Thứ Sáu, 17/08/2012 19:09

Chứng khoán Tuần 13 - 17/08: Large Cap tích cực, VN-Index vượt ngưỡng kháng cự thành công!

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu Large Cap, VN-Index đã trụ vững trên ngưỡng kháng cự quan trọng. Mặc dù vậy, tâm lý thận trọng vẫn hiện diện trên thị trường. Khối tự doanh đã liên tục mua ròng trong 2 tuần gần đây. 

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 13.08 - 17.08.2012

Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng 1.85% và đang ở mức 433.25 điểm; trong khi HNX-Index chỉ nhích 0.01% lên 70.35 điểm. VS 100 tăng 1.08% đang ở 69.04 điểm và VN 30 tăng 1.97% đứng tại 515.55 điểm.

Chỉ duy nhất VS-Large Cap tăng điểm trong tuần qua với mức tăng 2.52%, trong khi VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap giảm lần lượt 0.04%, 0.27% và 0.93%.

Thanh khoản trên hai sàn giảm trở lại. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm 2.12% so với tuần trước, và nếu loại bỏ ảnh hưởng đột biến của giao dịch MBB thì thanh khoản trên HOSE giảm mạnh 16.2%. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm mạnh 24.3%.


Hai chỉ số thị trường tiếp tục có tuần diễn biến trái chiều khi VN-Index có mức tăng khá tốt còn HNX-Index gần như đứng yên.

Đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index trong tuần giao dịch qua vẫn chủ yếu đến từ những trụ cột quen thuộc như VNM, MSN, VIC, GAS, DPM, VCB, MBB, EIB... khi các cổ phiếu này thay phiên nhau tăng điểm trong tuần. Đây cũng là động lực chính giúp chỉ số VN-Index  vượt qua và trụ vững trên ngưỡng kháng cự 430 điểm.

Mặc dù thị trường đã vượt qua ngưỡng cản 430 nhưng tâm lý giới đầu tư vẫn chưa thực sự có sự cải thiện; giao dịch thận trọng vẫn hiện diện trong hầu hết các phiên trong tuần. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho chỉ số HNX-Index gần như đứng yên trong tuần qua. Tâm lý thận trọng của giới đầu tư được thể hiện qua:

(1) Mức độ lan toả của đà tăng chưa rộng khi số nhóm ngành tăng điểm không thực sự chiếm ưu thế.

(2) Sự yếu ớt của dòng tiền đầu cơ thể hiện qua sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Bất động sản, Xây dựng...

(3) Hoạt động trading trong phiên diễn ra thường xuyên hơn.

Phiên giao dịch cuối tuần, tâm lý giới đầu tư có phần thoải mái hơn, thể hiện qua mức tăng khá đồng đều của cả hai chỉ số và số cổ phiếu tăng điểm đã chiếm ưu thế trong phiên giao dịch này. Động lực tăng điểm trong phiên cuối tuần có sự góp sức đáng kể của khối ngoại khi họ mua mạnh ở hàng loạt cổ phiếu dẫn dắt như GAS, DPM, CTG...

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại dường như đã giảm bớt sự e dè khi gia tăng giao dịch và mở rộng mua ròng trên HOSE trong tuần qua. Đích nhắm của họ vẫn chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu trụ cột của thị trường. Điều này đã phần nào tác động tích cực đến tâm lý giới đầu tư và giúp chỉ số VN-Index tăng điểm trong tuần qua.

Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại tăng mạnh với hơn 125 tỷ đồng. Lực mua ròng của khối ngoại tập trung mạnh nhất vào GAS với 55.7 tỷ đồng, có thể xuất phát từ việc cổ phiếu này được đưa vào rổ tính MSCI Frontier Markets Index từ ngày 31/8. Ngoài ra, họ còn tập trung khá mạnh vào MBB với 39.2 tỷ đồng, VIC với 18.7 tỷ đồng, DPM với 15.9 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất PGD chỉ với 5.8 tỷ đồng, tiếp theo là VCB với 4.6 tỷ đồng.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên HNX với giá trị bán ròng đạt 20.8 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất PLC với gần 10 tỷ đồng và PVS với 5.3 tỷ đồng; trong khi mua ròng mạnh nhất VND với 2.4 tỷ đồng, và DXP với 1.4 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK:Trong tuần tính đến hết ngày 16/08 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK mua ròng hơn 1.3 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 30 tỷ đồng.

Như vậy, khối tự doanh đã liên tục mua ròng trong 2 tuần gần đây. Mặc dù khối lượng cổ phiếu chưa gia tăng nhiều nhưng giá trị mua ròng đã gia tăng đáng kể. Điều này cho thấy các CTCK đang có sự dịch chuyển trong việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư.

Theo đó, giá trị trung bình cổ phiếu mua vào trong tuần qua ở đạt gần 23,000 đồng/cổ phiếu, cho thấy các CTCK đang nhắm tới các cổ phiếu ở nhóm Mid Cap và Large Cap nhiều hơn, phù hợp với xu hướng thì trường trong tuần qua.

Cổ phiếu đáng chú ý: Mặc dù cả 2 chỉ số thị trường đều tăng nhưng số ngành tăng điểm chưa thể lấn lướt khi chỉ có 9/24 ngành tăng điểm trong tuần giao dịch qua.

Dẫn đầu mức tăng điểm là SX Dược phẩm với mức tăng 5.12%. Tiếp theo là SX Thực phẩm- Đồ uống tăng 4.05% và Tiện ích công tăng 4.00%.

Ngân hàng và Khai khoáng lọt vào nhóm tăng điểm khi tăng lần lượt 0.39% và 0.18%. Trong khi đó, các ngành nóng còn lại như Chứng khoán, Bất động sản và Xây dựng đều quay đầu giảm điểm lần lượt 1.37%, 0.71% và 0.68%.

Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE: SBS tăng 14.29%; FCN tăng 13.07%, PGD tăng 11.83%; trên HNX: HDO tăng 11.88%.

SBS tăng mạnh 14.29%. Mặc dù SBS đang bị Cơ quan An ninh điều tra nhưng cổ phiếu này vẫn tăng trần khá mạnh trong tuần qua. Điều này có thể xuất phát từ (1) Lãnh đạo mới quyết tâm làm minh bạch các vấn đề của SBS để tạo lòng tin cho giới đầu tư, (2) Lãnh đạo của SBS cho biết áp lực thanh toán nợ của công ty là không đáng kể và hoàn toàn có khả năng chi trả các khoản nợ hiện tại.

FCN tăng 13.07% trong tuần qua có thể xuất phát từ kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm của công ty mẹ tích cực. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng của công ty mẹ đạt 58 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ và tăng 8 tỷ đồng so với trước soát xét, EPS 6 tháng của FCN đạt 4,227 đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của FCN chỉ còn 49.24 tỷ đồng; tuy nhiên đây cũng là con số khá ấn tượng trong tình hình khó khăn hiện nay.

PGD tăng 11.83% trong tuần qua chủ yếu xuất phát từ lợi nhuận quý 2 tăng đột biến đạt gần 285 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của PGD đạt gần 2,648 tỷ đồng, tăng 74% so cùng kỳ; lãi ròng gấp đôi cùng kỳ, đạt 383 tỷ đồng.

HDO tăng mạnh 11.88% có thể xuất phát từ kỳ vọng vị thế của HDO sẽ lớn hơn trên thị trường khi sát nhập DHL vào HDO. Theo đó, việc hoán đổi cổ phiếu sẽ thực hiện với tỷ lệ 1.1:1, tức 1.1 cổ phiếu DHL sẽ chuyển đổi thành 1 cổ phiêu HDO.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trong tuần qua là TTF, khi cổ phiếu này giảm 13.89%. Nguyên nhân có thể xuất phát từ: (1) Nhà đầu tư lo ngại phải bỏ thêm số tiền lớn khi TTF dự định phát hành thêm lượng lớn cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, HĐQT đã thông qua việc phát hành 19,686,571 cổ phần cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1, nhằm tăng vốn điều lệ từ 393.7 tỷ đồng lên 590.6 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 4/2012. Giá phát hành 5,000 đồng/cổ phần. (2) Quỹ ĐTCK Bảo Việt bất ngờ đăng ký thoái hết 14.41% vốn tương ứng với 4,586,736 cp.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA


Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật