Vietstock Weekly Tuần 02 - 06/07: Chờ tín hiệu xác nhận rồi mở trạng thái cũng chưa muộn
Với các tin tức tích cực và tiêu cực đan xen, rất có thể thị trường vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn nhạy cảm và rung lắc trong tuần sau. Chờ đến khi có tín hiệu xác nhận xu hướng rõ ràng hơn rồi hãy mở trạng thái cũng chưa muộn.
* Chứng khoán Tuần 25 - 29/06: Nhỏ lẻ e dè, Tự doanh mua mạnh
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 02 - 06/07/2012
Hoạt động bắt đáy gia tăng cùng với những thông tin bên lề như hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất đã giúp chỉ số thị trường tích cực trở lại về cuối tuần. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn còn phổ biến trong giới đầu tư khi thanh khoản tiếp tục sụt giảm trong tuần qua.
Chiều muộn ngày 29/06, thông tin chính thức từ NHNN cho thấy kể từ 1/7 cơ quan này sẽ giảm 1% các lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, xuống lần lượt còn 10%, 8% và 11%.
Có thể thấy các chính sách hiện tại đã chuyển sang giai đoạn thúc đẩy và hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh xu hướng giảm tốc mạnh của lạm phát và tốc độ tăng trưởng trong quý 2 chưa cho thấy nhiều khởi sắc (nếu không muốn nói là tiếp tục trì trệ).
Một thông tin gây không ít bất ngờ là giá bán điện cũng được điều chỉnh tăng vào cuối tuần qua. Theo đó, từ ngày 01/07, giá điện bình quân sẽ tăng 65 đồng/Kwh tương đường tăng 5%.
CPI tháng 6 vừa được công bố tăng trưởng âm nên tác động về mặt “con số” đối với CPI trong những tháng tới là không đáng kể, khi tổng cầu nền kinh tế tiếp tục co hẹp. Tuy vậy, điều này sẽ có tác động mạnh đến các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành thép, vồn có chi phí điện khá cao. Đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng đây là một “cú bồi” làm tăng chi phí giá vốn, trong khi đầu ra của hàng hóa thì đang căng thẳng.
Trong bối cảnh tâm lý thận trọng của giới đầu tư vẫn đang ở mức cao, rất có thể thông tin tăng giá điện này sẽ tác động tiêu cực đến giao dịch trong tuần tới.
Ngoài thông tin chính sách vĩ mô tiếp tục được nới rộng, thị trường vẫn được hỗ trợ từ các yếu tố:
(1) Khối ngoại và tự doanh của các CTCK vẫn mua ròng mạnh trong tuần qua.
(2) Dường như dòng tiền đang tìm nơi trú ẩn trước thời điểm thông tin kết quả kinh doanh quý 2 được công bố. Có thể thấy lực cầu vẫn đang tiếp tục tập trung mạnh vào các cổ phiếu Large Cap. Nhiều khả năng đây sẽ nhóm cổ phiếu có thể duy trì được kết quả kinh doanh ổn định và lực đỡ đáng kể cho thị trường.
Với các tin tức tích cực và tiêu cực đan xen, rất có thể thị trường vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn nhạy cảm và rung lắc trong tuần sau. Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi nghĩ rằng một sự thận trong là không thừa. Chờ đến khi có tín hiệu xác nhận xu hướng rõ ràng hơn rồi hãy mở trạng thái cũng chưa muộn.
Liên quan đến khủng hoảng châu Âu, ngày 29/06, các nước đã đồng ý thành lập cơ quan giám sát tài chính chung cho các ngân hàng eurozone và cho phép các ngân hàng này tái cấu trúc vốn trực tiếp bằng quỹ giải cứu khu vực mà không làm gia tăng nợ công.
Đây là phương thức mà các nước châu Âu thỏa thuận với đích nhắm là hỗ trợ Tây Ban Nha và Ý, và tránh xuất hiện thêm các trường hợp như Hy Lạp – tức là hỗ trợ dưới dạng nợ quốc gia (sovereign debt) và đi kèm với yêu cầu chính sách khắc khổ, vốn có thể thổi bùng bất ổn chính trị và xã hội.
Các nước châu Âu cũng đồng ý về nguyên tắc “hiệp ước tăng trưởng và việc làm” có quy mô 120 tỷ EUR (149 tỷ USD).
Đây chỉ là những bước tiến đầu tiên, nhưng chứng khoán thế giới đã phản ứng rất tích cực: các thị trường châu Âu tăng gần 5%, Mỹ tăng hơn 2%. Bên cạnh những diễn tiến tích cực nói trên, một trong những lý do quan trọng là trước hội nghị thượng đỉnh châu Âu, các thị trường tài chính đã không có kỳ vọng gì nhiều.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Hồi phục nhẹ nhưng thanh khoản suy kiệt. Tuần vừa qua tiếp tục là một tuần giao dịch giằng co mạnh. VN-Index liên tục dịch chuyển đi ngang trong vùng chống đỡ mạnh 415 – 430 điểm.
Điều khiến cho giới phân tích lo lắng nhất hiện nay là khối lượng hầu như không có dấu hiệu cải thiện và thậm chí còn suy giảm liên tục trong tuần qua.
Thanh khoản đang duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài trong tuần tới, khả năng sụt giảm tiếp tục của chỉ số là khá cao.
Các chỉ báo như MACD, Stochastic Oscillator... đều đang duy trì ở mức thấp nhưng khả năng cho tín hiệu mua trở lại là không quá cao khi mà tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm thị trường.
Khả năng hồi phục theo đánh giá của chúng tôi là không cao nếu thanh khoản tiếp tục dưới 50 triệu đơn vị/phiên.
HNX-Index – Head & Shoulder báo hiệu khả năng hồi phục bị đe dọa. Mẫu hình Head & Shoulder được coi là một trong những mẫu hình cho tín hiệu chính xác nhất tại thị trường Việt Nam khi đã nhiều lần cảnh báo đúng các đợt đảo chiều mạnh mẽ của thị trường.
Vì vậy, sự xuất hiện của nó khiến tâm lý giới đầu tư thận trọng khi mà các ngưỡng hỗ trợ bị thủng gần như đồng loạt.
Thanh khoản của HNX-Index càng về cuối tuần càng trở nên tiêu cực hơn. Điều này khiến cho hy vọng về khả năng bứt phá trở lại của giá thêm phần yếu đi.
Nếu như trong tuần tới HNX-Index xuất hiện hiện tượng pullback thì sẽ chịu sức cản lớn từ internal trendline và SMA 100.
Nên duy trì quan điểm thận trọng trong giai đoạn hiện nay và chỉ nên xem xét bắt đáy nhẹ nếu thanh khoản hồi phục trở lại.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng mạnh (+0.97%) trong phiên giao dịch ngày 29/06/2012, VS 100 chững lại đà giảm của giai đoạn trước đó.
Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì mức thấp. Nếu tình trạng này tiếp tục trong thời gian tới thì khả năng hồi phục là khá thấp.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/06/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 3.02, tức số mã tăng giá bằng 3.02 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 4.53, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 4.53 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 1.47 lần và VS-U/D HNX bằng 2.87 lần.
VS-Arms VN ngày 29/06/2012 đạt giá trị 0.55 chứng tỏ bên mua chiếm ưu thế trong phiên này. Trong khi đó, EMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 2.08. Đây là mức cao của chỉ số này và cho thấy bên bán chiếm ưu thế trong 5 phiên gần đây.
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
FFN
|