SBS và lộ trình thoái vốn của Ngân hàng mẹ Sacombank
Đưa ra chủ trương tăng cường thoái vốn tại các công ty con, từ sở hữu 100% vốn SBS, Ngân hàng mẹ Sacombank (STB) đã giảm dần sự ảnh hưởng đối với công ty này. Đến nay, Sacombank chỉ còn nắm giữ chưa tới 11% vốn tại SBS.
*SBS: Khởi tố hình sự và hé lộ những tình tiết nghi án
* SBS: Có hay không cuộc chơi làm giá cổ phiếu?
* SBS: 2 năm và hành trình giảm giá từ 42 xuống 4.2
Quá trình tăng vốn của SBS và Ngân hàng mẹ giảm tỷ lệ sở hữu từ 2006 – 2011 (tỷ đồng)
|
Vốn điều lệ hơn ngàn tỷ chưa đầy 1 năm sau thành lập
Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) ra đời vào cuối tháng 9/2006 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trực thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank – STB). Thời điểm này, SBS được phép thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh như Môi giới, Tự doanh, Lưu ký, Quản lý danh mục đầu tư, Bảo lãnh phát hành, Tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán.
Có thể thấy, thuở sơ khai doanh thu của công ty tập trung chủ yếu ở mảng tự doanh chứng khoán. Doanh thu thuần của công ty trong năm đầu tiên khá khiêm tốn khi chỉ đạt 10.5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.8 tỷ đồng.
Dưới sự hậu thuẫn mạnh của ngân hàng mẹ, chưa đầy một năm sau khi thành lập (tháng 8/2007), bằng cách góp bổ sung 800 tỷ đồng, SBS tăng vốn gấp 3 lần, lên 1,100 tỷ đồng, trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó.
Cũng trong năm 2007, hoạt động kinh doanh của SBS ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, doanh thu thuần đạt 279 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vọt lên 163.5 tỷ đồng.
Bước qua năm 2008, với nguồn vốn lớn được bổ sung thêm nhưng kết quả kinh doanh của SBS lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Doanh thu chỉ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 406 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 cùng kỳ.
Cổ phần hóa, Ngân hàng mẹ nắm giữ 81.2% vốn
SBS chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 1,100 tỷ đồng kể từ tháng 1/2010. Việc phát hành cổ phần để chuyển đổi hình thức hoạt động của công ty cuối cùng cũng thành công và mang lại 300 tỷ đồng cho ngân hàng mẹ Sacombank sau nhiều rắc rối khi thay đổi phương án cổ phần hóa. Theo đó, Sacombank đã thực hiện chào bán riêng lẻ 18.8% phần vốn SBS đang nắm giữ cho cán bộ chủ chốt (8.8% vốn) và đối tác chiến lược (10% vốn).
|
Vốn điều lệ: 1,100 tỷ đồng
Tỷ lệ nắm giữ của Sacombank: 81.2%
|
Theo cơ cấu cổ đông của SBS chốt tại ngày 14/4/2010, Sacombank đã giảm nắm giữ xuống còn 71.42 triệu cp (64.93% vốn).
|
Vốn điều lệ: 1,100 tỷ đồng
Tỷ lệ nắm giữ của Sacombank: 64.9%
|
Năm 2009, năm cổ phần hóa - năm tiền đề để chuẩn bị lên sàn - ghi nhận kết quả kinh doanh đỉnh điểm của SBS. Theo BCTC kiểm toán 2009, doanh thu của công ty đạt 770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 254 tỷ đồng, gấp 8 lần năm trước.
Tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng mẹ giảm qua 2 lần tăng vốn
Những ngày đầu tháng 7/2010, SBS chính thức bước sang trang sử mới khi đưa 110 triệu cổ phiếu niêm yết phiên đầu trên Sở GDCK TPHCM, với giá tham chiếu 38,000 đồng/cp, trở thành công ty chứng khoán thứ ba góp mặt tại HOSE.
Qua tháng 8, SBS đã hoàn thành việc phát hành 2.85 triệu cp cho đối tác chiến lược là CTCP Đầu tư Sài Gòn Thương tín với giá 35,000 đồng/cp, nâng vốn điều lệ lên 1,128.5 tỷ đồng. Sau phát hành, mặc dù khối lượng cổ phần SBS mà Ngân hàng mẹ Sacombank nắm giữ không thay đổi (71.42 triệu cp) nhưng tỷ lệ vốn sở hữu đã giảm xuống còn 63.3%.
|
Vốn điều lệ: 1,128.5 tỷ đồng
Tỷ lệ nắm giữ của Sacombank: 63.3%
|
Cũng trong năm 2010, SBS còn thực hiện phát hành 13.81 triệu cp để chào bán cho cổ đông hiện hữu (trừ Ngân hàng mẹ Sacombank) với giá 15,000 đồng/cp. Vốn điều lệ SBS theo đó tăng lên 1,266.6 tỷ đồng; tỷ lệ sở hữu của Sacombank vào cuối năm 2010 là 56.39%.
|
Vốn điều lệ: 1,266.6 tỷ đồng
Tỷ lệ nắm giữ của Sacombank: 56.39%
|
Như vậy, chỉ trong vòng chưa tới 5 năm, vốn điều lệ của SBS đã tăng vọt 4 lần so với lúc mới thành lập. Riêng tầm ảnh hưởng của Sacombank tại SBS ngày càng giảm dần khi chuyển từ nắm giữ 100% xuống 56.39%.
Ngoài tăng vốn, nhằm đáp ứng vốn cho các hoạt động (repo, margin loan, cầm cố, ứng trước), SBS cũng liên tục phát hành trái phiếu. Chỉ trong 4 tháng cuối năm này, SBS đã phát hành thành công gần 2,000 tỷ đồng trái phiếu.
Với nguồn vốn dồi dào nhưng hiệu quả kinh doanh của SBS không tương xứng. Cùng với biến động bất thường của thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh sau khi niêm yết bắt đầu xuất hiện những bước rạn nứt, lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh. Cụ thể, lãi sau thuế giảm đến 60% so với năm 2009, chỉ đạt 101.4 tỷ đồng, hoàn thành phân nửa kế hoạch điều chỉnh (180 tỷ đồng).
Dồn dập thoái vốn, Ngân hàng mẹ chỉ còn nắm giữ 10.95%
Ngay tại thời điểm trước khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2011 (âm 164 tỷ đồng) - là quý đầu tiên và cũng là quý mở màn cho chuỗi kết quả kinh doanh thua lỗ ngày càng trầm trọng của SBS - Ngân hàng mẹ Sacombank đã tiến hành bán ra 9.42 triệu cp SBS vào ngày 13/06/2011, giảm sở hữu từ 56.39% xuống còn 48.95%. Giải thích về điều này, Sacombank cho biết đây là chủ trương thoái vốn tại các công ty con, không riêng gì SBS, đã được thông qua Đại hội thường niên trước đó.
|
Vốn điều lệ: 1,266.6 tỷ đồng
Tỷ lệ nắm giữ của Sacombank: 48.9%
|
Không dừng lại ở đó, vào ngày 11/11/2011, STB tiếp tục bán thỏa thuận 48.13 triệu cổ phiếu SBS, tỷ lệ sở hữu lúc này chỉ còn 10.95% (*).
|
Vốn điều lệ: 1,266.6 tỷ đồng
Tỷ lệ nắm giữ của Sacombank: 10.95%
|
Nếu tính theo giá thị trường tại thời điểm đó thì hai đợt chào bán cổ phiếu này mang về cho Ngân hàng mẹ hơn 300 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2011, SBS công bố kết quả kinh doanh gây chấn động khi con số lỗ lên đến 788 tỷ đồng. Tính đến hết quý 1/2012, lợi nhuận chưa phân phối của SBS âm hơn 1,424 tỷ đồng, vượt quá vốn đầu tư chủ sở hữu.
Hiện cổ phiếu SBS đã bị đưa vào diện kiểm soát, chỉ còn được giao dịch 15 phút cuối phiên kể từ ngày 23/07.
Đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2012, thị trường chứng kiến sự rút lui hàng loạt của các lãnh đạo SBS khi Ngân hàng mẹ Sacombank chuyển giao quyền lực cho nhóm cổ đông mới. Các thành viên HĐQT mới của SBS bao gồm ông Kiều Hữu Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Phạm Nhật Vinh, ông Võ Duy Đạo, bà Nguyễn Hải Tâm và ông Hoàng Mạnh Tiến.
Mặc dù việc chuyển giao quyền lực tại SBS diễn ra trong êm ả, song áp lực đối với dàn lãnh đạo mới là cực kỳ lớn trong bối cảnh tình hình tài chính của công ty này đang hết sức rối ren.
Và câu hỏi về vai trò của Ngân hàng mẹ đã được các cổ đông chất vấn tại Đại hội thường niên 2012 của Sacombank vừa qua. Tại Đại hội, ông Lê Hùng Dũng - Đại diện nhóm cổ đông mới cho biết đã có tìm hiểu ban đầu khoản lỗ tại SBS là do biến động của thị trường. Còn những nguyên nhân khác thì ông Dũng xin cổ đông cho thêm thời gian.
|
------------------------------------
(*) Hai nhân vật đã mua số lượng cổ phần trên là bà Phạm Thị Nhật Thanh (23.18 triệu cp, tương đương 18.3% vốn) và nhà đầu tư Nguyễn Như Khánh (25 triệu cp, tương đương 19.74% vốn). Trước khi giao dịch, cả 2 nhà đầu tư này đều chưa nắm giữ cổ phần SBS.
Bội Mẫn (Vietstock)
FFN
|