S&P 500 đứt mạch tăng do nỗi lo toàn cầu
Đợt tăng điểm dài nhất trong 20 tháng của chỉ số S&P 500 đã phải tạm dừng trong ngày thứ Hai. Tăng trưởng GDP chậm hơn dự báo của nền kinh tế Nhật Bản như một lời cảnh tỉnh về những khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
Được biết, S&P 500 tăng tổng cộng 3% sau 6 phiên leo dốc liên tiếp trước đó, đợt tăng điểm dài nhất kể từ tháng 12/2010. Tuy nhiên, đà tăng dần suy yếu với việc chỉ số này dao động quanh các mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 5/2012. Hiện chỉ số này vẫn còn tăng 1.8% trong tháng 8.
Số liệu công bố ngày thứ Hai cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của Nhật Bản chỉ tăng 0.3%, thấp hơn một nửa so với kỳ vọng và làm gia tăng lo ngại về sức mạnh của đà phục hồi. Đồng thời nhấn mạnh đến tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đối với nhu cầu trên toàn thế giới.
Đặc biệt, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường, lao dốc hơn 7% xuống 13.70 điểm, mức thấp nhất trong hơn 5 năm. Đây là điều khá bất thường vì VIX thường có diễn biến ngược với S&P 500 và cho thấy nhà đầu tư không quá lo lắng về triển vọng thị trường.
Theo số liệu Thomson Reuters, tính đến ngày thứ Hai đã có 454 doanh nghiệp S&P 500 công bố lợi nhuận quý 2 và 68% đạt kết quả vượt kỳ vọng của giới phân tích, bằng với tỷ lệ bình quân trong 4 quý vừa qua.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 38.52 điểm (0.29%) xuống 13,169.43 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 1.76 điểm (0.13%) xuống 1,404.11 điểm. Ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite nhích 1.66 điểm (0.05%) lên 3,022.52 điểm.
Giao dịch kém sôi động với chỉ 4.5 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên ba sàn New York, American và Nasdaq; thấp hơn nhiều so mức trung bình hàng ngày năm ngoái là 7.84 tỷ cổ phiếu.
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 13/08:
Nguồn: VietstockFinance
|
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|