PVA: Cổ đông nội bộ lũ lượt "thoát hàng"?!
Dễ nhận thấy hiện tượng thoát hàng của hàng loạt cổ đông nội bộ của CTCP TCty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (HNX: PVA) khi xem báo cáo quản trị bán niên 2012. Có 11 trường hợp bán ra và không hề mua vào cổ phiếu nào, dù trong đăng ký có “vừa mua, vừa bán”, 2/3 số trường hợp này đã thoát sạch cổ phiếu.
Đứng đầu danh sách này là Chủ tịch Phan Hải Triều, đã bán ra 90% số cổ phiếu ít ỏi của mình (từ 404,800 cp xuống còn 54,800 cp). Nay, Chủ tịch lại đăng ký bán tiếp 30,000, kèm theo Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Bảng đăng ký bán 50,000 cổ phiếu khiến nhà đầu tư hoài nghi sẽ đặt câu hỏi lớn về việc có hay không những rủi ro còn ẩn mặt đằng sau kết quả kinh doanh tương đối huề vốn hiện nay của công ty?!
Giao dịch của cổ đông nội bộ PVA và người liên quan trong 6 tháng đầu năm 2012
Nguồn: Báo cáo quản trị bán niên 2012 của PVA
|
Với 257 tỷ đồng vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/03/2012, tổng tài sản 2,306 tỷ đồng nhưng PVA nợ đến gần 2,000 tỷ đồng, hoạt động trong bối cảnh thị trường địa ốc đang đóng băng khá dài và chưa có hướng ra. Công ty đang phải đối mặt với một số khó khăn, thậm chí rủi ro cả hiện tại và tương lai.
Rủi ro đầu tiên và chưa công khai là một lượng lãi vay lớn vẫn còn nằm đâu. Công ty đang có dư nợ vay trả lãi gần 1,000 tỷ đồng vào cuối năm 2011 và cuối quý 1/2012, nhẩm tính với lãi suất 20% năm, chỉ tính cho năm 2011 thì ít nhất PVA phải trả trên 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, số phí trả lãi vay theo BCTC hợp nhất 2011 lại chưa tới 50 tỷ đồng, vậy số lãi vay còn lại ở đâu? Nếu đưa số lãi “còn treo” này vào chi phí sẽ đưa công ty đến thực trạng không còn vốn chủ sở hữu. Rủi ro về lãi vay này không dừng lại trong hiện tại mà sẽ lớn dần theo thời gian.
Sản phẩm dở dang của PVA lên đến 1,010 tỷ đồng vào 31/03/2012, chưa phát sinh hiệu quả trả nợ và lãi. Sản phẩm dở dang chủ yếu là tòa tháp Dầu khí Nghệ An và dự án đổi mới công nghệ, thiết bị nhà máy xi măng (mỗi dự án gần 500 tỷ đồng). Triển vọng trước mắt của hai dự án này gặp nhiều khó khăn vì bất động sản tại Nghệ An còn đóng băng sâu hơn Hà Nội và TPHCM. Xi măng cũng gặp khó khăn lớn vì khủng hoảng thừa, giá thấp, nhất là khó khăn sẽ tăng gấp bội đối với nhà máy xi măng vay nợ lớn đầu tư. Bài học từ ảnh hưởng của Xi măng Cẩm Phả lên hiệu quả hoạt động của Vinaconex vẫn còn đó trên thị trường. Nếu tình hình không cải thiện, dần theo thời gian, “lãi treo đâu đó” sẽ vượt xa vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.
Một rủi ro chung của ngành bất động sản là mặt bằng giá giảm nhiều so với trước đóng băng. Khi sử dụng vốn vay vào xây dựng địa ốc, giá thành sẽ cao hơn nhiều thị giá, đẩy đơn vị đến rủi ro về giá sản phẩm và khó khăn về thanh khoản.
Khi vốn đầu tư chưa phát huy hiệu quả để thu hồi vốn (bán được nhà trả nợ), đơn vị sẽ phải đối đầu với áp lực đòi nợ từ những chủ nợ, thậm chí nợ chuyến sang quá hạn với lãi suất phạt 150% lãi suất trong hạn. Trong hoàn cảnh bị áp lực nợ đến hạn trả và lãi vay lớn, đơn vị thường bế tắc trong kinh doanh do không còn vốn.
Đơn vị vay dài hạn hơn 700 tỷ đồng theo dự án đầu tư thiết bị thi công xây lắp nhưng lại sử dụng vào mục đích khác (xây tòa tháp Dầu khí và đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất xi măng) thì còn một rủi ro có thể xảy ra nữa, đó là ngân hàng được quyền thu hồi vốn ngay bằng biện pháp chuyển nợ quá hạn vốn vay sử dụng sai mục đích.
Một khó khăn khác mà PVA đang gặp phải là nợ phải thu quá lớn (cuối quý 1/2012 là 638 tỷ đồng). Đây đa phần là dạng hỗ trợ, đầu tư, cho vay các công ty con, công ty bạn nên việc thu hồi là khó và không thể nhanh. Vì vốn chủ sở hữu thấp nên nguồn của những khoản này là công ty vay nợ hoăc chiếm dụng từ doanh nghiệp khác, là những khoản vốn công ty đang bị áp lực phải thanh toán trước tình hình thiếu vốn trong toàn nền kinh tế.
Mối quan tâm cần đặt ra, trong cơ cấu nợ phải trả thì nợ ngắn hạn của đơn vị chiếm khoảng 50%, với hơn 1,000 tỷ đồng (1,035 tỷ đồng vào cuối quý 1/2012). Đây sẽ là áp lực cấp bách và ảnh hưởng nhiều đến tình hình hiện nay của đơn vị khi những khoản vốn đầu tư, cho đơn vị khác nợ chưa thấy hướng thu hồi rõ nét. Áp lực này cũng thể hiện khi khi tiền và tương đương tiền của đơn vị từ 241 tỷ đồng của đầu năm 2011 nay giảm mạnh, chỉ còn 44 tỷ đồng vào cuối năm 2011 rồi đến 39 tỷ đồng vào cuối quý 1/2012.
Trước những khó khăn này, thị trường sẽ trân trọng những nỗ lực của lãnh đạo đơn vị trong việc tìm hướng thoát khỏi khó khăn hơn là tranh thủ thoái vốn. Một số lối thoát cũng đã được đưa ra như thoái vốn khỏi công ty xi măng dầu khí, tìm thanh khoản cho bất động sản của công ty. Tuy nhiên, tính hiện thực và hiệu quả vẫn còn phía trước.
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
FFN
-------------------------------------------
Bài viết cùng tác giả:
* Tương lai nào cho THV?
* Tháng Tám – TTCK trước ngã ba đường
* Tháng 7: Bức tranh thị trường chứng khoán đang rõ dần
* Cảm giác mạnh với cổ phiếu khoáng sản
* Tháng 5: Nỗi trăn trở trên sàn chứng khoán!
|