Thứ Ba, 03/07/2012 08:48

Sôi động sóng giao dịch nội bộ

Tháng 5 và 6, chứng khoán rơi vào thời kỳ thoái trào sau giai đoạn phục hồi quá đà vài tháng trước. Lúc này thị trường lại chứng kiến sự sôi động khác trong các giao dịch giữa cổ đông lớn và cổ đông nội bộ.

Nội bán…

Sự thiếu thốn về tiền mặt, nhu cầu tái cấu trúc hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng như chủ trương thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước đã làm thị trường liên tục xuất hiện các giao dịch bán ra với khối lượng lớn của các cổ đông lớn và nội bộ. Chính điều này làm cho cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp có nhiều thay đổi.

Mặc dù TPC được xem là doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt, tỷ lệ cổ tức hàng năm lên đến 20% nhưng cổ đông lớn - Công ty TNHH Quế Trân vẫn đồng thời mua 10,000 cp và bán 672,050 cp TPC, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ từ 7.92% xuống 4.81%.

Công ty Tài chính Cao su VN đã bán gần 1.3 triệu cp CDC và giảm tỷ lệ sở hữu từ 19.46% xuống 10.87% chỉ trong vòng 4 ngày từ 04/06 đến 08/06. Đến 20/06, tổ chức này tiếp tục bán hết số lượng cổ phần nắm giữ và chính thức nói lời “chia tay” với CDC. Hiện danh tính những nhà đầu tư mua cổ phiếu CDC đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Bên cạnh đó, PhongphuCorp đã bán tổng cộng 840,200 cp PVL nhằm giảm tỷ lệ sở hữu 6.66% xuống còn 4.98% sau nhiều năm gắn bó nhưng kết quả đầu tư không đem lại như mong muốn.

Với PVV, chỉ trong vòng 2 tháng, công ty chứng kiến sự ra đi của một loạt cổ đông lớn: Chứng khoán MB (MBS) liên tục bán cổ phiếu, hạ tỷ lệ nắm giữ từ 14.53% xuống còn 4.33%. Trước đó, từ ngày 10/05 đến 18/05, Oceanbank đã bán hết toàn bộ 5 triệu cổ phiếu, chiếm 18.67% vốn điều lệ PVV và không còn là cổ đông của công ty này. Hay CTCP Đầu tư và phát triển Hòa Bình, chỉ trong một ngày 31/05 đã bán 3.64 triệu cổ phiếu, tương đương 12.13% vốn của PVV.

Hiện PVV chỉ mới đón nhận thêm một nhà đầu tư mới là CTCP Đầu tư F.I.T. Tổ chức này lần lượt mua 2.36 triệu cp, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 7.87% vào đầu tháng 5/2012, sau đó tiếp tục mua thêm 1.64 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 5, nâng sở hữu lên 12.66%.

Tương tự, với chiến lược cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành, PVF lần lượt bán hơn 2 triệu cổ phiếu PTL, thoái vốn còn 5.95% và bán 5 triệu cổ phiếu PVS vào ngày 18/06, giảm sở hữu còn 5.85%.

Còn PTL thì bán hơn 2.3 triệu cp PSG và không còn là cổ đông lớn của công ty này sau khi dự án Khách sạn Petroland Tây Ninh mà PTL, PSG và một số đối tác cùng hợp tác đã bị thu hồi năm 2011.

Không chỉ cổ đông lớn là tổ chức mà cả cá nhân cũng thông báo thoái vốn để “đáp ứng nhu cầu cá nhân” như bà Nguyễn Thị Hoàng Anh thông báo bán 288,900 cp MAX và không còn là cổ đông lớn của công ty này.

…ngoại mua

Trái ngược với diễn biến trên, chỉ trong vòng 1 tháng đã có hàng chục tổ chức và cá nhân trên thị trường đăng ký mua vào với khối lượng lớn khi mà giai đoạn điều chỉnh đã làm cho nhiều mã chứng khoán sụt giảm 20–30%, thậm chí 50% so với mặt bằng trước đó. Đây là mức giá hợp lý để đầu tư cho trung và dài hạn khi nền kinh tế thực sự phục hồi và rủi ro được kiểm soát ở mức thấp.

Đáng chú ý là việc Maybank Kim Eng Securities Pte.Ltd liên tục thu gom cổ phiếu hạng ruồi ở sàn HNX và UPCoM như VLA, HEV, ECI, WCS, BTW, DBM, ngoại trừ BT6 ở sàn HOSE và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu từ 5–10% trở lên. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là đều có vốn điều lệ thấp trên dưới 50 tỷ đồng, cổ phiếu có thanh khoản thấp và tính đầu cơ cao. Đây là điều kiện khá lý tưởng để tổ chức, hay cá nhân nào đó có động cơ thâu tóm hoặc làm giá cổ phiếu.

Có thể kể ra một loạt tổ chức nước ngoài đã và đang thu gom cổ phiếu trong tháng 5 và tháng 6 như Red River Holding nâng sở hữu VCS lên 18.46% và VNS lên 7.38%; Deutsche Asset Managerment đã mua 428,460 cp TDH, tăng tỷ lệ sở hữu từ 8.89% lên 10.02%; CFR International vét hết room của DMC với 45.9%; Orchid Fund Pte dự định mua thêm 11 triệu cổ phiếu FPT nhưng giao dịch bất thành do biến động giá không phù hợp; Lotus Mekong River Equity Fund cũng thông báo trở thành cổ đông lớn của DHL từ ngày 14/06 sau khi mua vào 5.64% vốn của công ty này.

Và bàn tay nội bộ

Trong bối cảnh thị trường rơi vào vòng xoáy ảm đạm, giá chứng khoán sụt giảm mạnh thì bàn tay của cổ đông nội bộ và ban lãnh đạo tham gia mua vào dù không tạo được hiệu ứng lớn nhưng cũng phần nào giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào tiềm lực của công ty.

Trong tháng 6, có thể kể đến một loạt cổ đông nội bộ đã và đang mua cổ phiếu của chính mình như Chủ tịch của NVN liên tục mua vào và dự kiến tăng sở hữu lên 19.48% khi đăng ký mua thêm 500,000 cổ phiếu nữa; ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc CII đã đăng ký mua 700,000 cp từ 29/06 đến 29/07 khi chứng kiến cổ phiếu công ty mình rơi vào chuỗi giảm sàn trước áp lực bán của các cổ đông lớn.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT vừa mua thêm gần 16 triệu cổ phiếu SCR, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24.9%, đưa ông vượt qua mặt cha mình, ông Đặng Văn Thành trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu SCR cũng nhờ đó có được một vài phiên tăng giá tích cực.

Trái lại, động thái của Chủ tịch HĐQT DLG tuyên bố sẽ mua 7-8 triệu cổ phiếu trong khi các cổ đông nội bộ và người liên quan lại không ngừng thoái vốn đã bị giới đầu tư e ngại. Do vậy, liên tục nhiều phiên giá cổ phiếu DLG vẫn chìm ngập trong làn sóng bán tháo, mặc dù lượng mua là khá đáng kể.

Một giao dịch khép lại tháng 6 chính là việc ông Trầm Trọng Ngân - con ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT của Sacombank (STB), đăng ký mua thêm 8 triệu cổ phiếu STB kết thúc quá trình thâu tóm và giành quyền điều hành ngân hàng về tay nhóm cổ đông đa số. Sự kiện này không làm cho giá STB tăng trưởng như giai đoạn đầu. Cổ phiếu này liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn khoảng 22,000 đồng/cp, giảm khá mạnh so với thời kỳ đỉnh cao trên 26,000 đồng/cp từng đạt được vào ngày 12/04/2012.

Viết Vinh (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   FLC: Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán, hai "sếp" khác mua vào 1.8 triệu cp (02/07/2012)

>   FLC: Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán, hai "sếp" khác mua vào 1.8 triệu cp (02/07/2012)

>   PVI: Phó Tổng giám đốc Phạm Anh Đức đăng ký bán hết 26,523 cp (02/07/2012)

>   PVI: Phó Tổng Giám đốc Phạm Anh Đức bán 10,000 cp (02/07/2012)

>   MSN: Em gái Thành viên Ban kiểm soát bán hết 114,900 cp (02/07/2012)

>   SSIVF bán hết 0.17% vốn tại GIL (02/07/2012)

>   COM: Saigon Petro đăng ký mua 500,000 cp (02/07/2012)

>   BGM: Tổng Giám đốc vi phạm CBTT (02/07/2012)

>   KKC: Ủy viên HĐQT mua thất bại 200,000 cp (02/07/2012)

>   IDV: Anh của Ủy viên HĐQT đăng ký bán 10,000 cp (02/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật