Thứ Sáu, 03/08/2012 10:27

Cáp Sài Gòn: Kết thúc một chặng đường?

Sau bao thăng trầm, Cáp Sài Gòn (HOSE: CSG) cuối cùng đã chọn quyết định giải thể. Dù không ai muốn, nhưng liệu đây có phải là một kết thúc “có hậu” bởi sau 7 năm tồn tại, CSG chưa mang lại lợi ích mong muốn cho các cổ đông và nhà đầu tư.

* Sau bao thăng trầm, vì sao Cáp Sài Gòn lại đột ngột giải thể?

* CSG: HĐQT lại bất ngờ quyết định giải thể công ty

Mục tiêu thành lập. CTCP Cáp Sài Gòn chính thức được thành lập vào giữa năm 2005 với sự góp sức của hai doanh nghiệp lâu năm trong ngành là CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (SACOM - SAM) và CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) cùng với 8 cổ đông khác. Số vốn đăng ký ban đầu của CSG là 100 tỷ đồng.

Mục tiêu của CSG khi thành lập nhằm nắm bắt nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm cáp trong nước trước yêu cầu tăng tốc phát triển và hiện đại hóa của mạng lưới bưu chính viễn thông, đồng thời phát triển thị trường ngoài nước đối với mặt hàng này.

 Liên tục 2 năm sau thành lập, công ty có 3 lần tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, tuy nhiên vốn thực góp tính đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở mức 297.42 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của CSG qua các năm (Đvt: Tỷ đồng)

Cơ cấu cổ đông. Ở lần tăng vốn đầu tiên vào cuối năm 2005, tăng lên 150 tỷ đồng, SAM nắm 49% cổ phần của Cáp Sài Gòn và ông Đỗ Văn Trắc, Phó Chủ tịch của SAM cũng đồng thời là Chủ tịch của công ty này.

Tính đến hết năm 2007, với quy mô vốn gần 300 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của SAM tại Cáp Sài Gòn giảm xuống còn 31.14%, tương đương 92.61 tỷ đồng và các cổ đông lớn khác như CTCP Đầu tư và Sản xuất giày Thái Bình (TBS) nắm 8.74%, ứng với 26 tỷ đồng. SPT và Công ty quản lý quỹ đầu tư BIDV Vietnam-Partners cùng nắm 6.35%, tương ứng 18.9 tỷ đồng mỗi đơn vị.

Cơ cấu cổ đông tính đến cuối năm 2011 có 57.34% là cổ đông tổ chức, còn lại 42.09% là do các cá nhân nắm giữ. Cổ đông nước ngoài chỉ chiếm 0.57% vốn của công ty. Một số cổ đông lớn đã “dứt áo ra đi” người ở lại cũng chỉ còn nắm số cổ phần khiêm tốn. Cụ thể, SAM còn nắm giữ 31.14% cổ phần, TBS nắm 4.92% và CTCP Đầu tư – Xây dựng Đất Phương Nam nắm 10.31%. Thời gian qua, những cổ đông lớn này cũng tìm mọi cách thoái vốn nhưng đều gặp thất bại do sự suy giảm liên tục của thị trường, khiến những khoản đầu tư của họ ngày càng teo tóp.

Tỷ lệ sở hữu của SAM tại CSG qua các năm (Đvt: %)

Niêm yết cổ phiếu. Việc niêm yết toàn bộ gần 30 triệu cổ phiếu tại Trung tâm GDCK Hà Nội (HaSTC) năm 2008 với mã chứng khoán CSG là dấu mốc quan trọng đối với công ty nhằm nâng cao hình ảnh, cũng như huy động được nguồn vốn trên thị trường chứng khoán. Đến tháng 7/2009, CSG chính thức chuyển niêm yết cổ phiếu về Sở GDCK TPHCM (HOSE). Tuy nhiên, từ đó đến nay việc niêm yết cổ phiếu này vẫn chưa mang lại hiệu quả nào rõ ràng cho công ty. Vốn điều lệ vẫn giữ nguyên ở mức 297.4 tỷ đồng.

Quá trình niêm yết của cổ phiếu CSG trên thị trường chứng khoán cũng là một sự trượt dài, ngoài trừ sự sôi động ở hai năm đầu tiên (2008 và 2009) khi giá cổ phiếu lần đầu tiên đạt được đỉnh cao hơn 18,000 đồng/cp vào giữa tháng 6/2009. Suốt thời gian sau đó mặc dù có nhiều biến động tăng giảm, nhưng xu hướng chung của CSG vẫn là đi xuống. Có lúc, giá của CSG rơi xuống mức 7,000 đồng diễn ra vào cuối năm 2011.

Ở nửa đầu năm 2012, cùng với sự phục hồi chung của thị trường chứng khoán và thông tin giải thể công ty được phát đi, giá cổ phiếu CSG đã có sự cải thiện đáng kể, có lúc tăng vọt lên gần 12,000 đồng/cp. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, với sự ngập ngừng trong phương án hoạt động của công ty, giá cổ phiếu cũng bắt đầu suy giảm và hiện chỉ còn 10,600 đồng/cp tính đến cuối phiên giao dịch ngày 02/08/2012.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu CSG kể từ khi niêm yết đến nay

Hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ ngày thành lập, với sự hỗ trợ tích cực về nhân lực và kỹ thuật từ "công ty mẹ" SAM, CSG đã xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động từ giữa năm 2006, tức chỉ trong vòng 1 năm.

Từ quý 4/2006, sản phẩm đầu tiên được công ty đưa vào sản xuất và kinh doanh là mặt hàng cáp viễn thông. Trong năm đầu tiên hoạt động, CSG đã đạt 155 tỷ đồng doanh thu và có lãi ròng hơn 17 tỷ đồng, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt gần 11.5%.

Tuy nhiên, suốt quá trình thành lập và phát triển của mình, CSG gặp nhiều thăng trầm trong hoạt động kinh doanh. Doanh thu có sự tăng trưởng mạnh qua các năm và đạt đỉnh cao vào năm 2008 với hơn 681 tỷ đồng, nhưng bắt đầu tụt dốc ở các năm sau đó khi nền kinh tế trong nước lâm vào khó khăn.

Doanh thu thuần của CSG qua các năm (Đvt: Tỷ đồng)

Kết quả kinh doanh của công ty không có sự tăng trưởng đều mà gặp nhiều bất ổn qua các năm. Giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới, lợi nhuận của CSG sụt giảm mạnh, chỉ còn 1.4 tỷ đồng.

Hai năm sau đó, với các gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, tình hình kinh doanh của công ty có nhiều cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng và đạt đỉnh cao trong 2 năm này với 34 tỷ đồng năm 2009, tiếp tục tăng lên gần 38 tỷ đồng năm 2010.

Năm 2011, với tình hình lạm phát, biến động lãi suất, tỷ giá, giá cả nguyên liệu đồng, cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, một lần nữa đẩy công ty rơi vào tình thế khó khăn. Lợi nhuận trong năm này giảm đột ngột, chỉ còn 6.7 tỷ đồng. Công ty ‘sống” chủ yếu nhờ các khoản tiền gửi ngân hàng, trong khi hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều trắc trở.

Lợi nhuận sau thuế của CSG qua các năm (Đvt: Tỷ đồng)

Cũng từ đây, “ý tưởng” giải thể công ty đã bắt đầu mon men trong đầu của các Thành viên HĐQT.

 

28/03/2012

HĐQT Cáp Sài Gòn bất ngờ đề nghị Ban Điều hành xây dựng phương án giải thể, thanh lý tài sản công ty để trình ĐHĐCĐ thường niên 2012 thông qua.

Sau khi thông báo giải thể được phát ra, phát biểu trên báo Đầu tư chứng khoán vào đầu tháng 4, ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT CSG cho rằng việc giải thể là giải pháp mang lại lợi ích thiết thực nhất cho cổ đông với hoàn cảnh công ty hiện nay.

05/04/2012

Tại ĐHĐCĐ thường niên của Sacom (HOSE: SAM), cổ đông lớn này đã bày tỏ mong muốn CSG giải thể do CSG đang lỗ từ hoạt động kinh doanh chính.

Nếu giải thể diễn ra suôn sẻ thì SAM có thể nhận được khoản tiền mặt vượt giá thị trường của CSG như hiện nay.

21/04/2012

ĐHĐCĐ thường niên của Cáp Sài Gòn mặc dù tranh cãi kịch liệt nhưng số phận của CSG vẫn chưa ngã ngũ khi cả  3 phương án biểu quyết: giải thể, tiếp tục hoạt động, giảm vốn điều lệ đều không đủ tỷ lệ thông qua. HĐQT sẽ tiếp tục xin ý kiến từ UBCK và HOSE.

28/06/2012

ĐHĐCĐ bất thường của Cáp Sài Gòn đã thông qua hai phương án giảm vốn điều lệ với 99.3% tỷ lệ tán thành, còn giải thể công ty là 98.78%.

Với ưu thế thuộc về giảm vốn, CSG sẽ trình UBCKNN chấp thuận phương án này. Trong trường hợp các cơ quan quản lý Nhà nước không chấp nhận phương án 1 mới chuyển qua phương án 2.

01/08/2012

HĐQT Cáp Sài Gòn lại bất ngờ họp và công bố quyết định giải thể công ty với tỷ lệ tán thành lên đến 100%. Theo đó, HĐQT đã thông qua danh sách Ban thanh lý tài sản và Quy chế hoạt động, ủy quyền cho Ban thanh lý xây dựng, tính toán và quyết định các chi phí liên quan đến việc giải thể.


Trong kinh tế thị trường nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, doanh nghiệp nào không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư đều phải đối mặt với quy luật đào thải khắc nghiệt. Song với câu chuyện của Cáp Sài Gòn, chỉ tiếc là các thông tin thời gian qua khá nhập nhằng, thiếu tính minh bạch và tôn trọng nhà đầu tư. Và hiện tại, dù đã công bố thông tin giải thể, không ít người vẫn hoài nghi về tính xác thực của thông tin này.

Viết Vinh (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   HOSE: 13 CTNY chậm nộp báo cáo quản trị 6 tháng 2012 (03/08/2012)

>   Vụ nợ nần tại Bianfishco: Lấn cấn quanh 25 triệu cổ phần (03/08/2012)

>   SJD: Tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2012 (03/08/2012)

>   DDM: Giải trình KQKD Q2-2012 (03/08/2012)

>   DIC: Bổ sung Điều 13 Nghị quyết ĐHĐCĐ 2011 ngày 21-05-2011 (03/08/2012)

>   DPC: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế Quý 2 năm 2012 so với Quý 2 năm 2011 (03/08/2012)

>   PJC: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2012 (03/08/2012)

>   PJC: Báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (03/08/2012)

>   DHL: Báo cáo quản trị công ty bán niên năm 2012 (03/08/2012)

>   DXP: Báo cáo quản trị công ty bán niên năm 2012 (03/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật