Phát hiện dùng hóa chất độc hại để sản xuất bia ở Trung Quốc
Nhân dân Nhật báo ngày 10.7 vừa công bố thêm những tình tiết mới của vụ sản xuất bia giả cỡ lớn tại TP.Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc bị phanh phui gần đây.
Khi khám xét xưởng sản xuất nước ngọt Hâm Hâm (tỉnh Cát Lâm) vào ngày 8.7, Sở kiểm tra chất lượng quốc gia đã phát hiện dây chuyền sản xuất bia ở đây sử dụng formaldehyde và axit công nghiệp hydrochloric độc hại, sản xuất hàng ngàn tấn bia giả nhằm kéo dài hạn sử dụng và tăng cường hương vị…
Cơ quan chức năng đã thu giữ 18.000 thùng bia, 120 chai bia chứa formaldehyde và 20 thùng chứa chất axit hydrochloric, 130.000 nhãn hiệu bia giả, 80.000 nắp chai. Các loại bia giả này được mang đi tiêu thụ tại một số tỉnh như Hắc Long Giang, Nội Mông, Liêu Ninh…
Theo truyền thông Trung Quốc, xưởng sản xuất này rất cũ nát, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh để sản xuất bia thông thường.
Cảnh sát cho biết, từ ngày 23.3.2012, đã phát hiện thấy trong kho của xưởng này rất nhiều vỏ chai bia Thanh Đảo, bia Cáp Nhĩ Tân và bia Tuyết Hoa (vốn là những loại bia rất thông dụng và được ưa chuộng trên thị trường Trung Quốc), mặc dù xưởng này vốn chỉ đăng ký sản xuất bia Liêu Tuyết.
Theo khai nhận của Cổ Học Trí, chủ xưởng sản xuất trên, ban đầu xưởng chỉ dám cho chất công nghiệp formaldehyde vào quy trình sản xuất để nhằm đánh lừa vị giác của người tiêu dùng. Nhưng từ ngày 11.6.2012, xưởng này cho thêm axit công nghiệp hydrochloric vào quy trình sản xuất.
Ngoài ra để giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, Cổ Học Trí đã ra lệnh cho công nhân đổ thêm nhiều nước vào quá trình lên men, giảm nồng độ đường mạch nha. Ước tính lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc làm phi pháp trên lên tới 2 triệu USD.
Từ đầu năm 2012 tới nay, Trung Quốc đã cho kiểm tra chất lượng 7.669 đơn vị sản xuất rượu trắng, 743 đơn vị sản xuất rượu vang, 1.820 đơn vị sản xuất bia rượu các loại, phát hiện 354 vụ sai phạm pháp luật về chất lượng.
Ngọc Bi
thanh niên
|