Phòng ngừa vỡ bong bóng tài sản: Lành mạnh tín dụng
Nhiều biểu hiện cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ bong bóng tài sản. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tham dự hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý kinh tế vĩ mô” do bộ Tài chính phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hôm 24.7 tại Hà Nội.
Theo GS Taisei Kaizoji, đại học Cơ đốc Quốc tế (ICU), đã có tới 71 cuộc đổ vỡ bong bóng tài sản diễn ra tại 21 quốc gia phát triển trong 3 thập kỷ qua. Từ bài học từ Nhật Bản và 21 quốc gia phát triển, ông Taisei Kaizoji, cho rằng, đổ vỡ bong bóng tài sản thường diễn ra sau đầu tư tăng lên; tín dụng mở rộng và cân đối tài khoản vãng lai suy giảm. Tại Việt Nam, từ giai đoạn 2006 – 2008 cũng xuất hiện những yếu tố này. Thể hiện qua dòng vốn đầu tư tăng mạnh (đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); tín dụng tăng trưởng cao (trên 30%, trong đó một tỷ trọng lớn đã được đổ vào bất động sản); thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế tăng mạnh. “Mặc dù thời điểm đó, lãi suất ngân hàng cao, song lạm phát cũng rất lớn, nên ai cũng muốn chạy đến ngân hàng vay tiền, mua bất động sản đẩy giá nhà đất tăng liên tục”, ông Taisei Kaizoji nhận xét.
Cùng mối quan tâm, song ông Takeshi Hachimura, nguyên cố vấn cao cấp của JICA tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lại cho rằng, tại Việt Nam “bong bóng vàng” còn đáng lo ngại hơn. Lòng tin của người dân được ông Takeshi Hachimura xếp theo thứ tự,lần lượt là vàng, USD rồi mới đến đồng Việt Nam (VND) và chính điểm yếu này đã bị lợi dụng làm gia tăng hành vi chuyển đổi ngoại tệ phi pháp vì mục đích bảo đảm an toàn cho tài sản. Khi bong bóng tan vỡ, một trong những hậu quả để lại là gia tăng nhanh nợ xấu của hệ thống tín dụng.
Một trong những giải pháp để phòng ngừa, xử lý bong bóng tài sản, theo ông Takeshi Hachimura là hiện đại hóa giao dịch tín dụng để có thể truy xuất nguồn gốc tín dụng, từ đó hạn chế phần nào tài sản tích lũy bất chính cá nhân; các hành vi trốn thuế của doanh nghiệp và thao túng lợi nhuận cũng như các giao dịch phi pháp mang tính quốc tế như buôn bán ma túy. Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình xóa bỏ giao dịch bằng tiền mặt, tiến tới khả năng chứng minh dựa vào các ghi chép giao dịch kể cả giao dịch bất chính, phi pháp.
GS đặc trách khoa Nghiên cứu thiết kế và quản trị hệ thống Keio Yasui Toshiyuki chia sẻ kinh nghiệm, trong “10 năm mất mát” ở Nhật, chính phủ nước này đã giảm dư nợ cho vay tới 100 ngàn tỷ Yên. Từ đó, ông gợi ý, Việt Nam cần duy trì tính lành mạnh của khu vực ngân hàng, tạo dựng hệ thống để nắm bắt được một cách thống nhất và liên tục vấn đề nợ xấu; xây dựng chế độ cảnh báo sớm và xử lý sớm, thanh khoản hóa tài sản. Cùng với đó, phải phòng chống sự xuất hiện rủi ro mang tính hệ thống khi xảy ra khủng hoảng, trong đó chú ý tới cú sốc đối với hệ thống sản xuất; cấu trúc lại khoản nợ của các doanh nghiệp có nợ xấu, lưu ý không tạo ra các “doanh nghiệp ma”.
Cùng mối quan tâm đến nợ xấu, trưởng ban thư ký Văn phòng bộ trưởng bộ Tài chính Shigeaki Okamoto cho rằng, Việt Nam nên tập trung thúc đẩy xử lý nợ xấu thông qua tăng cường giám sát tài chính; bảo đảm và hồi sinh kinh doanh của các doanh nghiệp đi vay lành mạnh; bảo vệ người gửi tiền và hoàn thiện mạng lưới an toàn để tránh các rủi ro mang tính hệ thống.
Thảo Nguyễn
Sài gòn tiếp thị
|