Thứ Sáu, 24/08/2012 16:01

Hơn 21,000 tấn vàng đang ở đâu trên thế giới?

Hiện giá vàng đang đứng ở mức cao nhất trong 4 tháng. Trên thực tế, giá kim loại quý có thể tiếp tục khả quan trong dài hạn vì nhu cầu vàng vật chất đang trên đà gia tăng trong khi nguồn cung vàng trên thị trường đang suy giảm.

Hơn nữa, giá vàng còn được hỗ trợ bởi động thái mua vàng của các ngân hàng trung ương (NHTW) dù mục đích của các ngân hàng này là đa dạng hóa và tái cân bằng kho dự trữ ngoại hối hay bảo vệ tài sản quốc gia. Trong một số trường hợp, động thái của các NHTW còn có mục đích là quốc tế hóa đồng tiền của mình. Trong quý 2/2012, các NHTW mua 157.5 tấn vàng, tăng gần 63% so quý 1 và nhảy vọt 137.9% so cùng kỳ năm ngoái.

Sau đây là danh sách 10 quốc gia có kho dự trữ vàng chính thức lớn nhất thế giới dựa trên số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Được biết, tổng lượng vàng dự trữ của 10 quốc gia này là 21,364 tấn. Ngoài ra, còn có số liệu về tỷ trọng vàng trong kho dự trữ ngoại hối. Thỏa thuận vàng Ngân hàng trung ương (CBGA) là cam kết mà NHTW châu Âu (ECB) thay mặt cho 15 NHTW đưa ra nhằm khống chế lượng vàng bán ra hàng năm. Trong đó, CBGA 1 có thời hạn từ ngày 27/09/1999 - 26/09/2004, CBGA 1 từ 27/09/2004 - 26/09/2009 và CBGA 3 từ tháng 9/2009 - tháng 9/2014.

10. Ấn Độ

  • Dự trữ vàng chính thức: 557.7 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 9.8%

Được biết đến với việc mua vàng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và xem vàng là một kênh đầu tư an toàn nhưng hiếm khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ tiết lộ kế hoạch mua vàng của mình.

9. Hà Lan

  • Dự trữ vàng chính thức: 612.5 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 60.2%

Năm 1999, Hà Lan tuyên bố sẽ bán 300 tấn vàng trong 5 năm theo CBGA 1 nhưng nước này chỉ bán được 235 tấn. Theo CBGA 2, Hà Lan cho biết sẽ bán tổng cộng 165 tấn vàng (bao gồm 65 tấn còn lại từ CBGA 1) và tuyên bố không bán vàng theo CBGA 3.

8. Nhật Bản

  • Dự trữ vàng chính thức: 765.2 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 3.1%

Năm 1950, dự trữ vàng của Nhật Bản chỉ có 6 tấn nhưng đến năm 1959, NHTW nước này lần đầu tiên gia tăng đáng kể lượng vàng nắm giữ khi mua thêm 169 tấn so với năm trước. Năm 2011, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bán vàng để bơm 20 ngàn tỷ JPY vào nền kinh tế nhằm trấn an nhà đầu tư sau thảm họa động đất và sóng thần.

7. Nga

  • Dự trữ vàng chính thức: 918.0 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 9.2%

Từ năm 2006 đến nay, Nga đã đều đặn gia tăng dự trữ vàng nhằm đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối và đưa đồng rúp trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Tính đến cuối tháng 7/2012, dự trữ vàng của Nga có tổng trị giá 48.7 tỷ USD.

6. Thụy Sỹ

  • Dự trữ vàng chính thức: 1,040.1 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 14.2%

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, năm 1997 Thụy Sỹ công bố đề xuất bán một phần vàng dự trữ vì số vàng này được xem là không còn cần thiết đối với chính sách tiền tệ. Theo đó, nước này bắt đầu bán 1,300 tấn vàng được xem là dư thừa vào tháng 5/2000; bao gồm 1,170 tấn được bán theo CBGA 1 và 130 tấn được bán theo CBGA 2. Thụy Sỹ cho biết sẽ không bán vàng theo CBGA 3.

5. Trung Quốc

  • Dự trữ vàng chính thức: 1,054.1 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 1.6%

Vàng vẫn còn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong kho dự trữ ngoại hối có tổng giá trị 3.2 ngàn tỷ USD của Trung Quốc, thấp hơn cả mức bình quân toàn cầu là 10%. Theo Financial Times, tăng cường dự trữ vàng sẽ là một động thái quan trọng đối với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh đang tiến hành quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và đưa đồng tiền này trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

4. Pháp

  • Dự trữ vàng chính thức: 2,435.4 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 71.6%

Pháp bán 572 tấn vàng theo CBGA 2. Ngoài ra, nước này còn chuyển nhượng khoảng 17 tấn cho Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vào cuối năm 2004 để mua cổ phần của BIS. Pháp đã không công bố bất kỳ kế hoạch bán vàng nào theo CBGA 3.

3. Ý

  • Dự trữ vàng chính thức: 2,451.8 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 71.3%

Ý không bán vàng theo CBGA 1 hoặc CBGA 2 và tuyên bố sẽ không bán vàng theo CBGA 3. Tuy nhiên trong năm 2011, các ngân hàng nước này tìm cách bán vàng cho Ngân hàng Trung ương Ý để để củng cố bảng cân đối kế toán trước khi diễn ra đợt thanh tra ngân hàng (stress test).

2. Đức

  • Dự trữ vàng chính thức: 3,395.5 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 71.9%

Đức đã bán vàng theo CBGA 1 và CBGA 2 để đúc đồng xu vàng làm kỷ niệm. Trong năm đầu tiên của CBGA 3 (2008 - 2009), Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đã bán xấp xỉ 6 tấn vàng. Kể từ ngày 07/09/2011 đến nay, Bundesbank đã bán thêm 4.7 tấn vàng. Đến thời điểm hiện tại, Đức vẫn từ chối sử dụng kho dự trữ vàng để gia tăng nguồn vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF).

1. Mỹ

  • Dự trữ vàng chính thức: 8,133.5 tấn
  • Tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối: 75.1%

Mỹ luôn là nước có kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới xét về khối lượng kể từ năm 1952. Khi đó, dự trữ vàng của Mỹ đạt tổng cộng 20,663 tấn. Năm 1968 đánh dấu lần đầu tiên dự trữ vàng của Mỹ rớt mốc 10,000 tấn.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Giảm mạnh, vàng lùi xuống quanh mốc 44 triệu đồng (24/08/2012)

>   Vàng vượt 1,670 USD/oz lên cao nhất 4 tháng (24/08/2012)

>   Quyết định 1623 về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN (23/08/2012)

>   Thông tư 24: TCTD không được huy động và cho vay vàng (23/08/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước sắp xử lý biến động giá vàng? (23/08/2012)

>   Tác động từ việc Trung Quốc tăng dự trữ vàng (23/08/2012)

>   Tăng từng phút, giá vàng tiến về mốc 45 triệu đồng/lượng (23/08/2012)

>   Thị trường sau việc bắt "bầu" Kiên: Cú sốc của tâm lý đám đông (23/08/2012)

>   Vàng vượt 1,650 USD/oz nhờ khả năng Fed sớm kích thích tiền tệ (23/08/2012)

>   Đổ tiền vào vàng: Dấu hiệu của những rủi ro (23/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật