Thứ Tư, 29/08/2012 13:28

SHB bước vào cuộc sống ‘hậu M&A’

Hôm nay (29/8), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sau sáp nhập chính thức đi vào hoạt động. Là thương vụ điểm của hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng, song đánh giá sự thành công của thương vụ này có lẽ còn quá sớm.

Sáp nhập văn hóa, sắp xếp hệ thống

Hôm qua (28/8), tất cả chi nhánh Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) đã được thay biển hiệu thành SHB, báo hiệu thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB chính thức hoàn tất.

Theo quan sát, tại thời điểm quyết định sáp nhập chính thức có hiệu lực, hoạt động tại các chi nhánh của Habubank (cũ) vẫn diễn ra bình thường.

Đại diện SHB cho biết, không có biến động lớn về nhân sự, dòng tiền, cũng như khách hàng tại thời điểm sáp nhập, bởi quá trình sáp nhập đã diễn ra hơn 7 tháng qua. Hơn nữa, thông tin về quá trình mua bán, sáp nhập cũng được công bố rõ ràng, đầy đủ, nhất là về việc đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, nên khách hàng rất yên tâm.

Giám đốc một chi nhánh Habubank (cũ) cho hay: “Sau khi ngân hàng sáp nhập chính thức đi vào hoạt động, tất cả các chi nhánh của Habubank trước đây đều phải tuân thủ quy trình nghiệp vụ, công nghệ và văn hóa doanh nghiệp của SHB. Các phòng, ban có nghiệp vụ tương đồng sẽ được nhập làm một. Vị trí lãnh đạo các phòng, ban sẽ được phân chia lại. Một số nhân viên của Habubank khi sang SHB sẽ phải điều chuyển vị trí. Hiện tại, nhân viên của chi nhánh ngân hàng chúng tôi vẫn không thay đổi, song tâm lý anh em cũng dao động ít nhiều”.

Trước đó, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB khẳng định, sau sáp nhập, bộ máy tổ chức của Habubank sẽ phải hoạt động theo SHB. SHB cũng cam kết tiếp nhận toàn bộ nhân viên của Habubank, nhưng sẽ sắp xếp công việc theo năng lực của từng cán bộ, phù hợp với nghiệp vụ của SHB. Tương tự, các chi nhánh ngân hàng của Habubank (cũ) và SHB hiện vẫn được giữ lại hoàn toàn, chỉ thay biển hiệu. Sau một thời gian hoạt động, SHB sẽ đánh giá và thanh lọc các chi nhánh hoạt động không hiệu quả.

Hậu M&A mới quyết định thành bại

Đến thời điểm này, SHB đã chính thức gia nhập nhóm ngân hàng lớn nhất Việt Nam với vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 120.000 tỷ đồng, với trên 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh tại Campuchia, Lào cùng 5.000 công nhân viên. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, độ lớn của ngân hàng hậu sáp nhập không thể đánh giá theo phép cộng đơn thuần, mà phụ thuộc vào việc ngân hàng có phát huy được thế mạnh của ngân hàng sáp nhập, có xử lý được các rủi ro của ngân hàng yếu kém, có đủ năng lực quản trị một bộ máy bị phình to hơn rất nhiều hay không…

Lo lắng hậu sáp nhập không hẳn là không có cơ sở. Theo ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ Đầu tư Dragon Capital, hơn một nửa các vụ M&A không tạo ra giá trị gia tăng.

Ông Chu Việt Cường, cố vấn Ngân hàng HDBank cho rằng, M&A là cơ hội hoàn thiện mô hình kinh doanh của hai phía, nhưng ngân hàng không nên hướng tới gia tăng số lượng (tăng thanh khoản, tăng vốn, tăng mạng lưới…), mà nên tập trung tăng chất lượng.

Nhận xét về thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng thành công của thương vụ này rất cao. Thứ nhất, SHB đã có quá trình chuẩn bị rất kỹ cho quá trình sáp nhập, đặc biệt là xây dựng phương án xử lý nợ xấu. Thứ hai, ban điều hành Habubank đã dũng cảm dẹp bỏ cái tôi, nỗ lực sáp nhập để đảm bảo quyền lợi cổ đông. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ tích cực trước sáp nhập và đảm bảo thanh khoản sau sáp nhập. Thứ tư, sự ủng hộ của cổ đông và giới truyền thông…

Thế nhưng, thương vụ M&A giữa SHB và Habubank vẫn không thể là mẫu số chung cho mọi ngân hàng trong tái cơ cấu. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá: “M&A không phải cách khả thi nhất để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Quan trọng là hướng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo sự phân loại, trong đó tách bạch rõ giữa ngân hàng thuần túy thương mại dịch vụ tín dụng, thanh toán và ngân hàng đầu tư. Nếu sự tách bạch này được đặt ra rõ ràng trong lộ trình tái cấu trúc, cơ hội M&A của các ngân hàng nhỏ sẽ không nhiều và các ông chủ lớn, có tiền dài hạn, thực lực thật sự sẽ quan tâm nhiều hơn đến mô hình ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng nhỏ và hoạt động yếu kém sẽ phải có một cuộc ‘phá sản’, hoặc chỉ được kinh doanh theo hình thức nào đó được Ngân hàng Nhà nước cho phép”.

Hà Tâm

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   GBS: Tỷ lệ vốn khả dụng đến 30/06 đạt 190% (29/08/2012)

>   VFG thành lập chi nhánh TPHCM (29/08/2012)

>   CSG sẽ mua lại cổ phần của cổ đông phản đối việc giải thể (29/08/2012)

>   DTL: Soát xét 6 tháng, lãi ròng công ty mẹ giảm 90% (29/08/2012)

>   NHS: Lợi nhuận 6 tháng vượt kế hoạch năm, EPS đạt 6,403 đồng (29/08/2012)

>   CMV: BDO Việt Nam là đơn vị kiểm toán BCTC trong năm 2012 (29/08/2012)

>   AGF: Đầu tư 14.5 tỷ đồng lập Công ty con tại Mỹ (29/08/2012)

>   PXT: Lãi ròng soát xét 6 tháng đạt 4.4 tỷ đồng (29/08/2012)

>   PPS: Thông qua kế hoạch rút vốn khỏi PAIC (29/08/2012)

>   PV2: Giảm 94% kế hoạch lợi nhuận năm 2012 (29/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật