Thứ Hai, 20/08/2012 19:23

Nhiều doanh nghiệp "quên" trích lập dự phòng

Để có con số lợi nhuận khả quan trong 6 tháng, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã không trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản phải thu, nợ khó đòi, và cả các rủi ro do đầu tư tài chính mang lại. Điều này đã được phản ánh qua báo cáo soát xét bán niên vừa được các doanh nghiệp nộp về hai sở giao dịch chứng khoán vừa qua.

Báo cáo của một số doanh nghiệp đã nộp nổi lên các ngoại trừ, lưu ý từ công ty kiểm toán, và đây là điều khác với tình hình mọi năm. Đồng thời nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do dòng tiền bị ách tắc vì hàng tồn kho, nợ khó đòi tăng, các khoản đầu tư đã bỏ vốn mà chưa mang lại lợi nhuận; trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp bị ghi ý kiến ngoại trừ vì không trích lập dự phòng đầy đủ.

Cụ thể như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT), công ty có lãi ròng 6 tháng đầu năm gần 97 tỉ đồng, riêng quí 2 lỗ 85 triệu đồng. Trong báo cáo soát xét, Deloitte đồng ý với các số liệu trong báo cáo tài chính 6 tháng của công ty, nhưng cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản công nợ phải thu đối với Công ty Derya Tecaret Ltd với số tiền 4,85 tỉ đồng chưa được trích lập đầy đủ dự phòng phải thu khó đòi. Theo Deloitte, số tiền dự phòng trích thiếu là 3,36 tỉ đồng, vì vậy, nếu trích đủ thì chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ tăng lên và lợi nhuận trước thuế giảm đi tương ứng.

Công ty cổ phần Mirae (KMR) cũng bị công ty kiểm toán American Auditing (AA) ghi ý kiến ngoại trừ do không trích dự phòng khoản phải thu do quá hạn thanh toán của cổ đông lớn là Fiber Tech. Theo ý kiến của AA, ban giám đốc cho biết sẽ thu hồi được khoản nợ này vào cuối kỳ kế toán (31-12-2012) nên không trích lập. AA cho biết nếu công ty trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi theo hướng dẫn tại Thông tư 228 ngày 7-12-2009 của Bộ Tài chính thì giá trị phải trích lập là 47,33 tỉ đồng, và như vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và nguồn vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống tương ứng 47,33 tỉ đồng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Đầu tư, Xây dựng và Khai thác mỏ Vinavico (CTM), Công ty cổ phần VICEM vật liệu xây dựng Đà Nẵng (DXV), Công ty cổ phần Viễn thông Thăng Long (TLC)… cũng có những khoản ngoại trừ liên quan đến việc trích lập dự phòng thiếu các khoản phải thu, hay đầu tư tài chính, rủi ro tỷ giá.

Đa phần trong báo cáo, các công ty kiểm toán đều nêu rõ do báo cáo soát xét có mức độ kiểm soát lại thông tin tài chính của công ty, “mức độ đảm bảo thấp hơn báo cáo kiểm toán”, và chỉ đảm bảo báo cáo tài chính của doanh nghiệp không có những sai sót trọng yếu. Vì vậy, báo cáo soát xét mang đến tính tham khảo cho nhà đầu tư là nhiều, không có những ràng buộc về chuẩn kế toán nhiều như báo cáo kiểm toán.

Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, trường Đại học Kinh tế TPHCM, việc báo cáo soát xét bán niên được đưa ra là nhằm giúp cho nhà đầu tư lưu ý các số liệu, hay các khoản ngoại trừ, mà có thể đến cuối năm, khi kết thúc kỳ báo cáo, các khoản trên sẽ gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp đó. Trên thực tế, báo cáo soát xét khác với báo cáo tài chính ở chỗ các báo cáo này không có sự xác minh các khoản phải thu, chậm thanh toán, các khoản bị chiếm dụng, hay nợ khó đòi từ phía công ty kiểm toán.

Ông Chí cho rằng đến kỳ báo cáo, doanh nghiệp mới buộc phải trích lập dự phòng đối với các khoản hàng tồn kho, dự phòng nợ khó đòi, giảm giá đầu tư chứng khoán nên nếu doanh nghiệp chưa trích trong 6 tháng thì là trích thiếu, nhưng không vi phạm quy định về trích lập. Tuy vậy, ông Chí cho rằng các khoản ngoại trừ này là điều đáng lưu ý nhất trong báo cáo soát xét 6 tháng, vì nó phản ánh phần nào tình hình tài chính của doanh nghiệp và dự báo được kết quả cả năm của doanh nghiệp đó.

Thực tế, nhiều công ty không trích lập dự phòng để thấy các khoản lãi lớn vẫn nằm trên báo cáo, nhưng nếu trích lập đúng thì chẳng những không có lãi mà còn có thể lỗ. Ông Chí cho rằng việc trích lập này sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm đóng thuế, nhưng nhiều công ty vẫn chấp nhận đóng thuế cao để giấu đi các khoản lỗ và tiềm tàng lỗ, vì lo ngại ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên sàn. Vì vậy, ông Chí cho rằng nhà đầu tư không nên chỉ xem báo cáo tài chính mà còn phải xem thái độ làm báo cáo của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp thực sự trung thực, báo cáo của họ sẽ sớm ghi nhận các khoản lãi, lỗ và dự phòng đẩy đủ theo quy định.

Thanh Thương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Thái Hòa: 'Chúng tôi mới lỗ 370 tỷ đồng' (20/08/2012)

>   TNG: Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn (20/08/2012)

>   VFMVFA: Thay đổi giá trị tài sản ròng từ 09/08 đến 16/08 (20/08/2012)

>   HAP: Giải trình BCTC hợp nhất Q2/2012 (20/08/2012)

>   VTC: BCTC bán niên công ty mẹ năm 2012 (20/08/2012)

>   SHI thành lập chi nhánh tại Nghệ An (20/08/2012)

>   Chứng khoán Việt Tín: Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2012 (20/08/2012)

>   Chứng khoán Tân Việt: BCTC bán niên năm 2012 (20/08/2012)

>   PRUBF1: Thay đổi giá trị tài sản ròng từ 09/08 đến 16/08 (20/08/2012)

>   VFMVF1: Thay đổi giá trị tài sản ròng từ 09/08 đến 16/08 (20/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật