PVF đàm phán sáp nhập với WesternBank
Hôm nay (15/08) các đại diện hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán để "chốt" thương vụ chuyển nhượng cổ phần WesternBank vào PVF. Trước đó, PVF cho biết, mục tiêu của công ty này sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng thương mại.
Theo nguồn tin của Dân trí, sáng nay (15/8), các đại diện từ Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (HOSE: PVF) và Ngân hàng Phương Tây (WesternBank - WEB) đã ngồi đàm phán với nhau để "chốt" về vấn đề sáp nhập.
Phía PVF cho biết, buổi đàm phán sẽ diễn ra trong cả ngày 15/8 và dự kiến đến sáng mai sẽ có kết quả chính thức. Tuy nhiên, đại diện này từ chối đưa ra các thông tin cụ thể và cho biết, các bên sẽ tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc công bố thông tin ra công chúng.
Như vậy, nếu việc chuyển nhượng cổ phần của WesternBank sang PVF thành công thì đây sẽ là thương vụ M&A tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam kể từ sau hai vụ sáp nhập SCB (3 ngân hàng: SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa - TinNghiaBank, Ngân hàng Đệ Nhất - Ficombank) và Ngân hàng TMCP Sài gòn Hà Nội (SHB - HBB).
Hiện tại, nhóm công ty do ông Đặng Thành Tâm đứng đầu đang là cổ đông lớn của WesternBank. Cụ thể, tỉ lệ sở hữu của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tại Western Bank là 8,85% vốn điều lệ, của CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Mã SGT) là 6,27% vốn điều lệ.
PVF hiện có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng và WesternBank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay, PVF sẽ tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng.
Việc PVF có ý định chuyển đổi thành ngân hàng thương mại đã từng được ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVF đưa ra trước đó trong buổi gặp gỡ báo chí hồi tháng 4.
Theo đó, việc chuyển đổi này có thể thực hiện thông qua việc PVF thực hiện hợp nhất với một ngân hàng thương mại.
Tại thời điểm ông Bảo công bố thông tin trên, Tổng giám đốc PVF cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã làm việc với công ty để đặt vấn đề mua cổ phần hoặc mua trái phiếu.
Vấn đề của việc chuyển đổi này nằm ở chỗ, nếu PVF chuyển đổi thành công mô hình sang ngân hàng thương mại, thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ có cổ phần tại hai ngân hàng (PVF và Oceanbank). Như vậy, PVN buộc phải thoái vốn khỏi một ngân hàng hoặc hợp nhất hai ngân hàng này lại với nhau.
Kết thúc quý II, PVF đạt tăng trưởng tín dụng 0,37%, nợ xấu tại thời điểm 30/6, theo báo cáo tài chính của công ty là 3,22%. Lãi của công ty đạt 170 tỉ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2011. PVF phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 42 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước được hoàn nhập 12 tỉ đồng.
Mới đây, tại buổi họp báo hôm 9/7, ông Phùng Đình Thực, chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN có cho biết, tập đoàn đang đề xuất sẽ giữ lại 20% vốn tại PVF thay vì phải thoái hoàn toàn. Đồng thời, muốn nắm 18% vốn tại PVI.
Cụ thể, PVF đóng vai trò là đơn vị thu xếp vốn cho tập đoàn, trong khi PVI giúp tập đoàn bảo hiểm những rủi ro trong quá trình khai thác dầu khí nên nếu coi thoái vốn hoàn toàn thì sẽ gây khó khăn cho PVN.
Trong lộ trình tái cấu trúc các Tập đoàn Nhà nước, Chính phủ yêu cầu các Tập đoàn, trong đó có PVN, dần tiến tới việc thoái toàn bộ cổ phần ra khỏi các đơn vị tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Hiện PVN đang báo cáo Chính phủ, trường hợp không được đồng ý thì PVN sẽ phải thực hiện đúng theo lộ trình thoái hoàn toàn 100%. Nếu được thông qua, PVN vẫn giữ vốn tại PVF và PVI.
Về vấn đề sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng, tại nghị trường Quốc hội vừa rồi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đến cuối tháng 6, hoàn tất đề án xử lý cho tất cả 9 ngân hàng yếu kém. Sau đó, trao đổi với Dân trí, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng đã xác nhận, NHNN đã có đề án sáp nhập của các ngân hàng này.
Mai Chi
Dân trí
|