Vốn ngoại vẫn “chảy” mạnh vào trái phiếu
Tiếp nối xu hướng gia tăng giải ngân vào thị trường trái phiếu (TTTP) trong 6 tháng đầu năm 2012, nhiều dự báo cho thấy, dòng vốn ngoại vẫn đổ mạnh vào TTTP từ nay đến cuối năm.
Về vấn đề này, ĐTCK trao đổi với bà Hoàng Nữ Ngọc Thủy, Trưởng nhóm nghiên cứu, Phòng Tự doanh, Ban Kinh doanh vốn & Tiền tệ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo Sở GDCK Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, vốn giải ngân của NĐT nước ngoài vào TTTP tăng rất mạnh so với cả năm ngoái. Vì sao có hiện tượng này, thưa bà?
Sự tham gia mạnh mẽ từ khối ngoại là một điểm nhấn đáng chú ý trong diễn biến TTTP 6 tháng đầu năm 2012. Bắt đầu từ nửa cuối năm 2011 với tổng giá trị mua ròng lên tới 9.400 tỷ đồng, các NĐT nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trong nửa đầu năm nay, với tổng khối lượng mua vào - bán ra chiếm khoảng 33% giá trị giao dịch toàn thị trường. Hiện tượng này có thể được giải thích bởi một số lý do.
Thứ nhất, tuy kinh tế ảm đạm, tăng trưởng chậm, nhưng cùng với quyết tâm tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế của Chính phủ, nền kinh tế đang có những chuyển biến khá tích cực về chất, hướng tới tính ổn định cao hơn.
Thứ hai, xu hướng mặt bằng lãi suất giảm đã được xác lập rõ ràng kể từ đầu năm 2012.
Thứ ba, thị trường ngoại hối Việt Nam chuyển biến rất tích cực, duy trì ổn định trong nhiều tháng qua.
Thứ tư, trong giai đoạn khó khăn hiện nay của kinh tế thế giới, NĐT nước ngoài đang mạnh tay “đổ tiền” vào kênh trái phiếu chính phủ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, bởi mức lợi suất hấp dẫn và các yếu tố vĩ mô được đánh giá là có nhiều cải thiện.
Bà dự báo sao về khả năng tham gia TTTP của NĐT nước ngoài từ nay đến hết năm 2012?
Chúng tôi dự báo, NĐT sẽ tiếp tục tham gia khá ổn định trên TTTP Việt Nam trong thời gian tới, mặc dù mức độ hấp dẫn của thị trường đã sụt giảm đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2012, bởi xu hướng giảm lãi suất VND đã chững lại. Ngoài ra, 3 trong số 4 yếu tố đã đề cập ở trên là niềm tin vào chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam, sự ổn định của thị trường ngoại hối, hay sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu vẫn còn tiếp diễn, sẽ hỗ trợ TTTP Việt Nam giữ chân NĐT nước ngoài.
Với tư cách là những NĐT chủ lực trên TTTP, việc các NHTM, trong đó có cả các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đang gia tăng giải ngân tín dụng có khiến luồng vốn bị rút ra khỏi TTTP từ nay đến cuối năm, thưa bà?
Chúng tôi đã thực hiện một phép toán đơn giản để ước tính nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ của các tổ chức tín dụng (TCTD) từ nay đến cuối năm. Trong cơ cấu đầu tư của các TCTD hiện nay, chiếm tỷ trọng lớn vẫn là 2 cấu phần tín dụng và trái phiếu chính phủ. Với giả thiết tổng tài sản của các TCTD sẽ tăng thêm 5%, trong đó, tổng đầu tư cũng có tốc độ tương đương và tăng trưởng tín dụng vào khoảng 8%, thì các TCTD sẽ có nhu cầu bổ sung thêm khoảng trên 23.000 tỷ đồng trái phiếu vào danh mục đầu tư bên cạnh 15.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh đáo hạn. Như vậy, về phân tích định lượng, nhu cầu đầu tư trái phiếu của các TCTD sẽ tăng thêm xấp xỉ 40.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.
Về phân tích định tính, chúng tôi cũng nhận thấy, các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ vẫn còn khá mạnh. Thứ nhất, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng dự báo vẫn được đảm bảo tốt, lãi suất VND liên ngân hàng duy trì ở mức hợp lý (<10%/năm đối với kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tuần). Thứ hai, các NHTM đang có xu hướng tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng nâng cao tỷ trọng các tài sản có độ an toàn và tính thanh khoản cao, mà trái phiếu chính phủ được đánh giá là sự lựa chọn số một.
Như vậy, nhìn chung, việc rút vốn ra khỏi TTTP Việt Nam của các TCTD sẽ chưa diễn ra trong 6 tháng cuối năm, cho dù giải ngân tín dụng có khởi sắc hơn. Tuy NHNN đang có phần nới lỏng chính sách tiền tệ, nỗ lực khơi thông tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế, nhưng nguồn vốn ưu đãi sẽ chỉ tập trung vào các lĩnh vực được ưu tiên. Các NHTM muốn đẩy mạnh cho vay, nhưng không phải bằng mọi giá, mà sẽ rất thận trọng trong quá trình giải ngân để đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Hữu Đạo thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|