BMP soán ngôi và kế sách của NTP
Nhựa Bình Minh đã vượt qua đàn anh là Nhựa Tiền Phong để trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh cao nhất ngành nhựa. Nhựa Tiền Phong đứng trước nguy cơ mất thị phần ngay trên sân nhà.
Hiện nay, Công ty Nhựa Bình Minh (BMP) và Công ty Nhựa Tiền Phong (NTP) chiếm trên 80% thị phần sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng, trong đó BMP chiếm thị phần chi phối ở thị trường miền Nam, NTP lấn át ở miền Bắc.
Cuộc rượt đuổi ngoạn mục
Nếu như NTP đã có trên 50 năm hoạt động thì BMP đến tháng 11/2012 mới tròn tuổi 35. Trải qua 50 năm hoạt động, Nhựa Tiền Phong hiện có 3 nhà máy sản xuất tại Hải Phòng, Bình Dương và Vientiane (Lào) cùng hàng nghìn đại lý, điểm bán hàng, phủ khắp các tỉnh, thành của Việt Nam và lan tỏa sang Lào, Campuchia. Công ty này đang có kế hoạch xây dựng nhà máy tại miền Trung Việt Nam, đặt tại Khu công nghiệp Nam Cấm, tỉnh Nghệ An.
Với BMP, từ 3 cửa hàng đầu tiên trong những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay, hệ thống phân phối của công ty gồm hơn 600 cửa hàng. Năm 2007, nhà máy BMP miền Bắc với diện tích 40.000 m2 đã đi vào hoạt động. Trong vòng 1 năm trở lại đây, công ty ráo riết xúc tiến việc mở đại lý phía Bắc, từ Quảng Trị trở ra. Hiện dự án nhà máy thứ 4 với diện tích trên 150.000 m2 đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế hoàn chỉnh, khi đưa vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất của BMP lên gấp 3 lần hiện nay.
Cuộc rượt đuổi giữa hai đại gia ngành nhựa bắt đầu từ hơn 5 năm trước khi BMP đầu tư và xây dựng nhà máy tại miền Bắc, sau đó NTP cũng góp vốn lập nhà máy tại Bình Dương với mục tiêu tấn công thị trường phía Nam. Với quy mô nhỏ hơn, BMP nhiều năm liền chấp nhận vị trí thứ 2 sau ông anh miền Bắc, tuy nhiên đến năm 2012 này thị trường đã có sự đổi ngôi. Quý II vừa qua, BMP tiếp tục có một quý lãi lớn, đạt 87,13 tỷ đồng, tăng 26,55% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đạt 163,79 tỷ đồng, tăng 38% so với 6 tháng đầu năm 2011. Đáng chú ý tiền và các khoản tương đương tiền cuối quý II của công ty đạt 200,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với 71,45 tỷ đồng số dư đầu năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý 2/2012 của NTP chỉ đạt 75,46 tỷ đồng, giảm 22% so với quý 2/2011, lũy kế 6 tháng đạt 135 tỷ đồng, giảm 13% cùng kỳ 2012.
Lời giải từ bài toán chi phí
Điều gì đã dẫn tới cuộc soán ngôi ngoạn mục của BMP? Câu trả lời có nhiều, nhưng một điểm đáng chú ý nhất là hiệu quả quản lý tài chính và chính sách bán hàng của BMP có nhiều điểm đáng tham khảo.
Thực trạng ngành nhựa 1.000 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành nhựa, trong đó có 1.064 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 triệu đồng, hoạt động theo mô hình hộ gia đình, sản phẩm tập trung vào nhóm mặt hàng nhựa tiêu dùng hoặc nhựa bao bì, không đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật, công nghệ. |
BMP ký những hợp đồng giao hàng cho các công trình lớn, nới lỏng thời gian thu hồi nợ. Với các đại lý, BMP tạo điều kiện cho khách hàng mua nợ với mức tối đa giá trị các tài sản mà họ thế chấp theo quy chế kiểm soát công nợ của công ty. Với sự ưu đãi này, doanh số của công ty đã tăng mạnh. Chi phí bán hàng và quản lý của BMP chỉ chiếm 5,1% trong doanh thu thuần. Ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT BMP chia sẻ: "Văn hóa của Bình Minh là chắt chiu từng đồng, mọi việc đều được đưa lên bàn cân kiểm soát". Trong khi đó, chi phí bán hàng của NTP chiếm tới gần 15% doanh thu. Năm 2011, chi phí bán hàng của NTP tăng rất lớn so với BMP ở mức 248 tỷ đồng, trong khi năm 2010 là 187 tỷ đồng. Do các loại chi phí tăng cao khiến lợi nhuận trước thuế quý 2/2012 của NTP đạt 100,6 tỷ đồng, giảm 22% so với quý 2/2011, lũy kế 6 tháng đạt 180 tỷ đồng, giảm 13% cùng kỳ 2011. Theo ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT NTP, lý do chi phí bán hàng lớn là do công ty tăng chiết khấu cho các đại lý phân phối.
Trong chiến lược phát triển sản phẩm mới, đại gia phía Nam đã tỏ ra nhanh nhạy hơn. Lấy mốc năm 2011 làm ví dụ. Cùng một thời điểm, trong khi BMP đã trúng thầu hợp đồng cung cấp ống HDPE đường kính đến 1.200 mm cho Nhà máy xử lý nước thải Nam Bình Dương và trở thành doanh nghiệp cung ứng ống nhựa có đường kính lớn nhất tại Việt Nam thì lúc này NTP mới đưa dây chuyền HDPE đường kính 1.200 mm, dây chuyền sản xuất ống PVC đường kính 800 mm vào hoạt động. Vậy nên, phải sang năm 2012, NTP mới chuyển trọng tâm sang khai thác thị trường này.
Với chiến lược nhạy bén, linh hoạt, ưu tiên và tập huấn bán hàng cho các đại lý cũng như liên tục mở đại lý tại miền Bắc ngay tại sân nhà của NTP, năm 2011, BMP miền Bắc hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh số được giao, tăng trưởng hơn 50% so với năm 2010.
Nỗ lực của BMP trong một năm kinh tế nhiều khó khăn cho thấy, họ quyết tâm giành vị trí doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam. Sau nhiều năm chấp nhận đứng vị trí thứ 2, năm 2012, BMP đã đặt kế hoạch lợi nhuận cao hơn so với NTP. Diễn biến 6 tháng đầu năm cho thấy sức trẻ của BMP đang lấn lướt NTP.
Hợp nhất: Khó xảy ra
Cùng xuất thân là doanh nghiệp nhà nước và có cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, đã từng có thông tin sẽ có sự hợp nhất giữa 2 doanh nghiệp lớn nhất ngành nhựa này. Trước khi cạnh tranh giữa 2 bên nổ ra và mỗi bên đầu tư xây dựng một nhà máy ở thị trường sân nhà của bên kia từng có ý kiến, nên có sự bắt tay và phân chia thị trường để tránh đầu tư chồng chéo. Tại sao 2 doanh nghiệp này không có sự hợp lực, phân chia thị trường để tránh cạnh tranh trực tiếp, bằng chứng là NTP có công ty phía Nam, BMP lại lập doanh nghiệp miền Bắc. Lãnh đạo hai doanh nghiệp đã từng có trao đổi ý kiến để tránh sự phân tán và cạnh tranh như trên, nhưng kế hoạch bất thành.
Ông Lê Quang Doanh chia sẻ: "Nhựa Bình Minh đầu tư ra Bắc không xuất phát từ ý định cạnh tranh. Ngành nhựa có đặc thù 80% số lượng doanh nghiệp tập trung ở phía Nam, trong khi miền Bắc chỉ có 17%. Như vậy, năng lực sản xuất của doanh nghiệp miền Bắc có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nếu Nhựa Bình Minh không ra Bắc, sẽ có doanh nghiệp khác lập nhà máy hoặc nước ngoài vào đầu tư. Bởi vậy, chúng tôi Bắc tiến vì nhu cầu của thị trường, chứ không phải để cạnh tranh". Chủ tịch BMP nói vậy, song trên thực tế không phải tất cả các dây chuyền chủ lực của NTP đều đã hoạt động hết công suất. Khi nhựa Bình Minh miền Bắc phát triển mạnh, muốn hay không, miếng bánh thị phần của NTP cũng bị chia sẻ. Dễ thấy rằng cuộc so găng giữa BMP và NTP sẽ còn ngày một gay cấn.
Mai Anh
diễn đàn doanh nghiệp (doanh nhân)
|