Thứ Ba, 14/08/2012 15:12

Bán Xi măng Cẩm Phả cho Vicem, Vinaconex có “thoát nợ”?

Xi măng Cẩm Phả đã thực sự thành "bãi lầy" với Vinaconex, muốn nhấc chân ra không hề dễ.

Đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy Xi măng Cẩm Phả đã khiến Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex - VCG) rơi vào tình trạng khó khăn tài chính trong mấy năm vừa qua. Chấp nhận “cắt lỗ” để cứu vãn tình thế, nhưng khả năng Vinaconex có thoát khỏi nợ nần nếu bán Xi măng Cẩm Phả cho Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) hay không, vẫn là câu hỏi ngỏ.

Vinaconex và sức ép nợ nần

Thuyết minh BCTC năm 2011 của Công ty mẹ Vinaconex có đoạn viết: “Tại ngày 31/12/2011, mặc dù công nợ ngắn hạn của Tổng công ty không vượt quá tài sản ngắn hạn, nhưng có một số khoản phải thu ngắn hạn về gốc vay và lãi vay từ CTCP Xi măng Cẩm Phả mà Tổng công ty đang làm việc với Xi măng Cẩm Phả để gia hạn nợ sau năm 2012. Theo đó, nếu không tính các khoản phải thu này, tài sản ngắn hạn của Tổng công ty sẽ thấp hơn công nợ ngắn hạn hơn 1.250 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tổng công ty đang bị âm. Các vấn đề này dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty. Tuy nhiên, Ban Tổng giám đốc tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ phát hành tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng đủ để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả.”

Trên thực tế, vận mệnh mong manh của Vinaconex cuối cùng đã được cứu bởi diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán đầu năm 2012. Sau hai lần xin gia hạn thời gian đăng ký thực hiện quyền mua, giá cổ phiếu VCG của Vinaconex đã vượt mức 10.000 đồng/CP, đủ để các cổ đông lớn chấp nhận nộp tiền. Hơn 1.417 tỷ đồng thu về là cái phao cứu sinh cho Tổng công ty khi áp lực trả nợ đến gần. 6 tháng đầu năm nay, Vinaconex đã chi tới gần 2.400 tỷ đồng trả nợ gốc, trong đó, có khoản tiền 2.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong quý II/2012; 502 tỷ đồng chi phí lãi vay, trong khi tổng vay ngắn/dài hạn trong kỳ mà Tổng công ty nhận được chỉ là 392 tỷ đồng.

Gánh nặng nợ nần vơi đi, nhưng chưa phải là hết. Bởi vì, trong bối cảnh dòng tiền thu về khó khăn như hiện tại, Vinaconex vẫn còn tới hơn 1.112 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 750 tỷ đồng phải trả phải nộp ngắn hạn, 3.936 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Với những khó khăn chung của ngành bất động sản, áp lực nợ nần, lãi vay vẫn là một nỗi ám ảnh của Vinaconex.

Chưa có lối thoát

Bán tài sản là giải pháp chung mà nhiều DN, trong đó có Vinaconex lựa chọn để làm sạch BCTC, đồng thời cải thiện cơ cấu nguồn vốn kinh doanh. Gần đây nhất, Vinaconex đã thực hiện thoái một phần vốn tại Xi măng Yên Bình, thông báo bán cổ phần tại Vinaconex Hoàng Thành. Nhưng, so với khoản vốn đầu tư vào Xi măng Cẩm Phả, tất cả những khoản đầu tư trên là quá nhỏ. Từ lâu, Xi măng Cẩm Phả đã là một bãi lầy mà Vinaconex muốn thoát ra sớm nhất có thể.

Liên tục 2 năm, BCTC hợp nhất của Vinaconex đã trở nên “xấu xí” hơn do xuất hiện những khoản trích lập dự phòng đến từ CTCP Xi măng Cẩm Phả. Đặc biệt, trong quý I/2012, Tổng công ty phải trích lập tới hơn 1.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro đầu tư tài chính dài hạn, mà nguyên nhân cũng đến từ Xi măng Cẩm Phả. Vừa phải chịu trích lập dự phòng các khoản vay ngoại tệ tài trợ cho công ty này, Vinaconex lại phải chịu tình trạng công ty con làm ăn thua lỗ do ngành xi măng gặp khó.

Thoái được vốn đầu tư vào Xi măng Cẩm Phả và lý tưởng nhất là đưa tỷ lệ sở hữu về dưới 50% vốn điều lệ, sẽ là một mũi tên trúng 2 đích: vừa đem tiền về cho Vinaconex, vừa giúp BCTC hợp nhất của Tổng công ty tránh được khoản trích lập dự phòng lớn. Đối tác gần nhất mà thị trường biết đến, đó là Vicem.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, trong phương án gần nhất mà Vicem đưa ra, chỉ có một yếu tố đạt được, đó là việc thoái 51% vốn điều lệ Xi măng Cẩm Phả, với giá 10.000 đồng/CP, tương đương tổng mức tiền là 1.020 tỷ đồng. Vấn đề là Vicem không có khả năng để thanh toán ngay toàn bộ số tiền này cho Vinaconex. Phương án thanh toán được Vicem đưa ra là trả ngay kỳ đầu 50 tỷ đồng, số còn lại được trả chậm trong vòng 9 năm sau đó, với lãi suất… 2%/năm.

Không chỉ có vậy, với số tiền 1.934 tỷ đồng mà trước kia Vinaconex đã vay giúp Xi măng Cẩm Phả, giờ cũng được Vicem đưa phương án… trả chậm 10 kỳ, tính từ năm 2019 đến năm 2028, với lãi suất 2%/năm. Lãi phát sinh trong cả quá trình từ nay đến 2019 sẽ được trả đều cho giai đoạn 2019 - 2028.

Với phương án này, Vinaconex sẽ trở thành chủ nợ của Vicem và Xi măng Cẩm Phả. Giá bán Xi măng Cẩm Phả sau khi đã chiết khấu mức lãi suất 13,5%/năm sẽ chỉ còn… 293 đồng/CP, và Vinaconex phải bù lỗ chi phí cơ hội cho khoản vay của Xi măng Cẩm Phả lên tới… 1.575 tỷ đồng. Bù lại, phía Vicem đưa ra cam kết sẽ hỗ trợ Xi măng Cẩm Phả về vấn đề đầu ra.

Với phương án nêu trên, nếu tiếp tục phương án hợp tác với Vicem, Vinaconex gần như chẳng được lợi gì ngoài việc làm đẹp BCTC (tránh rủi ro hợp nhất). Các vấn đề khác về tài chính thậm chí còn khó khăn hơn, khi nợ vẫn hoàn nợ. Thêm vào đó, Vinaconex sẽ mất đi quyền làm chủ Xi măng Cẩm Phả, trong khi chưa biết Vicem sẽ hỗ trợ Xi măng Cẩm Phả bán hàng đến đâu trong bối cảnh toàn ngành xi măng ế thừa hàng tồn kho chưa có hướng ra như hiện nay.

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   NBC: 7 tháng thực hiện 51% kế hoạch doanh thu (14/08/2012)

>   HSG: 10 tháng ước lãi sau thuế 315 tỷ đồng (14/08/2012)

>   SBS: Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2012 (14/08/2012)

>   BIDV: Nợ xấu cuối tháng 6 chiếm 2.97% (14/08/2012)

>   ISC: Tỷ lệ vốn khả dụng tháng 6/2012 đạt 287% (14/08/2012)

>   PGC: Lợi nhuận 6 tháng tăng vọt nhờ tỷ giá ổn định (14/08/2012)

>   HPB: Sau hợp nhất quý 2, lợi nhuận tăng đột biến (14/08/2012)

>   VIT: Quý 2 lỗ là do thị trường BĐS ảm đạm (14/08/2012)

>   ACB: 6 tháng đầu năm, nợ xấu tăng gần gấp đôi (14/08/2012)

>   Tổng giám đốc SSC: Chúng tôi chỉ sợ rủi ro về con người (14/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật