năm hợp tác, ngày 27.12.2010, ông Tuấn nộp đơn khởi kiện dân sự Thaco Đà Nẵng tại TAND TP.Đà Nẵng với nội dung: Yêu cầu chia lãi; tuyên bố tất cả các hợp đồng mà Thaco Đà Nẵng đã ký với Cty Trường Hải là vô hiệu; buộc bị đơn là Thaco Đà Nẵng không có bất kỳ hành vi nào cản trở việc ông Tuấn sử dụng con dấu của Cty; buộc đại diện theo ủy quyền của Cty Trường Hải tích cực tham gia các cuộc họp HĐTV và miễn nhiệm chức danh GĐ Thaco Đà Nẵng của ông Mai Phước Nghê.

Trong đơn khởi kiện này, nguyên đơn xác định Thaco Đà Nẵng là bị đơn và Cty Trường Hải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trong phiên hòa giải ngày 5.4.2011, đại diện Thaco Đà Nẵng trình bày: Vốn hoạt động chủ yếu chiếm dụng của Cty TNHH VT-GN-PP ôtô Chu Lai Trường Hải. Nếu phân chia lợi nhuận sẽ không đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Đại diện Cty Trường Hải (phía có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) trình bày: Nếu ông Tuấn có nhu cầu tiếp tục kinh doanh thì mua lại phần vốn góp của Cty Trường Hải và ngược lại, nếu ông Tuấn không có nhu cầu thì Trường Hải sẽ mua lại phần góp vốn của ông Tuấn.

“Bẻ ghi” hướng khác

Các phiên hòa giải thay vì theo hướng xử lý các tranh chấp giữa ông Tuấn và Thaco Đà Nẵng, lại được lái sang nội dung khác - chuyển nhượng vốn góp giữa hai thành viên góp vốn là ông Tuấn và Cty Trường Hải.

Ngày 1.12.2011, ông Tuấn có đơn xin thay đổi nội dung khởi kiện: “Đề nghị quý tòa giải quyết về việc chuyển nhượng vốn góp của hai bên: Tôi, Hồ Đắc Tuấn và Cty Trường Hải theo các nguyên tắc và quy định của pháp luật”.

Sau khi có đơn này, tòa án đã không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp giữa ông Tuấn với Thaco Đà Nẵng để ra quyết định thụ lý vụ án tranh chấp giữa các thành viên về việc chuyển nhượng vốn góp. Tòa án cũng không thông báo đến các đương sự việc thay đổi nội dung khởi kiện của ông Tuấn; không thay đổi tư cách tham gia tố tụng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các đương sự ở tư cách tố tụng mới trong vụ án mà cụ thể là quyền phản tố của bị đơn.

Ngày 9.5.2012, Tòa kinh tế, TAND TP.Đà Nẵng đưa ra xét xử vụ án “Tranh chấp về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên Cty”, nguyên đơn: Ông Hồ Đắc Tuấn. Và điều đáng ngạc nhiên ở đây, bị đơn dân sự lại là Cty Trường Hải, trong khi tại “đơn thay đổi nội dung khởi kiện ngày 1.12.2011” của ông Hồ Đắc Tuấn, mà tòa kinh tế Đà Nẵng lấy làm căn cứ để xét xử vẫn xác định Cty Trường Hải là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.

Theo quy định về quyền, nghĩa vụ của bị đơn tại Điều 60 quy định về quyền, nghĩa vụ của bị đơn và điều 219 về thay đổi địa vị tố tụng trong Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS năm 2011, thì Cty Trường Hải phải “được tòa án thông báo về việc bị khởi kiện” và sự thay đổi địa vị tố tụng của Trường Hải chỉ xảy ra khi trường hợp các bên rút, giữ yêu cầu khởi kiện, có phản tố... Thế nhưng, chỉ đến khi vụ án được quyết định đưa ra xét xử, cách đó chưa đầy tháng thì Cty Trường Hải mới biết mình là bị đơn, mà không kịp có một phiên hòa giải nào..

Một sự luộm thuộm nữa là do không biết địa vị pháp lý của mình trong phiên tòa đã bị thay đổi nên Tổng GĐ Cty Trường Hải ký ủy quyền cho ông Phạm Thanh Sơn tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện.

Thế nhưng, lạ một điều, Tòa kinh tế Đà Nẵng vẫn chấp thuận và tiến hành xem xét vụ kiện Cty Trường Hải với tư cách bị đơn. Sự thay đổi này đã đẩy Cty Trường Hải vào thế bị động, rồi để nhận một bản án đầy khuất tất.

Kỳ tiếp: Tòa tự định đoạt tài sản của doanh nghiệp (!?)

Lê Chân Nhân - Nguyễn Trung Hiếu

Lao Động

Các tin tức khác

>   KDC: Giải trình lỗ hợp nhất Q2/2012 (15/08/2012)

>   CSCJ: Tỷ lệ vốn khả dụng tháng 06/2012 đạt 156% (15/08/2012)

>   FSC: Tỷ lệ vốn khả dụng tháng 6/2012 đạt 291% (15/08/2012)

>   HBS: Tỷ lệ vốn khả dụng tháng 6/2012 đạt 276% (15/08/2012)

>   TAS: Báo cáo tài chính bán niên năm 2012 (15/08/2012)

>   VCS: Tình hình quản trị sáu tháng đầu năm 2012 (15/08/2012)

>   VISE: Tỷ lệ vốn khả dụng đến tháng 6/2012 đạt 189% (15/08/2012)

>   VITS: Tỷ lệ vốn khả dụng tháng 06/2012 đạt 248% (15/08/2012)

>   SHB: Lợi nhuận 6 tháng chỉ đạt 32.5% kế hoạch năm (15/08/2012)

>   CLC: Giải trình chênh lệch biến động lợi nhuận Q2/2012 (15/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật