Thứ Năm, 26/07/2012 18:16

Thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay và cuối năm 2012

Sau khi giảm 3 tháng liên tiếp, giá dầu thế giới bắt đầu phục hồi từ đầu tháng 7 và tăng liên tục cho đến cuối ngày 19/7, mức cao nhất trong 2 tháng trở lại đây, nhưng lại quay đầu giảm từ phiên giao dịch ngày 20/7 do tình hình xấu đi tại khu vực euro.

 

Theo báo cáo hàng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, giá dầu tại các nước OPEC giảm từ mức trung bình 118,18 USD/thùng trong tháng tư xuống 108,07 USD/thùng trong tháng 5, mức suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008; giá dầu WTI giảm từ mức trung bình 103,35 USD/thùng trong tháng tư xuống 94,45 USD/thùng trong tháng 5 và 85,04 USD/thùng trong tháng 6; dầu thô Brent giảm từ 119,71 USD/thùng trong tháng tư xuống 110,27 USD/thùng trong tháng 5 và 94,17 USD/thùng trong tháng 6. So với cùng kỳ năm trước, giá dầu các loại đã giảm khoảng 7,0-8,0 USD/thùng.

Từ đầu tháng 7, giá dầu bắt đầu phục hồi do bão lụt tại Mỹ và căng thẳng tại Trung Đông mà điểm nóng là Iran và Syria. Ngày 19/7, WTI giao tháng 9 đạt 92,97 USD/thùng, dầu thô Brent giao tháng 9 đạt 107,80 USD/thùng. Tuy nhiên, đà phục hồi mong manh này đã tiêu tan sau thông tin khủng hoảng nợ châu Âu đang lan rộng đã khiến các thị trường tiền tệ và hàng hóa suy giảm mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 23/7, euro chỉ đổi được 94,24 yên, giảm 0,7% so yên Nhật, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2000; đồng tiền chung này cũng giảm 4 phiên liên tiếp so USD với 1 euro đổi được 1,2067 USD, giảm 6% trong năm nay.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/7 tại New York, giá dầu WTI giao tháng 9 giảm 11% so với đầu năm xuống mức 87,99 USD/thùng, dầu thô Brent giao dịch ở mức 103,25 USD/thùng.

Theo đánh giá của OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA cùng nhiều báo cáo khác, xu hướng dầu giảm giá vẫn chi phối thị trường năm 2012 do triển vọng kinh tế thế giới mờ mịt, nhu cầu về dầu mỏ yếu ớt, trong khi sản lượng dầu khai thác tăng không ngừng.

Theo dự báo mới nhất của OPEC, kinh tế toàn cầu năm 2012 chỉ tăng dưới 3,3%. Trong đó, GDP tăng 2,2% tại Mỹ, giảm 0,4% tại khu vực euro, kinh tế Nhật Bản đang phục hồi nhưng cũng chỉ tăng 2,0%. Tăng trưởng chậm tại các nước phát triển làm giảm nhu cầu chi tiêu, tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của phần còn lại trên thế giới, trong đó có các nền kinh tế mới nổi, hầu hết các phân tích đều điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng tại khu vực kinh tế này. Tăng trưởng kinh tế tại Ấn Độ được điều chỉnh giảm 0,5% xuống 6,4% và điều chỉnh giảm 1,5-2,0% tại Brazil xuống còn 1,8-2,0%, kinh tế Nga và Nam Phi chỉ tăng lần lượt 4,0% và 2,6%. Là một nước tiêu thụ dầu thứ 3 toàn cầu (sau Mỹ và EU), xuất khẩu của Trung Quốc năm 2012 dự kiến chỉ tăng 4,9%, thấp hơn mức tăng 15,1% của năm 2011, nên nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên liệu đầu vào giảm mạnh, tác động đáng kể đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Theo dự báo của OPEC, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2012 tăng 0,9 triệu thùng/ngày so năm 2011 lên 88,68 triệu thùng/ngày. Trong sáu tháng đầu năm, nhu cầu dầu không rõ ràng, nhưng mức độ bất ổn trong sáu tháng cuối năm còn cao hơn. Trong thời gian tới, yếu tố mùa vụ tại bán cầu Bắc, giá bán lẻ xăng dầu và suy giảm kinh tế có thể sẽ tiếp tục tác động giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, việc Nhật Bản tái khởi động một số nhà máy điện hạt nhân cũng giảm nhẹ áp lực nhập khẩu dầu mỏ vào quốc gia này.

Báo cáo ngày 10/7 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng đưa ra con số tương tự như báo cáo của OPEC sau khi điều chỉnh giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2012 xuống còn 88,64 triệu thùng/ngày, chỉ tăng 130.000 thùng/ngày từ mức tăng 670.000 thùng/ngày theo dự báo trước đây do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn.

Trong khi đó, sản lượng dầu khai thác năm 2012 tăng mạnh và đạt trên 91 triệu thùng/ngày do nhiều nước đã chủ động được nguồn cung nhằm hạn chế bất ổn trên thị trường dầu mỏ thế giới, nhất là tác động xấu của bất ổn chính trị. Trong đó, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ và dầu cát tại Canada cũng như tại các nước Mỹ La tinh tăng mạnh, tiếp đến là sản lượng dầu tại các nước thuộc Liên Xô cũ, sản lượng dầu sinh học tiếp tục được quan tâm và phát triển. Lượng dầu cung ứng từ các nước ngoài OPEC dự kiến tăng 0,67 triệu thùng/ngày so năm 2011 lên 53,07 triệu thùng/ngày, tăng 0,03 triệu thùng/ngày so dự báo trước đó. Sản lượng dầu khai thác của OPEC và các nguồn khác tăng trên 1,0 triệu thùng/ngày lên gần 38,0 triệu thùng/ngày.

Do nhu cầu giảm, OPEC dự kiến sẽ giảm khoảng 0,9% lượng dầu xuất khẩu xuống 23,78 triệu thùng/ngày, mục tiêu là phục hồi giá dầu lên mức hợp lý nhằm kiềm chế nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo cân đối thu chi do chi phí khai thác dầu ngày càng tăng.

Trong điều kiện hiện nay, giá dầu thế giới trong 5 tháng cuối năm 2012 có nhiều khả năng sẽ ổn định trong khoảng 90-100 USD/thùng, giá dầu tại các nước OPEC sẽ đạt mức trung bình 103-104 USD/thùng.

Quang Hải

sbv

Các tin tức khác

>   Dầu đảo chiều tăng trong chưa đầy 30 phút cuối (26/07/2012)

>   Gas tăng giá bán cho đại lý vì thiếu hàng (25/07/2012)

>   Ông Nguyễn Tiến Thỏa: “Không thể thích tăng giá xăng là được” (25/07/2012)

>   Dầu tăng lần đầu trong 3 phiên nhờ số liệu sản xuất Trung Quốc (25/07/2012)

>   Dầu lao dốc 4% xuống sát 88 USD/thùng do nỗi lo châu Âu (24/07/2012)

>   Lo ‘xổng’ giá xăng dầu khi thả về cho doanh nghiệp (23/07/2012)

>   Đà tăng giá dầu có thể chững lại do nỗi lo Tây Ban Nha (23/07/2012)

>   Nhiều nhãn hiệu gas hụt hàng (22/07/2012)

>   "Thị trường dầu khí thế giới đang trở lại bình thường” (22/07/2012)

>   Dầu dừng 7 phiên tăng nhưng vẫn nhảy vọt 5%/tuần (21/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật