Thứ Hai, 06/08/2012 13:21

Bản vị vàng hay bản vị nhân văn?

Bằng cách hủy bỏ Hệ thống tiền tệ Bretton Woods vào những năm 70 của thế kỷ trước, thế giới chính thức rời bỏ chế độ bản vị vàng, thay vào đó, giá trị đồng tiền của mỗi quốc gia được gắn với sức mạnh của nền kinh tế quốc gia đó. Chính sự thay đổi bản vị này đã dần dần hé mở một mối quan hệ mật thiết mới mẻ rất thú vị giữa hai phạm trù giá trị: Giá trị đồng tiền và giá trị con người.

 

Nhìn vào các nền kinh tế trên thế giới, dễ dàng thấy có một số nền kinh tế phát triển (tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm tăng nhiều cũng chỉ xấp xỉ 1 - 2%) và các nền kinh tế đang phát triển (GDP tăng hàng năm khoảng từ 6 đến hơn 10%) mà một số trong những nước này đôi khi còn được gọi với tên gọi đầy vẻ khích lệ như “con Rồng”, “con Hổ”. Vậy với mức tăng GDP hàng năm cao, liệu có khả năng sau một số năm nhất định (như phép tính số học đơn giản cho thấy) kinh tế của các nước đang phát triển có thể đuổi kịp và vượt các nền kinh tế của các nước phát triển?

Liệu kinh tế Trung Quốc có vượt Mỹ, các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ vượt EU, Nhật Bản? Nếu chỉ dựa vào phép tính số học đơn thuần thì điều thần kỳ này khó có khả năng xảy ra. Vì sao vậy? Vì sự khác biệt trong chất lượng giữa các nền kinh tế. Ở một số nền kinh tế lớn và đang phát triển nhanh vào loại nhất thế giới như Trung Quốc chẳng hạn, việc gia công và bán hàng cho cả thế giới rõ ràng mang lại một nguồn tư bản cực lớn cho nước này, cộng thêm đà tăng dân số (tức tăng lực lượng lao động), là hai yếu tố giải thích cho tăng trưởng, cũng đồng nghĩa tăng giá trị đồng bản tệ, ta có thể nói đây là phần bản vị theo số lượng.

Nhưng yếu tố còn lại là hàm lượng chất xám, công nghệ trong GDP thì còn phải bàn thêm: Việc lắp ráp và bán Ipad, Iphone không đồng nghĩa với việc phát minh ra chúng. Ở đây có sự bấp bênh trong tương lai: Nếu vì một lý do nào đó mà các kết quả nghiên cứu sáng tạo từ nước ngoài không đến với các dây chuyền sản xuất Ipad, Iphone nữa thì liệu tự những nhà sản xuất trực tiếp này có khả năng đưa ra các sản phẩm đình đám kiểu như vậy để được người tiêu dùng toàn thế giới chào đón hay không?

Vậy hãy đi xa hơn nữa, căn nguyên của mọi sáng tạo là gì? Là cảm hứng, là đam mê, là nhu cầu, là tri thức cộng với sự chủ động, tìm tòi, độc lập dấn thân nghiên cứu bền bỉ, và một cái “tâm” trong sáng. Vì sao lại cần cảm hứng, cần đam mê? Vì sáng tạo, đam mê là hoạt động mang tính tinh thần giúp người ta vượt qua mọi thách thức trở ngại, nhưng nó chỉ xuất hiện từ một trạng thái cơ thể và tinh thần sảng khoái, trong sáng, điều khó có thể đạt tới trong một môi trường gò bó, chèn ép áp đặt, bức bối, ngột ngạt, ức chế, vụn vặt, lộn xộn.

Sáng tạo là nhu cầu vì nó là tiếng gọi tự nhiên hướng tới đổi mới, đây lại là một yêu cầu thực tế, đôi khi chính sáng tạo lại tạo ra một thực tế cần đến nó: Chính Ipad có trước tạo ra nhu cầu về Ipad của thị trường. Sáng tạo là kết tinh của tri thức một cách tự nhiên, nếu không có học vấn làm cơ sở thì không có chất liệu cho sáng tạo. Vì sao lại cần một cái “tâm” trong sáng? “Tâm” trong sáng để biết cái mình đam mê theo đuổi là cái tốt đẹp, có ích cho mình và xã hội, thiếu những yếu tố này, người sáng tạo có thể nghĩ ra những trò tinh quái làm hại xã hội: Dùng chất độc hại để bảo quản hoa quả, thực phẩm, pha chất độc hại bị cấm vào sữa bột dành cho trẻ em để kiếm lời...

Một điều quan trọng nữa là một môi trường sáng tạo, trong đó các sáng tạo được bảo vệ, khuyến khích và đầu tư để đi đến mục đích hướng tới áp dụng vào cuộc sống. Như vậy rõ ràng sức sáng tạo làm nên sức mạnh nền kinh tế, sức mạnh xã hội và làm nên sức mạnh đồng tiền. Bạn hãy thử xem các xã hội có đồng tiền mạnh trên thế giới có phải là các xã hội rất văn minh và rất trọng sáng tạo hay không, những dân tộc làm ra những sản phẩm tốt, bền có phải là những dân tộc đầy tự trọng (không phải đầy tự tôn đến độ kiêu căng), thành đạt, rất có văn hóa hay không.

Ở đây ta thấy khía cạnh bản vị nhân văn trong tiền tệ: Chất lượng con người quyết định chất lượng sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ trong xã hội), chất lượng sản phẩm lại quyết định chất lượng và sức mạnh nền kinh tế, nền kinh tế mạnh sẽ có đồng tiền có giá trị mạnh, đồng tiền mạnh chính là niềm tin mạnh mẽ vào người in ra tiền là chính phủ của nước có đồng tiền đó. Do đó, sẽ không quá khi nói rằng không xây dựng được một xã hội nhân văn sáng tạo sẽ không có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ bền vững, không có đồng tiền có giá trị quốc tế.

Vậy làm thế nào để xây dựng một xã hội nhân văn sinh ra những con người mạnh mẽ đầy sức sáng tạo làm linh hồn cho nền kinh tế? Cần bắt đầu từ việc thay đổi triết lý giáo dục và triết lý trong vận hành xã hội. Triết lý giáo dục gia đình – nhà trường - xã hội phải tuyệt đối loại bỏ tính áp đặt, thay vào đó là tinh thần thực sự tôn trọng con người, tôn trọng thiên nhiên, qua đó loại bỏ ngay từ trong tiềm thức xu hướng chỉ biết giải quyết các xung khắc lớn nhỏ trong xã hội bằng một kiểu tư duy mang tính bạo lực, mầm mống của mọi bất ổn.

Một xã hội thấm đẫm triết lý nhân văn sẽ làm cho con người luôn cảm thấy an bình và sẽ luôn định hướng nhân bản thông thái trong xử lý mọi khủng hoảng. Nên loại bỏ ngay từ trong tư duy những rào cản, ràng buộc, áp đặt không cần thiết trong những hoạt động của xã hội để thực sự giải phóng tiềm năng con người cho việc sáng tạo phát triển. Tăng cường hiệu quả đầu tư trong xã hội, chú trọng vào lợi ích người dân, tạo điều kiện để người dân luôn có khả năng tiếp cận nhanh nhất với những tri thức mới nhất, công nghệ đầu nguồn mới nhất, làm sao để người dân được dùng hàng tốt nhất được sản xuất từ mọi nơi trên thế giới với giá cạnh tranh nhất chứ không phải điều ngược lại. Và khi tiền được sử dụng một cách hợp lý vì mặt bằng giá cả đúng đắn, lượng tiền tiết kiệm được sẽ chính là tư bản để người dân có cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác, tức là tăng khả năng tiêu dùng và mở rộng đầu tư linh hoạt trong toàn xã hội.

Như vậy, xây dựng phát triển xã hội theo một triết lý đầy tính nhân văn chắc chắn sẽ phát huy hết nội lực tiềm tàng của từng người dân, chắc chắn sẽ mang tới cho đất nước sự thịnh vượng, kinh tế phát triển bền vững, người dân thực sự là chủ với nhân sinh quan lành mạnh, nền văn hóa vững vàng trước mọi làn sóng tư tưởng ngoại lai, dân tộc ấy trở nên văn minh, được nể trọng và quý mến, không còn ở vị trí theo sau mà có thể sánh vai các cường quốc tiên tiến trên thế giới.

Minh Phúc

Lao động

Các tin tức khác

>   Vàng tăng giá, USD ổn định (06/08/2012)

>   Giá vàng được dự báo sẽ lên ngưỡng 1.700 USD/oz (05/08/2012)

>   Giá vàng được dự báo sẽ lên ngưỡng 1.700 USD/oz (05/08/2012)

>   Cuối tuần, giá vàng bật tăng qua 42 triệu đồng/lượng (04/08/2012)

>   Vàng tăng hơn 1% nhờ số liệu kinh tế tốt và đồng USD yếu (04/08/2012)

>   Giá vàng tiếp tục lùi sâu dưới 42 triệu đồng (03/08/2012)

>   Vàng rớt mốc 1,600 USD/oz vì ECB chưa hành động (03/08/2012)

>   Giá vàng trong nước lại tuột khỏi mốc 42 triệu đồng (02/08/2012)

>   NHTW Hàn Quốc bất ngờ gom 16 tấn vàng (02/08/2012)

>   Vàng giảm phiên thứ hai xuống sát 1,600 USD/oz (02/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật