Tập đoàn FLC lập tổ đòi nợ khách mua nhà!
Năm lần bảy lượt gửi thông báo mời khách hàng tới nhận nhà nhưng số người tới nhận chỉ đếm được trên đầu ngón tay, cực chẳng đã chủ đầu tư phải lập tổ đòi nợ với thông báo gây “chấn động” thị trường bất động sản: sẽ bán phá giá những căn hộ chủ đầu tư không chịu nộp tiền đợt cuối để nhận nhà, thậm chí một số khách hàng chây ỳ có thể bị chủ đầu tư khởi kiện…
Thông báo “khủng” này được phát đi chiều nay, 20.8 từ Tập đoàn FLC- chủ đầu tư tòa nhà chung cư cao cấp FLC Lanmark Tower.
Theo đó, chủ đầu tư hiện đã hoàn thiện thi công và đáp ứng các điều kiện để đưa các căn hộ của tòa chung cư cao cấp này vào sử dụng. Chủ đầu tư đã 03 lần gửi thông báo khách hàng mua căn hộ phải tới làm thủ tục nghiệm thu và bàn giao căn hộ với chủ đầu tư, thời gian chậm nhất là đến hết ngày 23/8/2012.
Sau thời hạn này, khách hàng nào chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán và không đến nhận nhà ở thì chủ đầu tư sẽ bán căn hộ để thu hồi công nợ theo quy định tại Điều 8.1 và 8.2 Hợp đồng mua bán căn hộ.
Nhiều ngày nay tập đoàn FLC bố trí nhân sự chào đón khách tới nhận nhà tại tòa tháp B nhưng khách hàng đều "im thin thít, lặn mất tăm"
|
Xác nhận với PLVN Online, ông Trần Thế Anh, trưởng Ban pháp chế Tập đoàn FLC cho biết việc đơn vị này sẽ bán các căn hộ chậm nộp tiền và khách hàng không đến nhận bàn giao để thu hồi công nợ là chủ trương có thật.
“Chúng tôi đã thành lập tổ xử lý công nợ với các kế hoạch hành động cụ thể. Trước tiên là thuyết phục khách hàng tới nhận bàn giao, thanh toán nộp nốt 30% căn hộ theo đúng hợp đồng. Những khách hàng chây ỳ không đến nhận bàn giao, không nộp nốt số tiền còn lại đúng theo hợp đồng tổ xử lý công nợ sẽ tiến hành xử lý căn hộ. Theo đó, chủ đầu tư có quyền thanh lý căn hộ này cho bên thứ 3, trả lại phần tiền khách hàng đã nộp”, ông Trần Thế Anh cho biết.
Tổ xử lý công nợ nói trên đã có những hành động đầu tiên là gọi cho khách hàng để thông báo về chủ trương này. Tuy nhiên có khách hàng nghe máy và có khách hàng cũng… không nghe máy.
Trao đổi với PLVN Online, một số khách hàng đã mua căn hộ tại dự án này vẫn “bình chân như vại” vì cho rằng “ đố chủ đầu tư dám căng như thế, nhất là trong bối cảnh thị trường đang ảm đạm như thế này”.“ Bán được hết đã là may, nhiều dự án còn đang mong có người đặt cọc mua mà chả có người mua nữa là”, một khách hàng nói.
Thực tế, lâu nay, trong hợp đồng mua bán căn hộ thông thường đều có điều khoản về việc bên mua vi phạm các nghĩa vụ như nộp tiền chậm, không đến nhận bàn giao nhà đúng thời hạn nhưng đúng là hiếm khi chủ đầu tư lại “căng” tới mức thực hiện đúng các quy định này.
Đó chính là lý do khiến nhiều khách hàng lần nữa việc nhận nhà, nộp nốt tiền, nhất là những khách hàng không có nhu cầu sử dụng thực sự mà chỉ mua để đầu cơ. Lý do còn lại là khách hàng ỷ vào thị trường ảm đạm, chủ đầu tư cần khách hàng chứ khách hàng không cần chủ đầu tư.
“Đó là những suy nghĩ hết sức sai lầm. Chủ đầu tư nào khác tôi không biết nhưng tập đoàn FLC sẽ không nhân nhượng với những khách hàng cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ của mình. Thực tế chúng tôi đã gia hạn cho khách hàng đến 2 lần suốt từ tháng 6 tới nay và giờ là lúc chúng tôi không thể gia hạn thêm được nữa”, ông Trần Thế Anh bức xúc khẳng định.
Chủ đầu tư đã vượt tiến độ để giao nhà nhưng nhiều khách hàng lại chây ỳ không tới nhận, biểu hiện ngược đời của thị trường bất động sản hiện nay
|
Sự bức xúc của chủ đầu tư không phải không có lý, làm một phép tính nhân đơn giản có thể thấy với 300 căn hộ, mỗi căn còn nợ chủ đầu tư đợt nộp tiền cuối cùng là 30% giá trị căn hộ (tương đương trên dưới 1 tỷ đồng), tổng cộng chủ đầu tư đang phải “oằn lưng” gánh số nợ trên 200 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các căn hộ đã xong nhưng để không.
“Trong bối cảnh thị trường và doanh nghiệp bất động sản đều khó khăn, nhiều chủ đầu tư chậm tiến độ hàng năm trời thì tập đoàn FLC chúng tôi đã làm ngày làm đêm, tăng chi phí nhân công cho nhà thầu để dự án về đúng tiến độ. Chúng tôi đã giữ chữ tín với khách hàng, khách hàng cũng cần thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với chúng tôi”, ông Trần Thế Anh chia sẻ thêm.
Nếu như Tập đoàn FLC quyết xử lý công nợ theo đúng hợp đồng thì phần thiệt đương nhiên sẽ thuộc về khách hàng bởi có nhiều căn hộ, giá ghi trên hợp đồng rất thấp, chỉ dưới 20 triệu đồng/m2 ( trong khi giá trị thực của căn hộ đang được giao dịch trên thị trường là 25 triệu đồng/m2).
Anh Phương
pháp luật việt nam
|