Cấm địa xăng dầu
Cuối cùng thì xăng dầu cũng đã tăng giá vào 6 giờ chiều qua sau nhiều ngày găm hàng, nghỉ bán. Những câu hỏi như ai găm? găm ở khâu nào? đại lý, cây xăng hay doanh nghiệp (DN) đầu mối là tội đồ của tình trạng rối loạn những ngày qua lại bị bỏ lửng và chờ cơ hội tái diễn ở lần tăng tới.
Không thể xử lý dù vi phạm không thể làm rõ dù khuất tất, không thể nói hạ giá khi họ muốn tăng giá... đó là thực trạng đang diễn ra trong hoạt động kinh doanh của ngành xăng dầu hiện nay. Xăng dầu đã thể hiện là một cấm địa hết sức rõ ràng.
Có hay không sự bắt tay giữa tất cả các khâu tham gia hoạt động kinh doanh để cùng trục lợi, làm giá xăng dầu? Họ hưởng lợi bao nhiêu từ kịch bản găm hàng đón giá... Những câu hỏi không có trả lời này đã đẩy dư luận lao theo các dấu vết để tìm địa chỉ "găm" hàng để có một nơi đổ lỗi, một khâu làm "tội đồ" cho tình trạng rối loạn của thị trường xăng dầu. Nhưng có thể khẳng định, ngay cả khi tìm được câu trả lời, cũng chỉ xử phạt hay tước giấy phép kinh doanh của một vài đại lý, một vài cây xăng thậm chí một vài DN đầu mối. Còn vấn đề nội tại của thị trường xăng dầu vẫn không được giải quyết. Cây xăng này, đại lý này đóng cửa sẽ có cây xăng khác, địa lý khác thế chân. Điều đó lý giải vì sao thị trường xăng dầu chỉ có một kịch bản cũ rích: "có thông tin tăng giá - găm hàng - tăng giá thật sự - bán hàng hốt lợi" nhưng tái đi tái lại nhưng không quản lý nổi.
Nên cái cần làm, không phải chỉ ở chỗ chế tài thật nặng những cây xăng, đại lý, DN vi phạm mà phải giải quyết tận gốc những yếu tố khiến cho ngành xăng dầu trở thành một cấm địa như hiện nay. Đó chính là cơ chế độc quyền và cách điều hành của cơ quan quản lý. Cơ chế độc quyền đã triệt tiêu tính cạnh tranh trên thị trường, khiến các DN không có động cơ để tiết giảm chi phí, nâng cao công tác quản trị, lo tìm mối nhập rẻ, tính toán - dự báo thời điểm nào cần nhập nhiều - nhập ít nhằm có được giá tốt cho khách hàng. Bởi bán cao hay thấp, chất lượng tốt hay xấu, người dân vẫn phải mua. Họ không có quyền lựa chọn. Nguy hiểm hơn là cơ chế độc quyền này lại được sự “bao bọc” bằng những cơ chế mù mờ về cơ sở tính giá, trích lợi nhuận, lời lỗ, thiếu giám sát trong quy định kho chứa, sự "ăn khớp" trong quy trình găm hàng và giá sẽ tăng diễn ra lâu nay.
Đã có bao khuôn mặt giận dữ khi cây xăng "đến hẹn" lại đóng cửa nghỉ bán? Có bao nhiêu tiếng thở dài bất lực khi kết quả cuối cùng của tình trạng vi phạm công khai đó lại được hợp pháp hóa bằng việc cơ quan quản lý chính thức thông báo tăng giá xăng dầu như hôm qua và nhiều lần trước đó? Có bao nhiêu hoang mang trước nghịch lý xăng dầu đi ngược lại quyền lợi của người dân, của nền kinh tế nhưng vẫn tồn tại, vẫn sống khỏe? Nếu không có sự dung túng, sự tiếp tay, ngành xăng dầu không thể xây dựng cấm địa cho mình như thế này. Vì vậy, cần làm rõ đối tượng, động cơ duy trì cơ chế độc quyền và cách điều hành ngành xăng dầu hiện nay để tạo niềm tin cho người dân. Cũng chỉ có cách này, mới giải quyết triệt để chuyện làm giá xăng dầu đã và đang gây rối loạn thị trường hiện nay.
Nguyên Hằng
thanh niên
|