Thứ Sáu, 24/08/2012 17:10

DPM: Cạnh tranh bằng lợi thế về chất lượng và hệ thống phân phối sản phẩm

Ông Nguyễn Hồng Vinh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) cho biết, theo dự kiến trong những năm tới, Tổng công ty sẽ xuất khẩu 200.000 – 300.000 tấn mỗi năm, đóng góp khoảng 25% doanh thu, lợi nhuận chung của Tổng công ty.

Ông Nguyễn Hồng Vinh
Ông Nguyễn Hồng Vinh

1. Từ năm 2013, các dự án mở rộng công suất hoặc xây mới như Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Đạm Ninh Bình bắt đầu đi vào hoạt động, với tổng công suất của riêng hai nhà máy này đã là 1 triệu tấn, vượt quá nhu cầu về phân đạm của khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ. Các nhà máy này lại có lợi thế về vị trí địa lý so với Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Vậy Tổng công ty đã chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt tại khu vực này như thế nào?

Đúng vậy. Tuy nhiên, sản phẩm Đạm Hà Bắc chỉ mới được tiêu thụ ở một số khu vực nhất định, do công suất hiện tại của nhà máy này là 170.000 tấn/năm trong khi nhu cầu của khu vực phía Bắc ước tính khoảng 600.000 tấn/năm. Do đó khi tăng công suất thì Đạm Hà Bắc phải giành thị trường tại những khu vực mới. Đối với sản phẩm của nhà máy Đạm Ninh Bình, đây là sản phẩm mới được đưa ra thị trường nên người dân chưa biết đến nhiều. Bên cạnh đó, với chiến lược xây dựng hệ thống phân phối bền vững, rộng khắp các vùng miền trên cả nước, cộng với việc thương hiệu Đạm Phú Mỹ đã được khẳng định, Tổng công ty sẽ vẫn đảm bảo được lượng hàng tiêu thụ đạt kế hoạch đề ra.

2. Từ năm 2013 Tổng công ty dự kiến tiêu thụ bao nhiêu tấn phân Đạm Phú Mỹ tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ?

Theo kế hoạch cho năm 2013, Tổng công ty dự kiến sẽ cung cấp với khối lượng đảm bảo cho khu vực miền Bắc khoảng 25% thị phần và khu vực miền Trung khoảng 67% thị phần.

3. Được biết Tổng công ty đã rất tích cực tìm kiếm thị trường nước ngoài để mở hướng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau. Xin ông cho biết kết quả đã đạt được đến đâu, và mục tiêu đặt ra cho các năm sắp tới?

Từ năm 2012 trở đi, khi Nhà máy Đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm), Nhà máy Đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm) và dự án mở rộng công suất của Nhà máy Đạm Hà Bắc đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất đạm lên 2,6 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ ở mức dưới 2 triệu tấn.

Trước tình hình đó, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, Tổng công ty đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng và thị trường quốc tế. Hiện tại, Tổng công ty đã ký một số thỏa thuận nguyên tắc với các khách hàng lớn để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã mở chi nhánh ở Campuchia và VPĐD ở Myanmar nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở hai thị trường tiềm năng này.

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã xuất khẩu được 50.820 tấn qua một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Phillipines (30.100 tấn). Riêng thị trường Campuchia từ đầu năm đến nay đã xuất được 5.770 tấn. Thị trường Myanmar mới xuất được 200 tấn với mục đích thăm dò thị trường.

Nhờ có vị trị địa lý thuận lợi, nằm gần vùng tiêu thụ phân bón lớn như Thái Lan, Campuchia, Phillippines, Myanmar nên Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn những nguồn hàng từ Trung Đông và các nước vùng Baltic.

4. Về thị trường Myanmar, được biết đây là một thị trường rất tiềm năng, nhưng cũng rất khó khăn do Myanmar đóng cửa quá lâu. Trong tình hình đó, Tổng công ty dự kiến khi nào sẽ xuất khẩu phân bón với khối lượng lớn sang Myanmar?Việc xuất khẩu này có những khó khăn gì cần vượt qua?

Cũng giống như Việt Nam, Myanmar có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp. Trong nông nghiệp, ngành chủ đạo của Myanmar vẫn là trồng lúa với khoảng 60% diện tích đất canh tác, tương đương 8 triệu ha nên đây là một thị trường hết sức tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu này cũng gặp nhiều khó khăn như:

- Chính sách trợ giá của chính phủ Myanmar đối với mặt hàng phân bón.

- Sự cạnh tranh quyết liệt của phân bón có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc.

- Hệ thống logistics còn chưa phát triển, chi phí cao.

- Hệ thống tài chính – ngân hàng yếu kém.

- Nguồn ngoại tệ dành cho nhập khẩu rất hạn hẹp.

- Chính phủ vẫn thực hiện cấp phép nhập khẩu theo chuyến nên thủ tục thường rất chậm.

- Kỹ thuật canh tác nông nghiệp của Myanmar còn lạc hậu, chưa quen sử dụng phân hoá học.

Tổng công ty đặt ra mục tiêu sẽ xuất khẩu với số lượng lớn qua thị trường này bắt đầu từ năm 2014 sau khi các nhà máy sản xuất phân bón ở Việt Nam đi vào hoạt động ổn định và đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước.

5. Được biết Thái Lan phải nhập 100% phân bón, lại có nền kinh tế phát triển hơn nhiều so với Myanmar và Campuchia, vậy tại sao Tổng công ty không chọn Thái Lan làm hướng đi chính?

Thị trường Thái Lan có đặc thù riêng, sử dụng 100 % urea hạt đục nên khả năng xuất khẩu urea hạt trong của Đạm Phú Mỹ sang đó là không khả thi hoặc phải bán giá thấp để cạnh tranh và tạo thói quen sử dụng mới cho nông dân. Trong khi nhu cầu nhập khẩu urea hạt trong từ các nước khác trong khu vực còn rất lớn nên Tổng công ty vẫn chưa lựa chọn phương án xuất khẩu sang Thái Lan là hướng đi chính.

Tuy nhiên, khi nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu khu vực Miền Tây, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu urea hạt đục Đạm Cà Mau sang các thị trường lân cận, đặc biệt là Thái Lan nơi có nhu cầu urea hạt đục cao và có lợi thế về vị trí địa lý.

6. Xin ông cho biết thêm, chiến lược cạnh tranh chính của Tổng công ty là gì? Đâu là lợi thế cạnh tranh của Tổng công ty khi tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế?

Về chiến lược cạnh tranh chính, Tổng công ty tập trung sử dụng chiến lược về chất lượng và hệ thống phân phối.

Về mặt chất lượng, Tổng công ty luôn đề cao vấn đề này và coi đây là vấn đề tiên quyết tạo nên thương hiệu Đạm Phú Mỹ và các tài sản thương hiệu khác của Tổng công ty, đảm bảo luôn cho ra những sản phẩm có chất lượng cao nhất, đúng như cam kết chất lượng của Tổng công ty với khách hàng về sản phẩm của mình.

Tổng công ty cũng đã thiết lập hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, với nòng cốt là 4 công ty con tại các vùng thị trường trọng điểm, quản lý các chi nhánh, đại lý cấp 1 và cấp 2, cùng với hệ thống kho trung chuyển có sức chứa hiện đại đạt hơn 215.000 tấn, đảm bảo cung ứng hàng hóa ổn định và linh hoạt với giá cả cạnh tranh. Chi nhánh tại Campuchia cũng bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống phân phối tại đây từ năm 2011 và Văn phòng đại diện tại Myanmar cũng sẽ sớm chính thức được khai trương trong năm nay.

Ngoài việc cung cấp hàng đảm bảo chất lượng cao nhất, Tổng công ty còn cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho nông dân như bảo hiểm an nông, thực hiện mô hình trình diễn, tư vấn cách sử dụng giống, kỹ thuật chăm bón… từ đó tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm của Tổng công ty.

Đối với thị trường trong khu vực và quốc tế, ngoài việc chất lượng sản phẩm của Tổng công ty không thua kém gì sản phẩm các nước khác, Việt Nam có vị trí hết sức thuận lợi, giao thông thuận tiện, gần gũi với các nước có nhu cầu sử dụng phân bón lớn trong khu vực như Thái Lan, Phillippines, Myanmar, Campuchia...

Khi Việt Nam chưa thể xuất khẩu phân bón, các quốc gia này phải nhập khẩu hàng từ Trung Đông hoặc vùng Baltic với thời gian vận chuyển từ 40-60 ngày/chuyến hàng trong khi thời gian vận chuyển từ Việt Nam chỉ khoảng 3-5 ngày. Cước phí vận chuyển từ Việt Nam so với việc vận chuyển từ các khu vực khác cũng thấp hơn rất nhiều. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong quá trình mở rộng thương hiệu và thị trường sang các nước khu vực Đông Nam Á.

7. Ông có thể so sánh giữa lợi nhuận bán hàng tại Việt Nam và xuất khẩu? Đâu là những rào cản chính đối với sản phẩm của Tổng công ty tại các thị trường khu vực và quốc tế?

Dù bán hàng trong nước hay xuất khẩu, chúng tôi luôn đảm bảo nguyên tắc tiêu thụ hiệu quả và mang lại lợi nhuận hợp lý.

Sản phẩm của chúng tôi được sản xuất từ khí thiên nhiên với công nghệ vượt trội nên chất lượng tốt hơn hẳn sản phẩm được sản xuất từ than đá. Đến nay chúng tôi chưa gặp phải rào cản hoặc khó khăn gì khi cạnh tranh với các nguồn hàng khác.

8. Xin ông cho biết trong những năm tới, thị trường xuất khẩu sẽ đóng góp như thế nào vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty?

Theo dự kiến trong những năm tới, Tổng công ty sẽ xuất khẩu 200.000 – 300.000 tấn mỗi năm, đóng góp khoảng 25% doanh thu, lợi nhuận chung của Tổng công ty.

Xin cảm ơn Ông!

Bản tin Nhà đầu tư DPM

Các tin tức khác

>   MAC: Giảm lỗ 184 triệu đồng sau soát xét (24/08/2012)

>   MTG: Giá gas tăng, năm nay sẽ có lãi (24/08/2012)

>   FDG: Giải trình lợi nhuận Cty Mẹ quý 2 lời gần 2 tỷ đồng (24/08/2012)

>   FDG: Giải trình lỗ hợp nhất 21 tỷ đồng (24/08/2012)

>   GSP: HĐQT giao chỉ tiêu lợi nhuận cả năm gần 50 tỷ đồng (24/08/2012)

>   PTC: 6 tháng lỗ hợp nhất 27 tỷ đồng (24/08/2012)

>   SAV mua lại tài sản thanh lý của Savi Furniture (24/08/2012)

>   SAV bán hơn 360 m2 Khu thương mại Nguyễn Phúc Nguyên (24/08/2012)

>   HBC: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 11 (24/08/2012)

>   NBS: Bản công bố thông tin (24/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật