Hội đồng quản trị FPT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh:
“Thắng lợi” của ông Trương Đình Anh?
Vụ việc “CEO Trương Đình Anh: Đâm lao theo lao hay quy ẩn” có vẻ đã ngả theo hướng HĐQT FPT nhân nhượng với quan điểm của ông Trương Đình Anh. Hôm 29.8, HĐQT FPT bất ngờ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và ông Trương Đình Anh cho biết dự kiến đi làm lại từ ngày 17.9.2012.
Giảm áp lực doanh thu, lợi nhuận
Ngày 29.8, HĐQT FPT đã họp và quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, doanh thu năm 2012 điều chỉnh xuống còn 26.072 tỉ đồng thay vì 31.300 tỉ đồng như trước, chỉ tăng nhẹ 0,4% so với năm 2011. Lợi nhuận được điều chỉnh xuống còn 2.547 tỉ đồng thay vì 3.000 tỉ đồng như trước đó, chỉ tăng 1,8% so với năm 2011.
Như vậy tính ra, FPT đã điều chỉnh giảm 16,7% tổng doanh thu và 15% tổng lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch trước đó.
Động thái này được cho là đầy bất ngờ vì trước đó, khi FPT công bố doanh thu và lời nhuận 6 tháng đầu năm không đạt kế hoạch, và dư luận đồn rằng đó là nguyên nhân chính khiến không Tổng giám đốc Trương Đình Anh “ra đi” đầy bí ẩn, thì lãnh đạo FPT vẫn còn giữ quan điểm rằng “chưa tính tới việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh”.
Ông Trương Đình Anh đã tham gia cuộc họp này, Sau cuộc họp ông đã trả lời tờ nội san Chúng Ta của FPT rằng: “Một mặt, chúng ta tạo sức ép hoàn thành kế hoạch lên toàn bộ hệ thống. Mặt khác, chúng ta cần điều chỉnh kế hoạch phù hợp với khả năng của thị trường. Bởi khi thị trường không thuận lợi, việc đặt ra kế hoạch vượt quá khả năng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”.
Có thể thấy, HĐQT FPT đã giảm áp lực cho Ban điều hành, điển hình là cho CEO Trương Đình Anh. Nhưng cũng có thể thấy rằng, Trương Đình Anh đã “mềm” hơn chứ không còn dám tuyên bố tự tin thái quá như khi mới nhậm chức là sẽ thủc đẩy tăng trưởng 30% hay 40% trong vài năm tới. Bởi, Trương Đình Anh có giỏi cách mấy thì cũng không thể tính bằng… trời tính.
Từ cuộc họp HĐQT FPT ngày 29.8 phát đi một số thông điệp quan trọng: Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và Trương Đình Anh sẽ đi làm trở lại vào ngày 17.9 tới đây, nếu vậy vị CEO này cắt ngắn kì nghỉ phép hai tháng 14 ngày. Kỳ nghỉ này được ông lí giải là để “tái tạo năng lượng” và “ổn định sức khỏe”. Tất nhiên đằng sau của hai lí do này có thể hiểu lí do lớn nhất là mệt mỏi, stress…
Ông Trương Đình Anh trở lại cũng là điều HĐQT FPT mong muốn, nhưng có thể nó lại khiến cho ông Hoàng Nam Tiến - Tiến “béo” lỡ thêm một chuyến tàu đáp tới chiếc ghế CEO của FPT.
HĐQT đã nhượng bộ và sẽ tiếp tục nhượng bộ?
Có vẻ như cái đòn “giận dỗi” của Trương Đình Anh cũng đã có hiệu quả nhất định, HĐQT FPT ít nhiều cho thấy đã nhượng bộ, chí ít là thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để giảm áp lực cho Ban điều hành.
Nhưng đọc kỹ bài trả lời phỏng vấn, có thể thấy khẩu khí của Trương Đình Anh vẫn mạnh mẽ và quyết liệt, và cũng cho thấy có lẽ có một sự hậu thuẫn cho Ban điều hành nhiều hơn trước đó.
Đơn cử như ông đưa ra đề xuất: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những quyết sách càng cần sự sắc bén và hành động quyết liệt. Tôi hi vọng Ban lãnh đạo tập đoàn cùng chia sẻ vấn đề này”.
Hay khi đề cập tới quyết định của HĐQT về việc miễn nhiễm lãnh đạo các đơn vị nếu không hoàn thành 80% kế hoạch, Trương Đình Anh hé lộ “việc miễn nhiệm lãnh đạo chỉ là một phần nhỏ trong chính sách thúc đẩy kinh doanh mà tôi đề xuất”.
Có lẽ vì thế mà vị CEO này đề nghị: “Điều này cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ HĐQT cũng như các lãnh đạo cao cấp”.
Quyết định này, nếu có áp dụng cho 6 tháng đầu năm, theo tôi Trương Đình Anh là người đầu tàu sẽ phải tự xin miễn nhiệm trước. Còn nếu Ban lãnh đạo FPT dùng quyền lực để thanh trừng dần trong âm thầm lại là một điều khác.
Nhưng nếu HĐQT thuận theo Trương Đình Anh “trảm” mạnh lãnh đạo các đơn vị, thì sẽ giải thích thế nào về việc không hoàn thành kế hoạch của chính CEO? Vì thế, cách dung hòa hơn là áp dụng cho 6 tháng cuối năm.
Trước sau cho thấy Trương Đình Anh vẫn muốn “đá rắn” hơn là chơi tiqui-taca. Vì thế mà câu trả lời phỏng vấn sau thời gian nghỉ phép “qui ẩn” gần trọn một tháng, dù Trương Đình Anh cố tỏ ra mềm mại thuyết phục mọi người rằng “quan điểm của tôi thiên về nhân trị và pháp trị nhiều hơn” thì cũng khó lòng ai tin vào lúc này.
Có chăng, đó là thiên về “pháp trị” và không chừng, nếu HĐQT ủy quyền quá nhiều cho Ban điều hành mà thiếu kiểm soát, thì nguy cơ Trương Đình Anh lại đi đến “bá trị”. Đây chính là một nỗi lo lắng của các Cty thành viên trong FPT.
Và trước sau cũng lại cho thấy, Trương Đình Anh vẫn tiếp tục muốn sử dụng “liệu pháp sốc”, từ chính sách điều hành cho đến quan điểm, tư duy thể hiện ra cách ăn nói.
Cụ thể đề cập đến mảng phân phối và tích hợp hệ thống bị sụt giảm về lợi nhuận ông dùng một cách nói cứng và sốc: “Tôi thấy hai đơn vị này uống liều thuốc cải cách hơi chậm. Càng để lâu càng phát sinh nhiều vấn đề. Cần phải dám nghĩ, dám làm theo cách mới”.
Mảng tích hợp hệ thống, là FIS, một trong những trụ cột chống nên FPT hiện nay. Và quan trọng hơn, chủ tịch mảng FIS là ông Đỗ Cao Bảo-Thành viên HĐQT. Vì thế câu nói của ông Trương Đình Anh cũng có thể khiến người ta hiểu rằng chủ tịch FIS “uống liều thuốc cải cách hơi chậm” vậy…
Thụy Lâm
lao động
|