Thứ Năm, 09/08/2012 20:00

Trách nhiệm xã hội của lãnh đạo khi doanh nghiệp giải thể, phá sản

Thời gian gần đây, cụm từ giải thể phá sản dường như xuất hiện nhiều hơn cả trên khắp các mặt báo, trong những câu chuyện thường ngày lúc trà đá ven đường hay tại các quán xá sang trọng. Đây cũng là một câu chuyện nhỏ được dùng để mở màn trước mỗi buổi họp, giúp không khí phần nào bớt căng thẳng và kéo người ta lại gần nhau hơn.

Một doanh nghiệp phải rơi vào tình huống giải thể, phá sản có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chung quy lại là chuyện hiệu quả quản lý vòng đời sản phẩm và công tác đổi mới sản phẩm, tư duy kinh doanh của ban lãnh đạo. Và hơn nữa là trách nhiệm xã hội của ban lãnh đạo trước bao người lao động.

Cáp Sài Gòn và câu chuyện quản lý vòng đời sản phẩm

Vòng đời sản phẩm là kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp dùng trong công tác quản lý quy trình sản phẩm kể từ khi một sản phẩm ra đời cho đến khi sản phẩm đó bị thoái trào và dần bị khách hàng lãng quên. Vòng đời sản phẩm trải qua bốn giai đoạn: giai đoạn ra đời và phát triển sản phẩm (introduction), giai đoạn mở rộng thị trường (growth), giai đoạn chín muồi (maturity) và giai đoạn thoái trào (decline).

Một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tăng cường sức cạnh tranh cao là doanh nghiệp đánh giá cao quy trình quản lý vòng đời sản phẩm và luôn ý thức cao công tác đổi mới phát triển sản phẩm.

Khi nhận thấy thị hiếu khách hàng đang thay đổi, doanh thu và lợi nhuận từ mảng sản phẩn này có chiều hướng đi xuống, doanh nghiệp tăng cường công tác thăm dò thị hiếu khách hàng, đổi mới và phát triển thêm tính năng của sản phẩm để sản phẩm của mình vẫn có sức hấp dẫn, theo đó mang lại nguồn doanh thu ổn định.

Mặt khác, doanh nghiệp có thể nghiên cứu trị trường mới, tìm cách xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường mới thay vì doanh số dừng ở thị trường hiện tại đang vào giai đoạn giảm sút.

Làm tốt công tác quản lý vòng đời sản phẩm, doanh nghiệp sẽ luôn duy trì được tính cạnh tranh cao và bảo vệ mình trước nguy cơ bị đào thải khỏi ngành.

Thực tế diễn ra tại CTCP Cáp Sài Gòn (HOSE: CSG) cho thấy ban lãnh đạo đã không làm tốt công tác quản lý vòng đời sản phẩm, yếu kém trong công tác quản lý, lập kế hoạch chiến lược.

Theo Nghị quyết HĐQT số 2 tháng 3, HĐQT đã bàn và lên phương án giải thể, thanh lý tài sản của CSG. Lý giải cho lựa chọn này, HĐQT cho rằng thị trường cáp viễn thông suy giảm mạnh, kinh doanh đồng gặp nhiều rủi ro, thương hiệu thị trường cáp viễn thông còn yếu và HĐQT bế tắc trong việc lập kế hoạch chiến lược cho tương lai.

Trên thực tế thì thị trường cáp viễn thông đã có dấu hiệu suy giảm từ cách đây vài năm nhưng tại sao đến bây giờ HĐQT của CSG vẫn loay hoay trong thị trường đang suy giảm này mà không có hành động quyết liệt để tìm hướng đi mới cho sản phẩm?!

Kết quả họp ĐHĐCĐ thường niên 2012 vừa qua cho thấy, cổ đông lớn như SAM vẫn quyết tâm rút khỏi CSG, nhưng kết quả biểu quyết nhất trí với phương án giải thể chỉ đạt 64.58%, chưa đủ 75% theo Luật Phá sản để được thông qua. ĐHĐCĐ đã thông qua phương án xin ý kiến UBCKNN, tuy nhiên, thiết nghĩ UBCKNN không có vai trò trong quyết định giải thể hay phá sản của CSG. Quyết định nằm ở đồng thuận của cổ đông CSG.

Tiếp theo đó, ngày 28/06/2012, CSG tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường để thông qua kế hoạch hoạt động trong thời gian tiếp theo của Công ty. Ở kỳ Đại hội này, các nhóm cổ đông có vẻ đồng thuận hơn khi biểu quyết thông qua 2 phương án: (1) Giảm vốn - 99.30% tán thành và (2) Giải thể - 98.78% tán thành. Phương án giảm vốn điều lệ được cho là tối ưu nhất và tiết kiệm thời gian nhiều nhất. Theo đó, CSG sẽ thực hiện chào mua công khai tới 80% vốn điều lệ với giá 13,000đ/cp và công ty tiến hành hủy cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ xuống còn 53.36 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án này vướng tại Điều 91, Luật Doanh nghiệp quy định “Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán”.

Hiện tại Công ty đã nộp hồ sơ xin phép chào mua công khai tới 80% vốn điều lệ lên UBCKNN. Tuy nhiên, do không đủ thẩm quyền quyết định thông qua, UBCKNN đã gửi hồ sơ của CSG xin ý kiến Bộ KH&ĐT. Đến nay Bộ vẫn chưa có phản hồi cho CSG.

Sốt ruột khi chờ đợi ý kiến của cơ quan chức năng, ngày 01/08/2012 vừa qua HĐQT Công ty lại một lần nữa thông qua phương án giải thể. Cổ đông và người lao động lại phải tiếp tục hồi hộp ngóng chờ con tàu CSG sẽ đi đâu, về đâu khi họ vẫn đang trên tàu!

SHN: Có hay không tư duy kinh doanh chộp giật?

Tư duy kinh doanh của ban lãnh đạo doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có ban lãnh đạo có tâm và tư duy kinh doanh lâu dài, hết lòng với công tác quản lý và sự phát triển của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ tồn tại bền vững. Ngược lại, với ban lãnh đạo có tư duy kinh doanh ngắn, chụp giật chỉ vì lợi ích của bản thân, dùng doanh nghiệp để kiếm lợi và làm bàn đạp cho một mục đích khác thì doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng phá sản khi nhóm lãnh đạo có ý rút lui hoặc mục đích làm bàn đạp cho lợi ích nhóm cá nhân không như mong muốn.

Ảnh hưởng lớn nhất của tư tưởng kinh doanh ngắn này phải nói đến loại hình công ty cổ phần.

Trước tiên, một nhóm cổ đông cá nhân hoặc tổ chức nào đó lập ra một công ty, hoạt động một thời gian và đem chào bán cổ phần ra công chúng. Qua các thao tác phù phép dự án, báo cáo tài chính, họ đưa công ty lên sàn và ở thời điểm thuận lợi liên tục phát hành tăng vốn và giao dịch nội gián cổ phiếu nhằm thu lợi ích cá nhân.

Hơn nữa, với tư cách là thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp, họ thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến phần vốn của của công ty như chuyển vốn góp vào công ty khác, cho người có liên quan vay tiền với lãi suất 0% hoặc với lãi suất rất thấp. Khi đổ bể, phần vốn không thu hồi được dẫn đến khả năng công ty không thể hoạt động liên tục và ban lãnh đạo đề xuất phương án giải thể, phá sản hoặc bán lại công ty với mức giá thấp.

Câu chuyện về CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội (HNX: SHN) gần đây dấy lên nghi án về sự quản lý yếu kém của ban lãnh đạo, yếu kém trong công tác lập kế hoạch chiến lược phát triển công ty, yếu kém trong công tác quản lý và phân bổ nguồn vốn.

Việc phân bổ nguồn vốn sai sót và thiếu đánh giá sự tín nhiệm của đối tác dẫn đến việc SHN có nguy cơ mất trắng 238 tỷ đồng về tay đối tác. Hiện tại, đại diện đối tác đã bỏ trốn sang nước ngoài, SHN dường như không còn cách nào để đòi được số tiền 238 tỷ đồng đó.

Tiếp xúc với truyền thông gần đây, chủ tịch SHN cho rằng SHN sẽ rơi vào tình trạng phá sản nếu không đòi được nợ. Mặt khác, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của SHN cũng đưa ra số liệu lỗ năm tài chính 2011 lên tới 146 tỷ đồng và khả năng hoạt động liên tục của SHN hiện tại phụ thuộc vào khả năng thu hồi công nợ liên quan đến CTCP Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân (người đại diện theo Pháp luật của CTCP Beta BQP) cũng như khả năng thu xếp thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của SHN.

Ban lãnh đạo: Trách nhiệm xã hội!

Doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản sẽ gây ra hệ lụy rất lớn cho xã hội và nền kinh tế. Cổ đông sẽ là người cuối cùng được thanh khoán từ tiền bán máy móc thiết bị, nhà xưởng của doanh nghiệp. Và cũng có thể, cổ đông sẽ không nhận được gì và coi như mất trắng phần vốn mình đầu tư vào doanh nghiệp đó.

Với người lao động, họ là người đầu tiên được giải quyết tiền lương, có thêm phần bồi thường theo số năm gắn bó cùng công ty hoặc khoản trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm mới. Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế khó khăn, người lao động sẽ khó tìm được việc làm tương đương để đảm bảo cuộc sống của gia đình. Với lao động trẻ, để tìm được một công việc mới và chấp nhận điều kiện khó khăn hơn khá dễ dàng so với những lao động trong độ tuổi trung niên.

Giải thể, phá sản doanh nghiệp là điều không mong muốn của các cổ đông, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước hay nói chung toàn xã hội. Điều quan trọng, toàn xã hội mong muốn các lãnh đạo doanh nghiệp hãy toàn tâm toàn ý vì sự phát triển của công ty, tăng cường lợi ích cổ đông và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Có như vậy môi trường kinh doanh của Việt Nam mới lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp niêm yết có thể thu hút được nguồn vốn từ thị trường chứng khoán để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

KVT (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   TIE mở chi nhánh tại Đà Nẵng (09/08/2012)

>   KDC: Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2012 (09/08/2012)

>   TRC: Đính chính Thuyết minh BCTC soát xét 6 tháng 2012 (09/08/2012)

>   BXH: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2012 (09/08/2012)

>   AGR: 17/08 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (09/08/2012)

>   MiraeAsset: Báo cáo tài chính bán niên 2012 (09/08/2012)

>   BT6: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 9 (09/08/2012)

>   BTP: Lãi ròng quý 2 gấp 10 lần cùng kỳ (10/08/2012)

>   PVE: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2012 (09/08/2012)

>   OCS điều chỉnh báo cáo quản trị Công ty 6 tháng đầu năm 2012 (09/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật