Thâu tóm - xấu là do cách làm
Khái niệm thâu tóm, nói khơi khơi thì được nhưng chứng minh thế nào là thâu tóm lại không dễ.
Trường hợp của Habubank (Ngân hàng Thương mại CP Nhà Hà Nội - HBB) đúng nghĩa là thâu tóm, khi toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của Habubank đều bị chuyển sang SHB, thậm chí tên cũng bị phá sản luôn. Đấy là một vụ thâu tóm trọn vẹn nhưng được người ta chuyển thành sáp nhập, một cái từ không ai sợ.
Tuy nhiên, đối với Sacombank (STB) lại khác. Về nguyên tắc thâu tóm, Sacombank không phải sáp nhập, cũng không phải hợp nhất, bởi đến nay nó vẫn là Sacombank. Thậm chí, đến thời điểm này, người ta vẫn tuyên bố, làm gì có vụ thâu tóm Sacombank, chỉ là chuyển đổi một số phần sở hữu bên trong, thay đổi một số thành viên HĐQT và ông Đặng Văn Thành vẫn là Chủ tịch HĐQT.
Toàn bộ thông tin liên quan đến kết cấu sở hữu năm 2011 của Sacombank là bao nhiêu, bây giờ kết cấu sở hữu chuyển sang những ai, ai nắm cổ phần chi phối, ai đã bị biến mất... đều không được công bố.
Việt Nam đang cơ cấu lại khu vực ngân hàng, các hoạt động thâu tóm như một hình thức nằm trong tiến trình cơ cấu lại. Việc sở hữu một định chế tài chính đồng nghĩa với việc bị các cơ quan quản lý giám sát, bởi động chạm đến nhiều yếu tố nhạy cảm. Tuy nhiên, vấn đề trong thâu tóm liên quan đến đặc thù của định chế tài chính ở Việt Nam hiện nay. Về mặt nguyên tắc, những định chế ấy phải hoạt động công khai, minh bạch song thực tế vẫn có những tồn tại.
Thứ nhất, hiện nay kết cấu sở hữu của các định chế tài chính, công ty cổ phần rất thiếu công khai. Trường hợp của ông Nguyễn Đức Kiên, nhiều người nói ông ta chi phối hệ thống ngân hàng. Nhưng cũng không ít người bảo ông Kiên không chi phối gì nếu căn cứ vào sở hữu công khai của ông ta về các phần vốn.
Thứ hai, sự công khai của bản thân các định chế tài chính rất mù mờ, dù trên thực tế, họ đều đã niêmyết, đều là công ty cổ phần, thậm chí còn là cổ phần đại chúng. Việc một người sở hữu một phần trong một định chế tài chính nào đó thành lập một loạt các công ty “sân sau” để sau đó cho vay nội bộ (người thân, thành viên hội đồng quản trị...) đã hơn một lần vi phạm các hoạt động về công khai.
Thứ ba, quy định pháp lý đã có đầy đủ, nhưng việc vi phạm các quy định đến nay không được làm rõ, không bị trừng phạt. Chuyện những người mạnh hơn tham gia sở hữu, thậm chí là chi phối một công ty cổ phần/một định chế tài chính là bình thường. Vấn đề nằmở chỗ từ khi bắt đầu thâu tóm cho đến lúc bị thâu tóm, thông tin không được công khai và Sacombank là ví dụ điển hình. Những thông tin liên quan đến thay đổi chủ sở hữu, chuyển cổ đông sáng lập... đều không được báo cáo.
Bản thân từ “thâu tóm” không xấu, mà do người ta cố tình khoác cho nó một vỏ bọc xấu, không công khai,ngấm ngầm hoạt động, vi phạm các quy định pháp lý. Đơn cử, Habubank đã vi phạm quy định tối thiểu của hoạt động ngân hàng là không được đầu tư vốn quá mức vào một công ty, khi sở hữu tới 78% cổ phần của Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco - BAF). Hay nói cách khác, Bianfishco đã cùng lúc với 25 triệu cổ phần, đi thế chấp ở 3 ngân hàng và bán cho một công ty.
Chuyện dàn xếp là rất bình thường, chưa kể việc các cơ quan quản lý phải tham gia vào đó, bởi rất có thể có những người không có thực lực muốn tham gia vào quá trình thâu tóm. Bản thân người bị thâu tóm hoặc người muốn hợp tác không có đủ điều kiện để kiểm soát chuyện đó được, thậm chí là phải có sự tham gia của cơ quan quản lý.
Vì thế, ngay từ đầu quá trình cơ cấu đã không để cho các ngân hàng tự nguyện sáp nhập, hợp nhất, để tránh trường hợp Ngân hàng nhà nước hay cơ quan quản lý can thiệp vào. Ngân hàng nhà nước phải là giữ vị trí trọng tài trong cuộc chơi, kịp thời ngăn chặn những cái sai. Việc xử lý vi phạm trong thâu tóm ngân hàng hoàn toàn liên quan đến việc tuân thủ pháp luật.
Về bản chất, khi những người mạnh thay thế những người yếu, định chế đó sẽ tốt hơn. Nhưng một khi các cơ quan chức năng không công khai, không xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, thì rõ ràng những hy vọng về mặt tích cực của thâu tóm có thể diễn biến n ược lại, đây là điều đáng lo ngại.
Tóm lại, cần phải có người kiểm soát quá trình thâu tóm, đảm bảo những nguyên tắc thâu tóm là phục vụ mục đích làm cho định chế đấy tốt lên và bản thân những người tham gia vào thâu tóm đó phải tuân thủ các quy định.
TS.Vũ Đình Ánh
Doanh nhân sài gòn
|