Doanh nghiệp xoay xở trong nợ nần
Tại một công ty ngành xây dựng, nhớ cách nay chừng nửa năm, khi mới nhận quyết định bổ nhiệm, sáng đến văn phòng là tổng giám đốc bật nhạc, kêu nhân viên pha càphê, lướt tin tức trước khi lướt văn bản, giấy tờ, họp hành… Nay, tổng giám đốc này tâm sự, thấy số điện thoại lạ không dám nghe, thậm chí phải tắt cả máy, vì sợ bị… đòi nợ!
Chưa có một thống kê chính thức, đầy đủ nào về tổng giá trị nợ nần giữa các doanh nghiệp với nhau, nhưng theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, mức độ “xấu” còn hơn nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Nơm nớp lo bị… đòi nợ
Ở công ty kể trên, dự án mới không có, dự án cũ cái nào cũng dở dang vì thiếu vốn. Chủ đầu tư chậm thanh toán, doanh nghiệp phải khất lần khất hồi các nhà thầu phụ. Khoản bị đối tác nợ cũng vài chục tỉ đồng, nhưng chưa biết bao giờ thu hồi đủ. Trong khi, tổng số tiền nợ ngân hàng, nợ đối tác, nợ lương cán bộ nhân viên… lên đến hàng trăm tỉ đồng. Thế nên, có đồng nào về tài khoản, các ngân hàng phong toả sạch, chỉ giải ngân nhỏ giọt đủ để trả một phần lương cán bộ, nhân viên.
Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp một doanh nghiệp trong ngành cơ khí vừa được mời làm giám đốc một công ty cùng ngành, cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi công ty mới có khoản nợ khó đòi, thậm chí nguy cơ mất trắng xấp xỉ chục tỉ đồng. Do vậy, tuy được thăng chức nhưng vị giám đốc này lúc nào cũng canh cánh mối lo: thị trường xuất khẩu gần như đóng băng, thị trường trong nước bị hàng Trung Quốc, Thái Lan chèn ép, công ty chỉ mong cầm cự đủ trả lương nhân viên, khoản thâm hụt hàng chục tỉ đồng kia bao giờ bù đủ!
Hai doanh nghiệp nói trên chỉ là lát cắt nhỏ trong bức tranh chung về tình hình tài chính của cộng đồng doanh nghiệp. Từ trước đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ nào về khoản nợ xấu giữa các doanh nghiệp với nhau. Theo một chuyên gia tài chính, nhìn một khía cạnh nào đó, nợ xấu của doanh nghiệp còn nguy hiểm hơn nợ xấu của hệ thống ngân hàng, bởi một lẽ, hầu hết khoản nợ xấu của ngân hàng đều được bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Trong khi đó, doanh nghiệp nợ nhau, giá trị bảo đảm thường chỉ là bản hợp đồng, trong đó có không ít trường hợp chỉ là hợp đồng… miệng.
Có cơ hội là chiếm dụng
Tập trung đi đòi nợ, song giám đốc một công ty cổ phần chuyên nhập khẩu máy móc nông nghiệp tại quận Đống Đa, Hà Nội than thở: “Nợ nhiều thu chưa được bao nhiêu!” Sản phẩm là máy móc nông nghiệp nên khách hàng rải rác khắp các tỉnh. Khách hàng hứa tới hứa lui, nhưng cả mấy tháng mà chưa đòi được đồng nào, lý do như nhau là bị bạn hàng nợ, thị trường đầu ra khó khăn. Giám đốc cho biết: “Nhập hàng về là chúng tôi phải thanh toán 100% cho đối tác nước ngoài. Đối tác trong nước, giỏi thì thanh toán trước được 30% giá trị hợp đồng, 30% là vốn của công ty, còn lại phải vay vốn ngân hàng. Cứ ba tháng một, công ty lại đau đầu lo thu xếp đáo hạn hợp đồng vay vốn, lo nhất ngân hàng không cho đáo hạn”. Từ cuối năm ngoái, để chắc ăn, công ty nhập hàng về, bạn hàng phải thanh toán 100% giá trị hợp đồng mới giao hàng. Nhưng cũng chính vì vậy mà từ đầu năm đến nay, công ty có hai lô hàng nhập về phải nằm đắp chiếu ở kho ngoại quan, mỗi ngày phải trả tiền lưu kho, bãi, cộng lãi ngân hàng.
“Vay ngân hàng không trả được là mất tài sản thế chấp, nên họ còn có động lực trả nợ. Còn doanh nghiệp vay – nợ lẫn nhau, không phải trả lãi, ràng buộc lại thiếu chặt chẽ, nên nhiều khi có tiền họ cũng không trả, thậm chí cố tình chiếm dụng”, vị giám đốc này kết luận.
Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cho rằng, không dễ để xử lý câu chuyện nợ nần của doanh nghiệp với nhau. Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ bán hàng, cung cấp dịch vụ khi đối tác có sẵn tiền mặt và thanh toán 100% giá trị hợp đồng, song điều này cũng khiến thị trường càng co cụm, bài toán tồn kho khó giải. Biện pháp bảo lãnh qua ngân hàng cũng khó khả thi, bởi doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ này cũng phải có tài sản thế chấp, mặt khác ngân hàng cũng hạn chế đáng kể để lo xử lý nợ xấu. “Chỉ khi nền kinh tế bớt khó khăn, thị trường có đầu ra, doanh nghiệp phục hồi, doanh nghiệp mới bớt đi gánh nặng nợ nần. Còn hiện nay, đại đa số doanh nghiệp phải chấp nhận sống chung nợ nần và mỗi doanh nghiệp phải có biện pháp, cách thức xử lý riêng”, ông Nghĩa nói.
Thảo Nguyễn
sài gòn tiếp thị
|