Niên vụ 2012-2013: Thừa đường, lo hướng xuất khẩu
Sau 3 vụ sản xuất suy giảm, niên vụ 2011 – 2012, 39 nhà máy đường đã sản xuất đủ đường cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhưng sang niên vụ 2012 – 2013, ngành đường lại lo dư thừa và ngay bây giờ đã phải bàn biện pháp để xuất khẩu.
Đây là nhận định của lãnh đạo Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị tổng kết quả sản xuất mía đường vụ 2011 – 2012, được tổ chức vào sáng 10/8 tại Hà Nội.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2011 – 2012, sản lượng mía ép công nghiệp của cả nước đạt 14,5 triệu tấn, sản xuất được trên 1,3 triệu tấn đường (tăng 13,5% tương đương với gần 160 nghìn tấn so với vụ trước).
“Đây là sản lượng cao kỷ lục trong lịch sử ngành đường Việt Nam”, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá.
Kết quả trên là nhờ diện tích vùng nguyên liệu mía của cả nước đã tăng hơn vụ trước gần 12 nghìn ha và năng suất mía bình quân tăng 1,2 tấn/ha so với vụ trước, lên 61,7 tấn/ha.
Bước sang niên vụ 2012 – 2013, với diện tích tiếp tục tăng (đạt 300 nghìn ha) và năng suất bình quân tăng (63 tấn/ha), dự báo lượng đường sản xuất còn tăng cao hơn và vượt nhu cầu tiêu dùng đường trong nước. Theo kế hoạch sản xuất của 40 nhà máy trong niên vụ mới thì sản lượng mía ép là 16,7 triệu tấn và sản lượng đường dự kiến đạt 1,59 triệu tấn.
Trong khi đó, mức tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,4 triệu tấn, cộng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch năm 2013 là 74 nghìn tấn dẫn tới cung lớn hơn cầu trên 200 nghìn tấn.
Đó là chưa kể đến lượng đường nhập lậu, lượng đường được sản xuất tại một số nhà máy đường của Việt Nam ở Lào, Campuchia đi vào hoạt động xin nhập đường vào Việt Nam nên việc tiêu thụ đường trong nước năm 2013 là một áp lực lớn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần chia sẻ.
Trước tình hình này, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, Đoàn Xuân Hoà cho hay, để đảm bảo sản xuất đường trong nước bền vững phải có kế hoạch giải quyết lượng đường dư trong năm 2013.
“Cần xây dựng ngay phương án, kế hoạch xuất khẩu đường năm 2013 để kiến nghị với Chính phủ các giải pháp, cơ chế điều hành, chủ động xuất khẩu hết lượng đường dư thừa”, ông Hoà nói.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã đồng ý cho ngành đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc để giảm lượng đường tồn kho trong nước.
Về tình hình tiêu thụ tính đến giữa tháng 7/2012, tổng lượng đường các nhà máy bán ra đạt trên 1,21 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước 160 nghìn tấn.
Ước tính, với lượng đường dư thừa còn khoảng 240 nghìn tấn, tính đến 15/7, cộng với lượng đường 70 nghìn tấn sẽ nhập khẩu theo hạn ngạch vừa được Bộ Công Thương cấp cho các doanh nghiệp, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu đường trong nước đến hết tháng 10/2012.
Tùy Phong
tbktsg
|