Thứ Sáu, 10/08/2012 10:46

Doanh nghiệp nhà nước cắt lỗ?

Trong danh sách 254 doanh nghiệp SCIC công bố thoái vốn năm nay, chủ yếu toàn loại nhỏ và siêu nhỏ, vốn 5-20 tỉ đồng, có công ty vốn 1 tỉ đồng, loại dưới 5 tỉ đồng không hiếm. Có đơn vị nằm trong danh sách đã vài năm, thuộc dạng siêu tồn kho, để bán được phải khuyến mãi cao. Nhưng SCIC lại không có cơ chế khuyến mãi, nên đành chịu.

Từ cuối năm ngoái, Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thông báo bán cổ phần nhà nước tại Công ty nhựa Tân Tiến (TTP-Hose). Giá bán được SCIC đưa ra 52.000 đồng/cổ phiếu. TTP là doanh nghiệp làm ăn tương đối hiệu quả, giá trị sổ sách khá cao. Tuy nhiên từ đó đến nay SCIC vẫn chưa bán được vì thị giá của TTP trên sàn chỉ xoay quanh 25.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Trong đại hội cổ đông TTP năm 2012, đại diện SCIC than phiền thị trường xuống quá, thị giá cổ phiếu TTP thấp hơn giá trị sổ sách, khiến kế hoạch thoái vốn không thể thực hiện. Nếu ai đó có nhu cầu TTP, họ có thể lên sàn mua với giá thấp hơn giá chào bán của Nhà nước. SCIC sẽ phải tiếp tục đợi nếu không muốn hạ giá bán.

Hiện tượng giá cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách đã trở nên phổ biến trên cả ba sàn, kể cả UpCom, nên cơ chế thoái phải bảo toàn và phát triển vốn của SCIC sẽ khó áp dụng lúc này. Đấy là với doanh nghiệp tốt, còn những đơn vị không tốt, SCIC cũng thoái với giá tối thiểu bằng mệnh giá, thử hỏi sao có thể tiến hành nhanh, thành công? Trong danh sách 254 doanh nghiệp SCIC công bố thoái vốn năm nay, chủ yếu toàn loại nhỏ và siêu nhỏ, vốn 5-20 tỉ đồng, có công ty vốn 1 tỉ đồng, loại dưới 5 tỉ đồng không hiếm. Có đơn vị nằm trong danh sách đã vài năm, thuộc dạng siêu tồn kho, để bán được phải khuyến mãi cao. Nhưng SCIC lại không có cơ chế khuyến mãi, nên đành chịu.

Muốn bán được hàng, thông thường nhà sản xuất, chủ đầu tư phải đặt mình ở vị trí người mua. Những công ty vốn 3-4 tỉ đồng, nếu không có gì hấp dẫn, người ta có xu hướng chung vốn thành lập một doanh nghiệp mới, chứ không đi mua lại, vì không hiểu rõ thực chất món hàng ra sao. Người mua cẩn trọng sẽ vào khảo sát sổ sách, đối chiếu công nợ, hiệu quả kinh doanh, rồi mới ngã giá, nghĩa là mất thời gian. Mà mua của SCIC đâu có thể làm thế. SCIC công bố bán, phát hành bản cáo bạch, báo cáo tài chính, thông tin chỉ có vậy, ai mua thì đăng ký đấu giá. Bỏ giá cao thì trúng, đơn giản.

Thế nên các đợt đấu giá, bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của Tổng công ty vài năm nay tiến triển chậm chạp. Nhiều trường hợp thông báo bán rồi để đó, vì không có người đăng ký tham gia.

Bất chấp thời gian và sự biến đổi của kinh tế, cơ chế thoái vốn Nhà nước bao năm nay không hề thay đổi. Nguyên tắc chủ đạo bảo toàn và phát triển vốn được áp dụng cho mọi doanh nghiệp, mọi tầm cỡ, qui mô, ngành nghề, mọi cung bậc hiệu quả kinh doanh. Khi thị trường tài sản sôi động, cơ chế này còn có thể phát huy tác dụng. Nay thị trường tài sản trầm lắng, thanh khoản đóng băng, tình trạng chiếm dụng vốn, nợ nần lẫn nhau của doanh nghiệp nhà nước ngày một nhiều và công khai, cơ chế thoái vốn cũ trở nên lỗi thời.

Hơn bất cứ lúc nào, thời điểm này đòi hỏi tái cấu trúc khối quốc doanh là tiền đề, là một phần không thể thiếu của tái cấu trúc nền kinh tế. Xử lý nợ xấu không chỉ là câu chuyện của ngân hàng, nó còn là vấn đề nóng của doanh nghiệp. Xử lý nợ không phải là che đậy, hay phát tán nó sang những nơi khác, mà tìm ra những nơi tiêu thụ, nói cách khác là phải có người mua. Giống như một con phố nhiều rác, những công ty nợ chất chồng phải có công ty vệ sinh môi trường dọn dẹp. Với những người chủ này, rác không thể làm gì, nhưng với những người chuyên xử lý rác, họ có thể chế biến rác thành những nguyên liệu đầu vào hữu ích cho ngành nghề nào đó chẳng hạn.

Đã đến lúc phải thay đổi nguyên tắc cơ bản trong thoái vốn, trong cải cách doanh nghiệp nhà nước! Nguyên lý thị trường hàng chất lượng, mẫu mã đẹp giá cao; hàng không chất lượng, hay chất lượng kém thì giá thấp. Cơ chế thoái vốn cũng vậy. Một doanh nghiệp treo giá 10.000 đồng/cổ phiếu mà nhiều năm không bán được, thì nên hạ xuống, hạ cho đến khi có người mua, cung cầu gặp nhau, còn hơn cứ để đó, vận hành lỗ lã, ngân sách lại phải bỏ thêm tiền để duy trì sự sống lay lắt của nó.

Một phương cách là bán kèm. Doanh nghiệp tốt mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối được bán kèm doanh nghiệp xấu. Như thế giá của hai đơn vị có thể bù trừ cho nhau. Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước phải thoái vốn ngoài ngành đang mong muốn có được cơ chế này.

Cách linh hoạt là cho phép thực hiện một cơ chế cắt lỗ đối với những khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận cả hiện tại lẫn tương lai, đặc biệt khi khoản đầu tư đó hình thành từ vốn vay và đang phải ngày giờ trả lãi. Thí dụ tập đoàn Điện lực EVN đang có khoản đầu tư vào Công ty chứng khoán An Bình. Nếu cứ nhất nhất phải thoái bằng giá vốn, tức mệnh giá, bao giờ EVN mới tìm được người mua? Nhưng nếu được phép cắt lỗ, bán dưới giá thành, sẽ thu hút được những tổ chức “kền kền”. Số tiền thu được EVN có thể trả nợ bớt ít nhiều cho PetroVietnam, cho Vinacomin để những tập đoàn này đến lượt mình, trả những khoản nợ của chính họ. Từ đây tài sản chuyển động, dòng tiền chuyển động và cân đối nợ nần của khối quốc doanh sẽ nhẹ nhàng hơn.

Thay đổi một cơ chế đã tồn tại bao năm nay như cơ chế bảo toàn vốn, đã bám trụ, ăn sâu trong đầu giới quản lý, vốn gắn với trách nhiệm và việc qui trách nhiệm sau này (nếu có) trong doanh nghiệp nhà nước, chắc chắn sẽ không dễ dàng. Một sự thí điểm trong giới hạn doanh nghiệp và giới hạn thời gian là điều có thể chấp nhận. Nếu sự thay đổi một cơ chế có thể tái khởi động cả tiến trình cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, làm trơn tru lộ trình thoái vốn ngoài ngành và góp phần xử lý nợ xấu, thì đáng nhận được sự quan tâm.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   SQC: Ông Đặng Thành Tâm đã bán xong 22 triệu cổ phiếu (10/08/2012)

>   MHC: Con trai Thành viên HĐQT Bùi Đình Quý đăng ký mua 700,000 cp (09/08/2012)

>   Thực hư HSBC “tháo chạy” khỏi Tập đoàn Bảo Việt (09/08/2012)

>   CMX: Con gái Chủ tịch mua thỏa thuận 1.32 triệu cp (09/08/2012)

>   KDC: Người có liên quan đến Thành viên HĐQT Vương Ngọc Xiềm chưa bán cổ phiếu (09/08/2012)

>   COM: Saigon Petro muốn nâng sở hữu lên 30.3% (09/08/2012)

>   RDP: Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Lam đăng ký mua 2.5 triệu cp (09/08/2012)

>   STB: Phó TGĐ Nguyễn Minh Tâm giao dịch và CBTT không đúng quy định (09/08/2012)

>   LAS: Vợ Phó TGĐ Nguyễn Thành Công bán 13,300 cp (09/08/2012)

>   CMX: Chị của người CBTT tiếp tục đăng ký bán hết 10,700 cp (09/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật