Quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Giải pháp nào tối ưu nhất?
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ thay đổi cơ chế sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu so với hiện nay. Theo đó, Quỹ bình ổn giá hiện đang bị phân tán ở doanh nghiệp nên việc kiểm soát số dư rất phức tạp, tốn thời gian, chi phí. Trao đổi với báo giới, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho rằng quỹ bình ổn giá nên tập trung tại kho bạc Nhà nước là phương án hợp lý.
° Phóng viên: Báo cáo kiểm toán có nhận định, việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu kể cả khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ là nguyên nhân tạo nên quỹ ảo. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
° Ông LÊ MINH KHÁI: Theo cơ chế của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được dùng khi giá xăng dầu thế giới biến động và được xây dựng trên cơ sở giá cơ sở. Giá cơ sở được tính toán trên giá nhập khẩu xăng, dầu 30 ngày cộng với các loại thuế, phí. Việc trích lập không phụ thuộc vào lỗ, lãi của từng doanh nghiệp và khi giá xăng dầu tăng cao thì doanh nghiệp được trích quỹ để bình ổn. Ở đây có vấn đề là trong 30 ngày đó, giá xăng dầu thế giới biến động lớn thì có những doanh nghiệp mua ở giá cao hoặc thấp nên có chuyện doanh nghiệp lỗ hay lãi vẫn phải trích giống nhau. Sở dĩ nói quỹ ảo vì thường trích quỹ thì phải có lãi để lúc lỗ có thể dùng quỹ bù đắp. Tuy nhiên, với cách tính hiện nay và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp về lãi, lỗ không được như nhau.
Những điều trên đã làm nảy sinh bất cập về cơ chế và chúng tôi cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính nghiên cứu làm sao để có cơ chế trích quỹ để hạn chế bất cập này.
° Ông đánh giá sao về đề xuất của Bộ Tài chính về việc quỹ này nên được quản lý tập trung tại Kho bạc nhà nước?
° Theo quy định là quỹ giữ ở doanh nghiệp. Sau khi kiểm tra, dư luận không tin vì tính công khai có những lúc chưa được thường xuyên. Quyền sử dụng vốn giống như lọ nước đổ nước vào nhưng hút ra thì biết nước ở đâu. Trong quản lý, sử dụng vốn tài chính thì có việc hòa lẫn vào đó về nguồn tiền. Do đó, phải làm việc cân đối sao cho chặt chẽ nhưng không dễ. Việc rạch ròi tài sản và vốn đã khó khăn rồi. Do đó, nếu để quỹ ở doanh nghiệp thì phải hạch toán một tài khoản riêng để cân đối rõ nguồn tiền. Quan điểm của tôi là để quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách chặt chẽ thì cần làm theo cách là mở tài khoản riêng, dùng gì trong đó là phải rõ. Tuy nhiên, do chi phí và doanh thu của các doanh nghiệp là khác nhau, có lãi, có lỗ nên nói tiền nguồn gốc ở đâu là khó. Do đó, để chặt chẽ, dư luận yên tâm thì tôi nghĩ để quỹ ở kho bạc nhà nước sẽ là phương án hợp lý vì rõ ràng hơn.
Song nhìn ở góc độ doanh nghiệp, nếu như thiếu vốn mà nguồn vốn này để không lại lãng phí. Do vậy, quan điểm của tôi là trước mắt có thể để ở kho bạc nhà nước, còn về lâu dài cần nghiên cứu để làm sao cho hiệu quả nhất. Với những doanh nghiệp chắc chắn khoản đầu tư sẽ mang lại hiệu quả khi quỹ chưa dùng thì có thể sử dụng và khi cần có thể hoàn trả thì cũng nên có giải pháp tạm thời sử dụng. Tất nhiên, điều này cũng là khó vì cá nhân tôi cho rằng có nhiều yếu tố tác động. Vấn đề ở đây là chúng ta phải lựa chọn giải pháp nào tối ưu nhất.
"Việc không để doanh nghiệp quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu là hợp lý, thế nhưng đứng về quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp và đồng tiền đấy trong vòng 30 ngày về bản chất là đồng vốn lưu thông của doanh nghiệp. Trước mắt, tôi nghĩ là về góc độ nghiên cứu và dư luận xã hội nên làm sao cho hiệu quả nhất"
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
|
Hà My
Sài Gòn giải phóng
|