Chứng khoán Tuần 20 - 24/08: Vì sao đảo chiều ngoạn mục vào cuối tuần?
Thị trường đã có phiên đảo chiều hết sức ngoạn mục về cuối tuần, sau nhiều sự kiện làm rúng động giới tài chính chứng khoán.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 20.08 - 24.08.2012
Giao dịch: Bất chấp phiên đảo chiều ngoạn mục vào cuối tuần, VN-Index tính tổng cộng cả tuần vẫn giảm 7.78% và đang ở mức 399.72 điểm; trong khi HNX-Index giảm đến 10.29% xuống 63.11 điểm. VS 100 giảm 9.13% đang ở 63.06 điểm và VN30 giảm 9.05% đứng tại 472.75 điểm.
VS-Mid Cap giảm điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 8.14%, tiếp theo là VS-Large Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap giảm lần lượt 7.66%, 7.13% và 7.09%.
Hoạt động bắt đáy tích cực giúp thanh khoản trên hai sàn tăng vọt. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng 82.8% so với tuần trước; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng tăng mạnh đến 84.3%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, tâm lý giới đầu tư hưng phấn với nhiều kỳ vọng về xu hướng tích cực của thị trường nhờ các chỉ số trụ vững trên ngưỡng kháng cự và dòng tiền đầu cơ đã xuất hiện trở lại.
Mặc dù vậy, thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) bị bắt và khởi tố vì tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật Hình sự công bố vào sáng ngày 21/08 đã làm rúng động thị trường.
ACB, STB, EIB - những cổ phiếu được cho là có liên quan mật thiết với Bầu Kiên bị bán tháo mạnh nhất. Hoạt động bán tháo đã nhanh chóng lan tỏa và ảnh hưởng đến hàng loạt cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán... Cổ phiếu đồng loạt giảm giảm sàn với dư bán hàng triệu cổ phiếu được treo trên bảng điện. Các chỉ số mất điểm mạnh và dễ dàng lùi sâu khỏi những ngưỡng hỗ trợ.
Thống kê của chúng tôi cho thấy chỉ trong vòng 3 ngày sau thông tin Bầu Kiên bị bắt, VN-Index đã sụt giảm 44.46 điểm, tương đương 10.2%; HNX-Index mất đến 9.42 điểm, tương đương 13.3%. Giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam cũng đã sụt giảm mạnh mẽ khi mất gần 65,300 tỷ đồng, tương ứng với hơn 3.1 tỷ USD.
Tuy vậy, như đề cập, việc thị trường giảm mạnh đã kích thích lực cầu bắt đáy bùng nổ và giúp thanh khoản được cải thiện đáng kể trong những phiên giao dịch này.
Phiên giao dịch cuối tuần, thị trường hồi sinh trở lại sau chuỗi ngày sụt giảm thê thảm sau khi thông tin ông Lý Xuân Hải bị bắt được chính thức công bố. Các chỉ số bật tăng mạnh trở lại, giao dịch diễn ra sôi động. ACB vẫn là cổ phiếu trung tâm khi dẫn đầu xu hướng hồi phục của thị trường.
Phiên đảo chiều ngoạn mục của thị trường vào cuối tuần bắt nguồn từ:
(1) Lòng tham của giới đầu tư tăng cao khi giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn sau 3 phiên giảm mạnh liên tục.
(2) Khối ngoại bắt đáy tích cực khiến cho giới đầu tư trong nước nóng ruột.
(3) Hoạt động của ACB dường như đã ổn định trở lại sau chuỗi ngày căng thẳng.
(4) NHNN, UBCKNN và các cơ quan quản lý có hàng loạt động thái giúp xoa dịu tâm lý hoang mang của nhà đầu tư.
(5) Thông tin ông Lý Xuân Hải bị bắt được chính thức công bố giúp ”trút” gánh nặng đè lên giới đầu tư trong những phiên đầu tuần. Thông tin này cũng đã được thảo luận và được hấp thụ vào đợt sụt giảm trước đó.
(6) Ngoài ra, thông tin CPI tháng 8 tăng trở lại ở mức 0.63% so với tháng 7 dường như cũng khiến cho giới đầu tư bớt lo ngại về tình trạng giảm phát của nền kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài: Trái ngược với tâm lý hoang mang cực độ của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại đã đẩy mạnh gom mua cổ phiếu trên cả hai sàn. Giao dịch tích cực của khối ngoại đã phần nào giúp giảm bớt lo ngại của giới đầu tư.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại tăng mạnh với hơn 343 tỷ đồng. Lực mua ròng của khối ngoại tập trung mạnh nhất vào DPM với 62.5 tỷ đồng, tiếp theo là GAS với 57.6 tỷ đồng, MBB với 42.3 tỷ đồng, DRC với 27.9 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất PGD chỉ với 6.1 tỷ đồng, tiếp theo là STB với 6 tỷ đồng.
Trên HNX, thay vì bán ròng như 2 tuần gần đây thì khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng với giá trị mua ròng đạt 27.8 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất LAS với gần 4.7 tỷ đồng và DBC với 3.7 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất PVX với 4.5 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 23/08 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK bán ròng mạnh gần 5.5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 86.6 tỷ đồng.
Khối tự doanh các CTCK cũng có vẻ hoảng loạn sau thông tin Bầu Kiên bị bắt được công bố. Trước đó, các CTCK đã có 2 tuần mua ròng liên tục.
Cổ phiếu đáng chú ý: Mặc dù hồi thị trường phục về cuối tuần nhưng tất cả 24/24 ngành đều có tuần giảm điểm.
Dẫn đầu mức giảm là nhóm ngành Bảo hiểm với mức giảm 11.09%, trong khi CNTT-Truyền thông là ngành giảm nhẹ nhất với mức giảm 2.56%.
Các ngành nóng cũng có tuần ”thê thảm” khi Khai khoáng, Xây dựng, Chứng khoán, Ngân hàng và Bất động sản giảm mạnh lần lượt 10.37%, 9.89%, 9.76%, 9.36% và 8.61%.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE: SBS giảm 20.43%, LCM giảm 17.73%, HQC giảm 17.65%; trên HNX: KHB giảm 23.21%.
SBS giảm mạnh 20.43%. Ngoài yếu tố thị trường, việc giảm mạnh của SBS có thể xuất phá từ kết quả báo cáo soát xét đặc biệt được công bố không mấy tốt đẹp. Theo đó, tổng lỗ lũy kế của SBS đến thời điểm 30/06/2012 là 1,772 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với mức lỗ 764 tỷ đồng hồi cuối năm 2011. Vốn chủ sở hữu âm 256 tỷ đồng, thay vì dương 753 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.
LCM giảm mạnh 17.73% trong tuần qua khi không có thông tin nào mới liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty này. Do đó, mức giảm mạnh của LCM chủ yếu do tác động chung của xu hướng thị trường.
HQC giảm mạnh 17.65% trong tuần qua bất chấp KQKD hợp nhất không đến nỗi tệ nếu so sánh với các công ty cùng ngành. Tổng doanh thu 6 tháng/2012 đạt 93.6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 10.2 tỷ đồng. Do đó, việc sụt giảm của HQC có thể do bị ảnh hưởng chung từ thị trường.
KHB là cổ phiếu giảm mạnh nhất trên HNX với mức giảm 23.21%. Lý do có thể là: (1) Bị ảnh hưởng của thị trường chung khi hàng loạt cổ phiếu khác cũng bị bán sàn. (2) Trưởng Ban kiểm soát cùng Uỷ viên HĐQT đăng ký bán cũng tác động mạnh tâm lý giới đầu tư. (3) Tới thời điểm này, KQKD quý 2 của KHB vẫn “nằm trong vòng bí mật”.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trong tuần qua là BTP, khi cổ phiếu này tăng 9.38%. Nguyên nhân có thể xuất phát từ kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2012 đột biến khi đạt 56.3 tỷ đồng, tăng gấp 4.6 lần so với cùng kỳ.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|